Theo ông Nguyễn Văn Phong, Phó Chánh văn phòng Bộ Tư pháp, số liệu trên Hệ thống theo dõi nhiệm vụ Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao từ ngày 01/01 đến 30/9/2022, Bộ Tư pháp đã nhận được 153 nhiệm vụ (tăng 106% so với cùng kỳ 2021) do Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao. Kết quả, Bộ Tư pháp đã hoàn thành 115 nhiệm vụ và không có nhiệm vụ quá hạn.
Phát biểu tại Toạ đàm, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp đều cho biết, các nhiệm vụ mà Bộ Tư pháp được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao yêu cầu ngày càng cao, mang tính khẩn trương, đột xuất.
Phát biểu tại Toạ đàm, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh: Việc thực hiện các nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ Tư pháp giao cho các đơn vị rất quan trọng.
Khi được giao nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất hay cấp bách, các đơn vị phải xử lý khẩn trương, bảo đảm tiến độ, chất lượng, nội dung, phù hợp với quy định của pháp luật, phương án đưa ra khả thi để bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất, thông suốt, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu trong công tác quản lý, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và ngành tư pháp.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh nêu rõ, các nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Tư pháp cũng nói lên sự ghi nhận, đánh giá cao vai trò của bộ, ngành tư pháp đối với công tác này, đúng với vai trò "gác gôn" trong công tác xây dựng thể chế, tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, minh bạch.
Một trong những vấn đề thường được các bộ, ngành, địa phương trao đổi, xin ý kiến Bộ Tư pháp là "vướng mắc trong áp dụng pháp luật". Tại các địa phương, lãnh đạo tỉnh cũng có yêu cầu Sở Tư pháp cho ý kiến về nhiều nội dung mà các sở, ngành băn khoăn. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh cho rằng công việc ngày càng nhiều, nặng nề và khẩn trương hơn đòi hỏi ngành tư pháp phải xử lý kịp thời khi các bộ, ngành cần có ý kiến tham vấn. Đây cũng là thế mạnh và sự nhìn nhận của các cấp, các ngành đúng vai trò quan trọng của ngành tư pháp đối với công tác này.
Lê Sơn