In bài viết

Thực phẩm xuất khẩu sang EU: Số lượng cần đi đôi với chất lượng

(Chinhphu.vn) - Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ và Kiểm dịch Động thực vật Việt Nam ( SPS Việt Nam) cho biết, tính đến ngày 20/2, EU có 16 cảnh báo về an toàn thực phẩm từ Việt Nam. Số lượng cảnh báo năm 2024 cũng tăng gần gấp đôi năm 2023.

24/02/2025 12:02
Thực phẩm xuất khẩu sang EU: Số lượng cần đi đôi với chất lượng- Ảnh 1.

Ông Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Gia tăng cảnh báo

Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho biết, giá trị xuất khẩu sản phẩm nông, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU (từ năm 2020 - 2024) theo số liệu của như sau: 2,91 tỉ USD; 3 tỉ USD; 4 tỉ USD; 3,6 tỉ USD và 4,21 tỉ USD (11 tháng năm 2024).

EU là khối quốc gia có những tiêu chuẩn an toàn thực phẩm cao trên thế giới - phần lớn nhờ vào bộ luật vững chắc của EU, nhằm đảm bảo thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Hệ thống cảnh báo nhanh về thực phẩm và thức ăn chăn nuôi (RASFF) là công cụ để đảm bảo thông tin cho phép phản ứng nhanh khi phát hiện ra các nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng trong chuỗi thực phẩm.

Hệ thống RASFF được kết nối trực tiếp với Văn phòng SPS Việt Nam nhằm cập nhật thông tin cảnh báo liên quan đến hàng nông sản thực phẩm và thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào EU.

Dẫn thông tin từ RASFF, Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, tổng cảnh báo của EU theo mối nguy đối với nông sản, thực phẩm toàn cầu trong năm 2024 và 2 tháng đầu năm 2025 lần lượt là 5.268 và 624.

Đáng chú ý, trong 8 cảnh báo về thực phẩm mới trong 2 tháng đầu năm 2025 của EU, có 4 cảnh báo liên quan đến sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, chiếm 50%.

Thống kê số lượng cảnh báo của EU theo một số quốc gia, vùng lãnh thổ trong năm 2024 và 2 tháng năm 2025 cho thấy, lượng cảnh báo với Việt Nam lần lượt là 114/5.268 (2,2%) và 16/624 (2,6%). Số lượng cảnh báo của Việt Nam cao hơn hẳn so với Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản trong cùng thời kỳ. Xét riêng cảnh báo đối với nông sản, thực phẩm của Việt Nam xuất khẩu vào EU theo các mối nguy từ năm 2023 tới tháng 2/2025, mối nguy bị cảnh báo hàng đầu là dư lượng hóa chất (thuốc trừ sâu và thuốc thú y) với tỷ lệ cảnh báo trong năm 2023, 2024 và 2 tháng đầu năm nay lần lượt là 38/67 (56,7%); 61/114 (53,5% ); 5/16 (31,3%).

Theo Văn phòng SPS Việt Nam, TPHCM và Hà Nội là 2 địa phương đứng đầu về số lượng bị cảnh báo. Trong năm 2023, 2024 và 2 tháng đầu năm nay, số lượng cảnh báo của EU với nông sản, thực phẩm từ TP.HCM lần lượt là 34/67 (50,7%); 42/114 (36,8%); 4/16 (25%). Với Hà Nội, con số lần lượt là: 7/67 (10,4%); 10/114 (8,8%) và 0%.

Trước tình hình này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chỉ đạo Bộ NN&PTNT cùng Bộ Công Thương tăng cường hướng dẫn, kiểm tra và giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản và thực phẩm xuất khẩu, đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm và kiểm dịch của thị trường EU.

Thực phẩm xuất khẩu sang EU: Số lượng cần đi đôi với chất lượng- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Anh Duy, Chủ tịch Công ty CP Toàn Cầu Thanh Niên - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Địa phương, doanh nghiệp vẫn 'khát' thông tin

Hôm nay (ngày 24/2), Văn phòng SPS Việt Nam phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai cấp bách các biện pháp tăng cường tuân thủ quy định an toàn thực phẩm của thị trưởng EU.

Tại Hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng người sản xuất và doanh nghiệp vẫn thiếu thông tin cập nhật về cảnh báo từ các thị trường nhập khẩu cũng như hướng dẫn về sản xuất để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu.

Ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Thuận cho biết, thanh long và thủy sản là hai sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của tỉnh. Sở NN&PTNT đã thường xuyên tuyên truyền và hướng dẫn sản xuất để đáp ứng nhu cầu các nước nhập khẩu. Tuy nhiên, những yêu cầu về nhập khẩu của EU là thách thức rất lớn của địa phương

Theo ông Tấn, để làm tốt việc này cần sự phối hợp các sở ngành địa phương và trung ương cùng các đơn vị tổ chức ngành hàng. "Bộ NN&PTNT cũng cần ban hành cập nhật các văn bản cập nhật và có các cẩm nang hướng dẫn để địa phương thực hiện được sát sao hơn", ông Tấn nhấn mạnh.

Nêu rõ hơn đề xuất về thông tin cho người sản xuất, ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đăk Lắk cho rằng yêu cầu nhập khẩu khá tổng hợp từ sản xuất đến chế biến, xuất khẩu. Tuy nhiên việc sản xuất có nhiều bất cập. "Hiện nay chưa có quy chuẩn cho các cây trồng, vật nuôi chủ lực để chúng tôi có thể dựa trên đó tuyên truyền. Cần có sự hợp nhất thông tin để các địa phương có các sản phẩm xuất khẩu chủ lực có cơ sở để tuyên truyền cho người sản xuất", ông Hà nhấn mạnh

Về phía đại diện doanh nghiệp, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam đề nghị nâng cao nhận thức, năng lực bằng cách tập huấn cho các địa phương, nông dân, doanh nghiệp sản xuất rau quả trọng điểm sang EU. Cùng với đó xây dựng các tài liệu hướng dẫn dễ hiểu các yêu cầu của EU trong trồng trọt, thu hái, bảo quản… để xuất khẩu.

Ông Nguyễn Anh Duy, Chủ tịch Công ty CP Toàn Cầu Thanh Niên đề xuất SPS cho rằng cần có đầu mối Văn phòng SPS tại phía Nam, vì nơi đây tập trung đến 70% sản phẩm nông sản cho xuất khẩu. "Thông tin đến với doanh nghiệp cần nhanh chóng, kịp thời và chi tiết hơn để kịp thời phối hợp với người sản xuất. Việc này vừa tránh thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp và không ảnh hưởng đến uy tín nông sản quốc gia khi xuất khẩu", ông Duy nêu quan điểm.

Thực tế việc triển khai đồng bộ các giải pháp để tuân thủ yêu cầu của các nước nhập khẩu đã từng có hiệu quả rất tốt. Dẫn chứng việc này, ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết: "Giai đoạn đầu khi Việt Nam mới gia nhập EU vào năm 2005, có những năm phía bạn đưa ra tới 600 cảnh báo. Nhưng sau khi triển khai hỗ trợ một cách đồng bộ, việc tuân thủ các yêu cầu về nông sản thực phẩm đã được nhận thức và thực hiện một cách chuẩn chỉ hơn".

Ông Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam chia sẻ: "Có ý kiến cho rằng, xuất khẩu nhiều sẽ song hành với cảnh báo nhiều. Đáng tiếc, đà tăng của xuất khẩu sau 4 năm chưa nổi 50%, trong khi số cảnh báo tăng gần 300%". Ông Nam cho rằng rất khó để giải thích, một cường quốc xuất khẩu nông sản, luôn giữ chắc một vị trí trong tốp 15 thế giới lại bị tăng cảnh báo theo cấp số nhân ở một thị trường được xem là thước đo, là chuẩn mực cho nông sản toàn cầu.

Đỗ Hương