Tuy nhiên, công ty gặp vướng mắc trong việc lựa chọn loại hợp đồng để giao kết với nhân viên, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của hai bên.
Bà Đoan hỏi, công ty có thể ký với nhân viên thời vụ dưới dạng hợp đồng cộng tác viên theo Bộ luật Dân sự được không? Công ty đã tham khảo ý kiến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và BHXH tỉnh thì được phản hồi là chỉ được ký hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động, bà hỏi, như vậy có đúng không?
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời bà Huỳnh Phan Thục Đoan như sau:
Điều 13 Bộ luật Lao động 2019 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2021) quy định, hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.
Hiện nay, Bộ luật Lao động 2019 không còn nội dung về hợp đồng lao động mùa vụ hoặc theo một công việc có thời hạn dưới 12 tháng. Điều 20 Bộ luật này quy định có 2 loại hợp đồng là: Hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng lao động xác định thời hạn. Trong đó:
Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.
Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.
Về trường hợp bà Huỳnh Phan Thục Đoan phản ánh, vì thời gian sử dụng lao động cho mỗi hợp đồng rất ngắn, tối đa là 7 ngày làm việc; sau nhiều tháng mới có nhu cầu sử dụng lại lao động nên công ty gặp vướng mắc về việc lựa chọn hợp đồng tên gọi thế nào cho phù hợp, bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ mỗi bên.
Theo luật sư, nhu cầu thuê mướn nhân viên kinh doanh, giới thiệu, bán sản phẩm cá, tôm theo thời vụ thu hoạch của công ty là nhu cầu sử dụng lao động đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu công ty và người lao động ký kết hợp đồng với một tên gọi nào đó (ví dụ gọi tên là hợp đồng cộng tác viên, hoặc hợp đồng khoán việc…) nhưng hợp đồng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì hợp đồng đó vẫn được coi là hợp đồng lao động, điều chỉnh theo quy định của Bộ luật Lao động.
Việc công ty thuê mướn lao động với thời hạn 7 ngày để làm việc tư vấn, giới thiệu, bán sản phẩm cho công ty; người lao động làm việc theo việc làm công ty giao, chịu sự điều hành của người quản lý, được công ty trả tiền công, tiền lương, thì hai bên phải thỏa thuận, giao kết bằng hợp đồng lao động, theo quy định của Bộ luật Lao động.
Tại Khoản 2 Điều 14 Bộ luật Lao động 2019 quy định, đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn dưới 1 tháng hai bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói (không bắt buộc giao kết bằng văn bản).
Trường hợp hợp đồng lao động xác định thời hạn dưới 1 tháng được giao kết bằng văn bản thì làm thành 2 bản, người lao động giữ 1 bản, người sử dụng lao động giữ 1 bản.
Căn cứ Khoản 1 Điều 124 Luật BHXH 2014, kể từ ngày 1/1/2018 người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên phải tham gia BHXH bắt buộc. Như vậy, đối với hợp đồng lao động có thời hạn dưới 1 tháng không phải tham gia BHXH bắt buộc.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội