Khi đó, Sầm Sơn cũng trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, hành chính, giáo dục - đào tạo, du lịch, dịch vụ, đầu mối giao thông, và có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa và của cả khu vực.
Để thực hiện được mục tiêu trên, tỉnh Thanh Hóa thuê đội ngũ tư vấn Hàn Quốc quy hoạch thành phố Sầm Sơn thành 11 khu chức năng chính bao gồm: Trung tâm hành chính - chính trị, không gian công cộng; đất đơn vị ở; các khu hỗn hợp; công viên đô thị; các khu du lịch; cụm tiểu thủ công nghiệp địa phương; các trung tâm chuyên ngành; các công trình đầu mối; đất giao thông; các khu vực khác như đất quốc phòng, đất tôn giáo, đất canh tác, thảm thực vật, đất mặt nước...
Đồ án quy hoạch nghiên cứu, mở rộng kết nối đô thị Sầm Sơn với thành phố Thanh Hóa, các trung tâm kinh tế lớn của tỉnh, các điểm du lịch: Hải Tiến, Hải Hòa và các di tích, danh lam, thắng cảnh trên địa bàn toàn tỉnh, đồng thời kết nối với các trung tâm lớn của cả nước.
Cũng theo quy hoạch này, phạm vi ranh giới được lập quy hoạch bao gồm toàn bộ địa giới hành chính thành phố Sầm Sơn với 8 phường và 3 xã, có tổng diện tích gần 4.500 ha. Thành phố này có quy mô dân số là 250.000 người, diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 3.908 ha.
Với tính chất, chức năng là đô thị du lịch biển của tỉnh Thanh Hóa và cả nước, Sầm Sơn sẽ là đô thị du lịch, nghỉ mát, nghỉ dưỡng, du lịch biển, phát triển dịch vụ, cụm chế xuất thủy sản và cụm nông nghiệp công nghệ cao phục vụ du lịch, đồng thời có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng./.