Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư – Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh điều này trong phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TPHCM, nhiệm kỳ 2020-2025, diễn ra sáng 15/7.
Theo bà Trương Thị Mai, trong nửa nhiệm kỳ vừa qua, TPHCM có những điểm khác biệt so với những địa phương khác trên cả nước.
Có thể thấy, Thành phó có một số mặt chịu tác động nghiêm trọng và nặng nề hơn, nhất là những vấn đề về an ninh phi truyền thống, môi trường, tội phạm, dịch bệnh và nhất là vấn đề dịch bệnh COVID-19.
Đại dịch đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến từng gia đình, từng người dân ở TPHCM. Toàn bộ hệ thống chính trị phải căng mình vào cuộc để nỗ lực giải quyết một cách cao nhất, vượt qua dịch bệnh.
Lúc cao điểm, Thành phố đã phải huy động hàng trăm nghìn người, trong đó có 80.000 cán bộ y tế có mặt tham gia giải quyết, cho thấy sự nghiêm trọng của dịch bệnh và sự nỗ lực của Thành phố cùng sư hỗ trợ của Trung ương để vượt qua dịch bệnh, mang lại cuộc sống bình thường cho người dân và sau đó là đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, theo Thường trực Ban Bí thư, dù trong bối cảnh khó khăn, TPHCM vẫn đạt những kết quả nổi bật.
Theo đó, Thành ủy đã nghiêm túc quán triệt, cụ thể hóa triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI và những nghị quyết, quy chế, quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư… Bà Mai khẳng định, dù trong điều kiện dịch bệnh, Thành phố đã có nhiều nỗ lực đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XI đi vào cuộc sống.
Ngoài ra, Thành phố đã có 51 đề án, chương trình để thực hiện 4 chương trình phát triển từ năm 2020 đến 2025, đó là Chương trình đột phá về mặt quản lý, Chương trình đột phá về phát triển hạ tầng, Chương trình đột phá về nguồn nhân lực và văn hóa, Chương trình đột phá về khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực TPHCM.
Theo bà Mai, 51 đề án, chương trình này không phải đơn giản, vì vậy, TPHCM cần nỗ lực rất lớn để cụ thể hóa và thực hiện nhiệm vụ đề ra.
Về chủ trương bố trí lãnh đạo chủ chốt không phải là người địa phương, Thành phố đã bố trí được 31 bí thư, 31 chủ tịch của các quận, 312 bí thư, 302 chủ tịch của các phường không phải là người địa phương. Thường trực Ban Bí thư biểu dương, đây là nỗ lực lớn và đến nay, Thành phố đã đạt được mục tiêu của Nghị quyết 06.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát kỷ luật Đảng được tăng cường, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Mặc dù Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực của thành phố mới thành lập nhưng đã theo dõi, chỉ đạo đối với 9 vụ án, 14 vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Thành phố cũng đổi mới phương thức lãnh đạo cấp ủy các cấp, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ… đảm bảo nguyên tắc lãnh đạo của đảng, nguyên tắc tập trung dân chủ.
"Tôi thấy lãnh đạo Thành phố rất gương mẫu nên đã lan tỏa được xuống cho cấp dưới, nhất là việc thực hiện tập trung dân chủ, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu Thành phố", bà Mai nêu rõ.
Về hạn chế, theo Thường trực Ban Bí thư, một số mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố còn chưa đạt, gặp nhiều khó khăn, thách thức. Qua đó, bà Mai đề nghị Thành phố tiếp tục tìm kiếm giải pháp để giải quyết các điểm nghẽn. Trong đó, vấn đề thuộc nội lực của Thành phố thì tập trung làm ngay, vấn đề liên quan đến Trung ương thì khẩn trương kiến nghị, phối hợp để giải quyết.
"Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ rất quan tâm đến sự phát triển của TPHCM vì Thành phố có vị trí rất quan trọng đối với đất nước. Vì vậy, những vướng mắc, tồn tại liên quan đến Trung ương thì đề nghị Thành phố khẩn trương kiến nghị để có giải pháp thúc đẩy, khắc phục nhanh".
Bày tỏ hy vọng TPHCM sẽ đạt được kết quả tăng trưởng cao trên các lĩnh vực trong nửa nhiệm kỳ còn lại, Thường trực Ban Bí thư đề nghị Thành phố tiếp tục gắn kết chặt chẽ mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nửa nhiệm kỳ còn lại với Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Nghị quyết 24 về phát triển vùng Đông Nam Bộ và Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố.
Theo bà Mai, sự phát triển của TPHCM không chỉ cho nhân dân Thành phố mà còn góp phần quan trọng cho phát triển đất nước, phát triển vùng Đông Nam bộ. Thành phố phát triển tốt sẽ có sức lan tỏa, là sự động viên, thúc đẩy cho sự phát triển của cả vùng và cả nước.
Ngoài ra, tiếp tục bảo đảm quốc phòng an ninh, chủ động xử lý vấn đề tội phạm, các điểm nóng, điểm phức tạp, kiểm soát, bảo đảm sự bình an cho người dân TPHCM.
Tiếp tục công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện tiêu cực, tha hóa trong cán bộ, đảng viên, biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa.
Chú trọng công tác cán bộ, tiếp tục chuẩn bị nguồn cán bộ chủ chốt cho nhiệm kỳ tiếp theo. Trong đó, chú trọng đến những cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt, trong sáng, có năng lực nổi trội, dám dấn thân, dám hy sinh; nâng cao tỉ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ; tiếp tục triển khai có hiệu quả Kết luận 14 của Bộ Chính trị về khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Bên cạnh đó, bà Mai cũng yêu cầu lãnh đạo TPHCM quan tâm đến các vấn đề thiết yếu của đời sống nhân dân.
"Có lẽ, đối với sự lãnh đạo của Đảng, thước đo quan trọng nhất là cuộc sống tốt hơn của người dân. Sự đồng thuận, niềm tin của người dân đối với Đảng là mục tiêu quan trọng của Đảng và của Đảng bộ TPHCM", Thường trực Ban Bí thư - Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai khẳng định.
Anh Thơ