![]() |
Chân giò hầm thuốc Bắc |
Bài thuốc: Thịt lợn nạc thái mỏng hoặc giã nhuyễn, nặn thành viên nấu với rau ngót là món ăn-bài thuốc bồi dưỡng sức khỏe rất tốt. Hay thịt nạc thăn 200 g, kỷ tử 15 g, đương quy 20 g, đại táo 10 quả, cho vào nấu thành canh (khi dùng vớt bỏ bã đương quy), có tác dụng bổ âm, bổ huyết, bổ can thận, dùng cho các trường hợp đau đầu, hoa mắt chóng mặt, cơ thể suy nhược, huyết hư thiếu máu, người bị bệnh lâu ngày mỏi mệt, gầy yếu.
Thịt mỡ: Vị ngọt, tính hàn, có tác dụng lương huyết nhuận táo, hành thủy tán phong, giải độc. Dùng để giải độc do thịt, gan từ các loại động vật khác rất tốt. Ngoài ra mỡ lợn còn có tính sát trùng, trị mụn nhọt. Mỡ lợn rán thành mỡ nước là thuốc bôi chữa bỏng rất công hiệu. Ngoài ra, mỡ lợn còn là một tá dược phổ biến trong các dạng thuốc mỡ dùng bôi ngoài theo kinh nghiệm dân gian.
Bài thuốc: Mỡ lợn 60 g nấu thành mỡ nước, thêm 60 g mật ong đun sôi, bảo quản trong lọ sứ, mỗi ngày pha 1 thìa với nước nóng ấm để uống khi bị ho nhiều khàn tiếng. Tay chân nứt nẻ: Mỡ pha với rượu nóng bôi vào chỗ nứt nẻ.
Da lợn: Vị ngọt, tính lương, vào thận, phế, có tác dụng nhuận phế, bổ âm, dưỡng da, dùng cho các trường hợp khô rát, bong da, đau sưng họng.
Bài thuốc: Da lợn tươi 500 g thái lát dài, nấu đến khi chín nhừ thì thêm 250 g đại táo bỏ hột, nấu nhuyễn, cuối cùng cho đường phèn; để nguội, ăn vào các bữa phụ… rất tốt cho người bị xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng...
Chân giò: Vị ngọt, mặn, tính bình, vào kinh vị, có tác dụng bổ huyết, thống nhũ, sinh cơ, liền sẹo. Dùng cho các trường hợp huyết hư, suy nhược, sản phụ ít sữa, mụn nhọt lở ngứa.
Bài thuốc: Móng giò lợn 1 cái nhỏ, lạc nhân 50 g, đại táo 10 quả, thêm gia vị hầm nhừ, dùng cho người thiếu máu, giảm bạch cầu và tiểu cầu. Mộc thông 21 g nấu lấy nước, bỏ bã, nấu với 2 cái chân giò lợn giúp làm tăng tiết sữa ở phụ nữ. Chân giò 2 cái, lạc nhân 50 g, đại táo 10 quả, tất cả hầm nhừ để dùng cho các trường hợp thiếu máu, giảm bạch cầu và tiểu cầu.
Óc: Bổ não, tăng cường trí tuệ, chủ trị nhức đầu, chóng mặt.
Bài thuốc: 1 bộ óc lợn, 15 g thiên ma, nấm hương, gừng hành, chút rượu vang, nước dùng gà, tất cả hấp cách thuỷ, dùng để chữa nhức đầu chóng mặt, động kinh, chân tay tê dại, hay quên. Chữa thần kinh suy nhược: Óc lợn 1 bộ, xuyên khung 15 g, chưng cách thuỷ, ăn nóng.
Tim: Vị ngọt mặn, tính hàn, không độc, vào tâm, phế, có tác dụng ích khí, bổ tâm, chữa kinh giản thương phong, trợ lực cho phụ nữ sau sinh.
Bài thuốc: Tim lợn 100 g, ngọc trúc 100 g nấu lấy nước bỏ bã, gừng tươi 15 g, hành sống 15 g… tất cả đun cho đến khi tim nhừ thì vớt tim ra đĩa; cho tiếp gia vị, đường trắng vào chỗ nước đun đến khi đặc thì đổ lên quả tim, thêm một ít dầu vừng, rất tốt cho người bị mạch vành, đái tháo đường, lao phổi. Tim lợn rửa sạch, rạch 1 lỗ rồi cho 9 g ngũ vị tử vào khâu lại, hầm cách thủy cho chín nhừ, dùng cho bệnh nhân hồi hộp loạn nhịp tim, mất ngủ, thở gấp, vã mồ hôi, kích ứng, khát nước.
Phổi: Vị nhạt, tính lạnh, có tác dụng mát phổi, giảm ho, trừ đờm.
Bài thuốc: Phổi lợn 200 g rửa sạch, thái nhỏ, bóp cho hết bọt nước, nấu với 60 g rau diếp cá, dùng để chữa viêm khí quản mạn tính. Chữa ho, đau vùng ngực, khó thở: Phổi lợn 200 g rửa sạch, thái nhỏ, bóp cho hết bọt nước, nấu với 100 g ý dĩ.
Tính ấm, có tác dụng bổ trung châu tỳ vị, bổ khí, có tác dụng chữa bệnh lao, mệt, yếu, nóng, trệ tích trong dạ dày, trẻ em cam tích da mặt vàng, đi lỵ.
![]() |
Dạ dày lợn hầm tiêu xanh |
Dạ dày:
Bài thuốc: Dạ dày lợn 1 cái nhồi hạt sen, nấu chín ăn hoặc nấu cho thật nhừ dùng trị tiểu rắt. Chữa đau dạ dày dạng hàn: Dạ dày lợn 1 cái làm sạch, cho 15 g hồ tiêu trắng đã nghiền nhỏ vào trong, ninh nhừ rồi ăn nóng; cách 3 ngày, ăn một lần. Trẻ em cam nhiệt: Dùng hoàng liên 5 lượng cho vào trong dạ dày lợn nấu nhừ, hoàn với cơm, dùng nước cơm để uống.
Gan: Vị đắng, hơi mặn, tính hơi ấm, có tác dụng bình can, làm sáng mắt, chữa viêm gan.
Bài thuốc: Gan lợn 300 g thái lát, đậu xanh 80 g, gạo tẻ 50 g, tất cả nấu cháo, thêm gia vị, ăn nóng, tốt cho người bị phù nề, tiểu rắt buốt, tiểu ít, suy dinh dưỡng.
Mật: Vị đắng, mùi tanh, tính lạnh, không độc, có công dụng giảm đau, tiêu sưng, kích thích tiêu hóa, bài tiết mật, sát khuẩn và thông đại tiện.
Bài thuốc: Mật lợn để nguyên hoặc cô đặc, phối hợp với hoàng bá để chữa bỏng; phối hợp với nghệ vàng hoặc gừng tươi để bôi chữa chốc đầu, nhọt độc… Chữa vết thương phần mềm: Cao mật lợn phối hợp với củ hành tươi, tỏi, lá trầu không, lá ớt.
Bầu dục: Vị mặn, tính lạnh, có tác dụng bổ khí, lợi bàng quang, giảm đau.
Bài thuốc: Bầu dục lợn có thể chữa thận hư, đau lưng, chân tay nhức mỏi bằng công thức bầu dục lợn 2 cái khía đôi, cho 20 g bột đỗ trọng và ít muối vào trong, ninh thật nhừ, ăn cả cái lẫn nước vào lúc đói. Chữa tiêu chảy cấp tính: Bầu dục lợn 1 quả thái nhỏ, trộn với bột cốt toái bổ, xào chín, ăn nóng.
Bong bóng: Vị mặn, ngọt, tính lạnh, có tác dụng lợi tiểu, tăng tiết sữa.
Bài thuốc: Bong bóng lợn nấu nhừ với lá đinh lăng và gạo nếp thành cháo ăn làm thuốc tăng tiết sữa. Chữa tiểu buốt, viêm tiết niệu, phì đại tuyến tiền liệt: Bong bóng lợn, dứa, đậu bắp, dưa leo, cà chua, dầu ăn, hành, gừng, rau thơm gia vị vừa đủ xào ăn.
Ruột già: Vị ngọt, nhạt, tính hơi lạnh, có tác dụng bổ hạ, tiêu viêm.
Bài thuốc: Ruột già lợn 2 đến 3 lạng ninh với hạt sen, ăn cả cái lẫn nước chữa viêm ruột mạn tính hoặc nấu với cây củ gió đất là bài thuốc chữa trĩ.
Lưu ý: Khi dùng sản phẩm của lợn nói chung cần kèm theo thức ăn nguồn thực vật như rau, củ có các mầu xanh thẫm và vàng đỏ (nhiều vitamin A và C, chất xơ) để hạn chế tác hại của mỡ động vật.
Lương y Vũ Tuấn Lương