In bài viết

Thường xuyên, liên tục giáo dục văn hóa giao thông để thấm nhuần trong nhân dân

(Chinhphu.vn) – Đây là chỉ đạo của Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác bảo đảm trật tự ATGT, sáng 4/1.

04/01/2019 15:34

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh:VG/Lê Sơn

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ biểu dương các bộ, ngành, đoàn thể, các cơ quan thông tấn, báo chí và Ban ATGT các địa phương đã nỗ lực triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm trật tự, ATGT trong năm 2018. Đặc biệt là Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và 44 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết vì TNGT giảm so với năm 2017, trong đó 17 địa phương giảm trên 10% số người chết.

Hoàn thiện thể chế và ban hành các văn bản quy pháp luật

Phó Thủ tướng Thường trực cũng chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến hạn chế, yếu kém trong công tác bảo đảm trật tự ATGT. Đó là, nhu cầu vận tải, số lượng phương tiện, mật độ tham gia giao thông tăng cao trong khi năng lực kết cấu hạ tầng còn hạn chế; ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông còn yếu kém; hạn chế về hiệu lực, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành và thực thi pháp luật bảo đảm trật tự ATGT; bất cập trong các quy định pháp luật…

Về nhiệm vụ năm 2019, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh đến 8 nhiệm vụ trọng tâm năm 2019 và đề nghị các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình, cũng như các nhiệm vụ cụ thể được giao trong Kế hoạch Năm ATGT 2019 của Ủy ban ATGT Quốc gia cần quyết liệt, nghiêm túc triển khai thực hiện sao cho hiệu quả để đạt được các mục tiêu đề ra là tiếp tục giảm tai nạn giao thông từ 5-10% về số vụ, số người chết, bị thương so với năm 2018; giảm 10% con số thương vong do tai nạn giao thông liên quan đến vận tải hành khách và xe mô tô, xe gắn máy; tiếp tục kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các đầu mối giao thông trọng điểm và tại các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM.

Đó là, hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách về bảo đảm trật tự ATGT, chống ùn tắc giao thông; lồng ghép mục tiêu ATGT, giảm ùn tắc giao thông trong các đề án chiến lược, quy hoạch cấp quốc gia, cấp tỉnh, thành phố, các dự án đầu tư tạo ra nhu cầu giao thông, vận tải lớn. Theo đó, ngay trong năm 2019, các bộ ngành cần tổng kết và xây dựng dự án Luật Giao thông đường bộ; sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định quy định bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với chủ xe cơ giới, Quy định pháp luật về thống kê tai nạn giao thông theo tiêu chuẩn quốc tế và các văn bản hướng dẫn.

Kiên trì xây dựng văn hoá giao thông an toàn và thân thiện

Đề cập đến việc tiếp tục xây dựng văn hoá giao thông, Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng, cần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT, trật tự đô thị; kiên trì xây dựng văn hoá giao thông an toàn và thân thiện môi trường cho mọi tầng lớp nhân dân. “Lấy xây dựng văn hoá an toàn trong cơ quan cơ quan quản lý Nhà nước, lực lượng thực thi công vụ và doanh nghiệp giao thông vận tải làm động lực, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục ATGT trong trường học với vai trò nêu gương của cha mẹ học sinh và thầy cô giáo; đồng thời phát huy vai trò của văn hoá, nghệ thuật truyền thống gắn  với các kênh thông tin hiện đại, mạng xã hội, phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của thanh, thiếu niên. Nhiệm vụ này cần thực hiện thường xuyên, liên tục, phong phú để tạo sự thấm nhuần trong các tầng lớp nhân dân”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.

Đối với nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về bảo đảm ATGT, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị tập trung vào nâng cao năng lực, hiệu lực của lực lượng tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm; đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, thuyền viên; đăng kiểm phương tiện; an toàn, an ninh hàng không; quản lý quy hoạch - trật tự xây dựng.

Xoá “điểm đen”, lối đi tự mở trong năm 2019

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm gắn với duy tu, bảo đảm ATGT và khai thác có hiệu quả các công trình hạ tầng hiện hữu; nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ hành lang ATGT đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa. Đối với công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông cần tập trung rà soát, xử lý các “điểm đen”, “điểm tiềm ẩn” nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, rà soát thu hẹp tiến tới xóa bỏ lối đi tự mở qua đường sắt, Bộ Giao thông vận tải và UBND các tỉnh, thành phố phải có danh mục, con số cụ thể về xoá điểm đen tai nạn giao thông, xoá lối đi tự mở trái phép qua đường sắt trong năm 2019 và các năm tiếp theo để kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện. Có biện pháp bảo đảm an ninh trật tự và ATGT tại các trạm thu phí BOT theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng tại Công điện số 82/CĐ-TTg.

Bên cạnh đó, xử lý nghiêm một số phần tử xấu kích động biểu tình, gây rối ở các trạm BOT và xử lý hình sự việc gian lận tại các trạm BOT như Công ty Yên Khánh vừa qua.

“Đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống dịch vụ vận tải nâng cao năng lực, chất lượng và giảm giá thu hút hành khách, hàng hoá sử dụng vận tải đường sắt, đường thuỷ nội địa, hàng hải, hàng không; đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát triển hệ thống vận tải công cộng trong đô thị, vùng tỉnh và liên tỉnh”, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ.

Thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với công tác quản lý, điều hành, tổ chức giao thông, hướng dẫn người tham gia giao thông cũng như hỗ trợ công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, kiểm soát chặt điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của các phương tiện cơ giới, đặc biệt là trong các khu vực trung tâm đô thị, gắn với khuyến khích người dân sử dụng phương tiện vận tải công cộng.

“Quản lý chặt chẽ hoạt động xây dựng bảo đảm việc đầu tư, xây dựng mới hoặc điều chỉnh, sắp xếp các khu công nghiệp, đô thị, các trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện... trong các đô thị phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải công cộng”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghj. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Nâng cao đạo đức, trách nhiệm của lái xe với cộng đồng

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết: Năm 2019 sẽ trình sửa đổi Luật Giao thông đường bộ, các văn bản quy phạm pháp luật để bảo vệ người dân, người tham gia giao thông vì tính mạng con người là trên hết.

Về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, Bộ Giao thông vận tải sẽ báo cáo Chính phủ đề án tổng thể về công tác duy tu sửa chữa đường bộ.

Năm 2019, sẽ xoá dứt điểm các “điểm đen” (hiện còn 44 “điểm đen” và 162 “điểm tiềm ẩn”), đề nghị các địa phương phối hợp với Bộ Giao thông vận tải để xoá các “điểm đen” này, không để xảy ra tai nạn giao thông.

“Đồng thời, triển khai kiểm tra sát hạch, đào tạo, cấp giấy phép lái xe chặt chẽ hơn, cả trong lý thuyết và thực hành. Trong đó, có giám sát đạo đức của lái xe, nâng cao trách nhiệm của lái xe với cộng đồng xã hội”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.

Đánh giá về kết quả xử lý các “điểm đen” tai nạn giao thông năm 2018, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Nguyễn Văn Huyện cho biết: Trên hệ thống quốc lộ đã xử lý 322 “điểm đen”, với gần 500 tỷ đồng, hiện còn 44 “điểm đen”, trong quý I sẽ xoá dứt điểm 44 “điểm đen” này vì kinh phí đã có sẵn.

Tuy nhiên, ông Huyện cho biết, vẫn còn 161 “điểm tiềm ẩn” tai nạn giao thông cũng cần có biện pháp xử lý. Trước mắt, có giải pháp như sơn trên đường, xây gờ giảm tốc, lắp đặt biển báo giao thông… Đây là những biện pháp ít tốn kém nhưng có hiệu quả cao.

Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) Vũ Đỗ Anh Dũng cho rằng, cần tìm ra các nguyên nhân và giải pháp để phân định rõ trách nhiệm, có giải pháp tốt hơn trong công tác bảo đảm trật tự ATGT.

Đồng thời, xây dựng quy chế và quy định về công tác tổ chức giao thông, lắp đặt biển báo giao thông giữa 2 ngành công an và giao thông vận tải, cần có sự phối hợp và chặt chẽ giữa 2 ngành.

Thời gian tới, lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ trình Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Chỉ thị về tiếp tục nâng cao hiệu lực công tác bảo đảm trật tự ATGT trong tình hình mới, mở các đợt cao điểm tuần tra kiểm soát trật tự ATGT, kiểm tra hành chính các phương tiện giao thông (nhất là đối với xe khách, xe container, xe tải). “Trong thời gian tới, lực lượng cảnh sát giao thông đặt trọng tâm vào công tác điều tra tai nạn và tuần tra kiểm soát”, ông Vũ Đỗ Anh Dũng nói.

Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: Bộ Y tế đã xây dựng các phác đồ điều trị cho nạn nhân tai nạn giao thông, tổ chức hướng dẫn và kiểm tra sức khoẻ cho người lái xe. Tuy nhiên, ông Khuê cho biết, hệ thống cấp cứu trên đường cao tốc còn khiêm tốn dẫn đến việc cấp cứu người bị tai nạn giao thông rất khó khăn, nguy cơ tử vong cao do không được cấp cứu kịp thời.

Lê Sơn