In bài viết

Thụy Sĩ cam kết hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn

(Chinhphu.vn) - Thụy Sĩ hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn và thực hành sản xuất tuần hoàn; kinh tế số và chuyển đổi số theo xu hướng xanh hóa, Bộ trưởng Guy Parmelin khẳng định.

16/01/2023 23:46
Thụy Sĩ cam kết hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà hội đàm với Ủy viên Hội đồng liên bang, Bộ trưởng Kinh tế, Giáo dục và Nghiên cứu Thụy Sĩ Guy Parmelin - Ảnh: VGP/Hải Minh

Nhân dịp tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh thế Thế giới (WEF) tại Davos, sáng ngày 16/1 (giờ địa phương), Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã hội đàm với Ủy viên Hội đồng liên bang, Bộ trưởng Kinh tế, Giáo dục và Nghiên cứu Thụy Sĩ Guy Parmelin.

Tại cuộc hội đàm, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Guy Parmelin bày tỏ vui mừng trước sự phát triển tốt đẹp của quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Thụy Sĩ trong suốt 50 năm qua, đặc biệt trong các lĩnh vực chính trị-ngoại giao, kinh tế, hợp tác phát triển, khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo… Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trân trọng chuyển lời hỏi thăm của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam đến Bộ trưởng Guy Parmelin.

Phó Thủ tướng cho  biết trong 11 tháng năm 2022, trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam-Thụy Sĩ đạt 721,3 triệu USD. Thụy Sĩ có 197 dự án đầu tư FDI đang hoạt động tại Việt Nam với tổng vốn đạt 1,89 tỷ USD, đứng thứ 21/140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Thụy Sĩ cam kết hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng đề nghị Thụy Sĩ đầu tư vào các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, môi trường, đổi mới sáng tạo, quản trị hiện đại...- Ảnh: VGP/Hải Minh

Với thị trường gần 100 triệu dân, đã ký kết và thực thi 15 Hiệp định thương mại tự do, đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp, Việt Nam đang trở thành một thị trường hấp dẫn với nhiều cơ hội to lớn về hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với các nước và trung tâm lớn trên thế giới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng đề nghị Thụy Sĩ đầu tư vào các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, môi trường, đổi mới sáng tạo, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Thụy Sĩ cam kết hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn - Ảnh 3.

Bộ trưởng Guy Parmelin đánh giá cao cam kết giảm phát thải của Việt Nam tại COP26 và chúc mừng Việt Nam đã đạt được Thỏa thuận chuyển đổi năng lượng công bằng với các nước G7 và các đối tác phát triển - Ảnh: VGP/Hải Minh

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ trưởng Guy Parmelin cùng phối hợp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Thụy Sĩ đầu tư kinh doanh lâu dài tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực Thụy Sĩ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như tài chính-ngân hàng, bảo hiểm, công nghiệp chế tạo, dược phẩm, chế biến nông sản, năng lượng tái tạo, du lịch.

Về hợp tác thúc đẩy tăng trưởng xanh, để chuyển đổi năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo, Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam cần hợp tác nghiên cứu và đổi mới sáng tạo để đạt được mục tiêu phát thải bằng 0 vào năm 2050, theo đó, mong muốn Thụy Sĩ tham gia vào các hình thức hợp tác để giúp các nước đang phát triển giảm phát thải.

Bộ trưởng Guy Parmelin đánh giá cao cam kết giảm phát thải của Việt Nam tại COP26 và chúc mừng Việt Nam đã đạt được Thỏa thuận chuyển đổi năng lượng công bằng với các nước G7 và các đối tác phát triển.

Thụy Sĩ cam kết hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn - Ảnh 4.

Phó Thủ tướng đề nghị Thụy Sĩ hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực giáo dục-đào tạo và khoa học-công nghệ, đào tạo đặc biệt trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đào tạo nghề - Ảnh: VGP/Hải Minh

Thụy Sĩ hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn và thực hành sản xuất tuần hoàn; kinh tế số và chuyển đổi số theo xu hướng xanh hóa, Bộ trưởng Guy Parmelin khẳng định.

Về tiến trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA), hai bên nhất trí việc hoàn tất đàm phán sẽ mở ra nhiều cơ hội cho thương mại và đầu tư giữa hai bên. Phó Thủ tướng đề nghị Thụy Sĩ tiếp tục phối hợp với Việt Nam thúc đẩy việc đàm phán FTA Việt Nam–EFTA trong thời gian tới; khẳng định Việt Nam sẵn sàng trở thành cầu nối để EFTA tiếp cận và mở rộng thị trường tại khu vực ASEAN.

Về hợp tác đa phương, Phó Thủ tướng chúc mừng Thụy Sĩ lần đầu tiên trúng cử làm Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Hai bên nhất trí tăng cường phối hợp quan điểm và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế mà hai bên đều là thành viên.

Phó Thủ tướng đề nghị Thụy Sĩ, với hệ thống giáo dục tiên tiến và nền khoa học công nghệ phát triển hàng đầu thế giới, tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực giáo dục-đào tạo và khoa học-công nghệ, đào tạo đặc biệt trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đào tạo nghề; tiếp tục tạo điều kiện để cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ ổn định cuộc sống, hòa nhập vào xã hội sở tại, phát huy vai trò cầu nối thúc đẩy quan hệ hai nước.

Sau hội đàm, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Guy Parmelin chủ trì cuộc trao đổi với các doanh nghiệp và nhà đầu tư Thụy Sĩ.

Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp Thụy Sĩ và các lãnh đạo, đại diện một số tập đoàn hàng đầu của Thụy Sĩ trong các lĩnh vực bảo hiểm, bán lẻ, y tế, dược phẩm, sản xuất chế tạo… đều bày tỏ ấn tượng trước thành tựu phục hồi kinh tế Việt Nam và đánh giá cao triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới.

Các doanh nghiệp cho rằng việc sớm hoàn tất đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và khối EFTA sẽ giúp thúc đẩy mạnh mẽ thương mại và đầu tư của các doanh nghiệp Thụy Sĩ tại Việt Nam; bày tỏ mong muốn mở rộng quy mô đầu tư và thúc đẩy hợp tác kinh doanh tại Việt Nam.

Trước những chia sẻ và quan tâm của các doanh nghiệp Thụy Sĩ, Phó Thủ tướng đã giải đáp cụ thể, cặn kẽ các câu hỏi, những vấn đề quan tâm của các nhà đầu tư, cũng như đề xuất biện pháp, hướng giải quyết những vướng mắc còn tồn tại và gợi mở nhiều đề xuất về đầu tư xanh, bảo vệ môi trường./.

Hải Minh