Bảo hiểm y tế: Vượt chỉ tiêu được giao
Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam cho hay, đến thời điểm hiện nay, đã có gần 81 triệu người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), chiếm 86,4% và vượt 3% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao trong Quyết định 1167/QĐ-TTg. Có thể nói, chúng ta đang tiến dần, tiến vững chắc đến mục tiêu BHYT toàn dân mà Quốc hội cũng như Chính phủ đã đặt ra.
Đây là thông tin từ chương trình tọa đàm trực tuyến “Kết quả thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế: Những vướng mắc cần tháo gỡ” do Báo Đại biểu nhân dân tổ chức chiều ngày 25/12.
Ông Sơn cũng thông tin thêm, đã có hơn 13,5 triệu người lao động tham gia vào chính sách BHXH bắt buộc và gần 250.000 người tham gia vào BHXH tự nguyện. Đến thời điểm 25/12, số nợ BHXH chỉ còn hơn 5.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 3%, giảm 0,8% so với năm 2016.
Riêng trong lĩnh vực BHYT, đến ngày 25-12, toàn ngành đã đạt được chế độ khám, chữa bệnh, bảo đảm cho hơn 170 lượt triệu người đi khám BHYT, với tổng số chi dự kiến theo đề nghị của các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc khoảng trên 85.000 tỷ đồng.
Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, nhận định, độ bao phủ BHYT đã đi trước Nghị quyết của Quốc hội hơn 2 năm. Có thể nói, người dân đã thiết tha và quan tâm hơn đến các chính sách BHXH, BHYT. Tuy nhiên, thực tế 70% người tham gia trong tổng số bao phủ đó là từ ngân sách nhà nước hỗ trợ. Chỉ có 30% người dân tự đóng tiền, điều này thể hiện rõ sự lệ thuộc vào ngân sách nhà nước.
Thách thức thứ hai trong lĩnh vực BHYT là còn khoảng 14-15% trong số 2,2 triệu học sinh, sinh viên thuộc đối tượng bắt buộc phải đóng BHYT nhưng chưa tham gia. Còn lại nhóm người giàu, có điều kiện, nhưng chưa tham gia. Nếu nói chính sách BHYT là chia sẻ thì “không phải những người có điều kiện chia sẻ cho người không có điều kiện, mà chủ yếu là người không có điều kiện chia sẻ cho nhau”, ông Lợi nhấn mạnh.
Ngoài ra, hiện nay, nhu cầu chăm sóc sức khỏe, y tế ngày càng cao nhưng mức đóng lại rất thấp, trong khi chúng ta lại đòi hỏi phải sự chăm sóc y tế tốt nhất. Điều này gây áp lực cho các bệnh viện/cơ sở khám, chữa bệnh. Rõ ràng, đây là thách thức cần phải nghiên cứu để điều chỉnh trong tương lai.
PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, băn khoăn về vấn đề chi tiền túi từ người dân trong y tế. Trong tương lai, theo lộ trình của Bộ Y tế, hầu hết các bệnh viện phải tự chủ tài chính. Việc thực hiện Nghị định 47 mới chỉ tính được 4/7 cấu thành giá, còn nếu tính 7/7 cấu thành thì quỹ BHYT có bổ sung thêm được 3 cấu thành giá hay không, hay người dân phải trả thêm 3 cấu thành giá đó. Nếu BHXH chi trả, quỹ bảo hiểm sẽ bị ảnh hưởng; còn nếu người dân phải trả, chi phí đó sẽ gây ra thảm họa tái nghèo cao hơn cho họ.
Bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn nêu một nghịch lý là tại các tỉnh khó khăn, có nhiều người nghèo lại có tỷ lệ bao phủ BHYT cao hơn một số địa phương có nhiều người thu nhập cao. Đơn giản vì Nhà nước chi trả khoản này cho người nghèo, người cận nghèo, người thuộc diện chính sách. Điều này có vẻ trái ngược, bởi người nghèo ở vùng sâu, vùng xa rất khó tiếp cận dịch vụ y tế tốt. Do đó, cần có những giải pháp để chăm sóc sức khỏe người dân ở vùng sâu, vùng xa tốt hơn, giúp người nghèo ở đây đến với các dịch vụ y tế dễ dàng hơn. Đây chính là điểm mấu chốt của công bằng xã hội trong tiếp cận BHYT.
Thách thức về độ bao phủ bảo hiểm xã hội
TS. Bùi Sỹ Lợi nhận định, chúng ta đang đứng trước những thách thức hết sức khó khăn đối với hai chính sách về an sinh xã hội. Riêng đối với BHXH, thách thức lớn nhất là độ bao phủ.
Trong khu vực có quan hệ lao động hiện nay, đối tượng bắt buộc phải tham gia BHXH mới có được gần 14 triệu người tham gia, và mới đáp ứng được 60 đến 70% tổng lực lượng lao động đang làm việc. Vẫn còn 5 đến 6 triệu người thuộc đối tượng này không tham gia. Đấy là thách thức lớn, cần có giải pháp tích cực. Hiện nay, 70% lực lượng lao động ở nước ta là lao động phi chính thức, nhưng chỉ có 250 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện, cho thấy dư địa của BHXH còn rất nhiều.
Một thách thức nữa là từ thời điểm 1/1/2018, Luật BHXH 2014 sẽ bắt đầu áp dụng thêm quy đinh một số đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc. Thí dụ, những người lao động từ một tháng trở lên có hợp đồng lao động, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải tham gia vào chính sách BHXH bắt buộc. Do đó, công tác tổ chức thực hiện sẽ như thế nào. Cũng từ thời điểm này, Nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ cho người lao động để tham gia vào hệ thống BHXH. Theo đó, người lao động thuộc hộ nghèo được Nhà nước hỗ trợ 30% tiền đóng BHXH để tham gia vào BHXH, người lao động hộ cận nghèo là 20% và các đối tượng hộ khác là 10%. Trong bối cảnh ngân sách nhà nước đang gặp khó khăn cho cả lĩnh vực đầu tư và chi thường xuyên, đặc biệt là cho những chính sách an sinh xã hội, đây thực sự là hai thách thức cốt lõi đối với BHXH.
Đề cập đến giải pháp tháo gỡ cho chính sách BHXH, BHYT tiếp tục phát triển vững chắc, TS. Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho hay, trọng tâm là tiếp tục nâng cao nhận thức xã hội về BHYT, BHXH. Cần làm rõ cho người dân hiểu đâu là vấn đề có tính chất ngắn hạn và dài hạn, đâu là vấn đề chia sẻ và không chia sẻ. Để tự dự phòng cho bản thân, người dân phải nhận thức được phần nào được bao cấp, phần nào chỉ là hỗ trợ…
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng đề nghị rà soát để hoàn thiện hệ thống pháp luật về BHXH, BHYT. Như hiện nay, vấn đề hưu trí đang nổi lên những bất cập cần giải quyết. Người đóng BHXH trước để cho người sau hưởng, vẫn còn bao cấp trong nội bộ những người đóng BHXH để giải quyết chế độ lương hưu cho nhau là không đúng.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi cũng đồng tình với ý kiến này và lưu ý quan trọng đến Luật BHXH và Luật BHYT, qua đó có thể xử lý vướng mắc, tạo ra sự năng động, linh hoạt. Mục tiêu là xây dựng pháp luật để mở rộng đối tượng bao phủ, giúp BHXH cũng có độ bao phủ như BHYT, làm sao tiến tới BHXH, BHYT toàn dân.
Giải pháp quan trọng và mang tính quyết định là tổ chức triển khai, thực hiện, qua đó phải lấy chất lượng để tạo sự hài lòng, để độ hấp dẫn của BHXH, BHYT mang lại hiệu quả.
Ông Lợi cũng khẳng định, mở rộng đối tượng, thực hiện chính sách an sinh xã hội phải là trách nhiệm của cả cộng đồng, phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, tuyên truyền cho người dân. Đừng để người dân nói rằng tham gia BHXH không bằng gửi tiết kiệm, chăm sóc sức khỏe nhân dân bằng thẻ BHYT không bằng tự đi khám, chữa bệnh. Khi họ không hiểu thông tin đồng nghĩa với việc chính sách không thể thực hiện.