In bài viết

Tiêm mũi nhắc lại vaccine phòng COVID-19 là cần thiết để phòng bệnh

(Chinhphu.vn) - Vaccine phòng COVID-19 có miễn dịch không bền vững và lâu dài, chỉ sau khoảng 4-6 tháng thì miễn dịch sẽ giảm, người đã tiêm vaccine COVID-19 vẫn có thể bị tái nhiễm. Đặc biệt, virus SARS-CoV-2 liên tục tiến hóa, khó xác định tính nguy hiểm của các biến thể. Vì vậy, việc tiêm mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) hoàn toàn cần thiết. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã triển khai tiêm mũi 3, mũi 4 cho người dân.

15/06/2022 15:30
Vaccine COVID-19 không có miễn dịch bền vững - Ảnh 1.

PGS.TS. Trần Đắc Phu: Người được tiêm vaccine phòng COVID-19 sau một thời gian từ 4-6 tháng, miễn dịch sẽ giảm dần, sức chống đỡ trước bệnh tật cũng giảm - Ảnh: VGP/Hiền Minh

Hoàn toàn có thể xuất hiện biến chủng mới của virus SARS-CoV-2

Xin ông chia sẻ những thông tin về tình hình dịch COVID-19 trên thế giới hiện nay cũng như nguy cơ làn sóng mới lây nhiễm dịch bệnh này?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Theo số liệu từ Bộ Y tế tổng hợp, tính đến ngày 13/6, tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới hơn 540,6 triệu ca; trên 6,32 triệu ca tử vong.

Tại Việt Nam, tính đến ngày 13/6, cả nước ghi nhận 10.732.429 ca mắc, trong đó 10.726.233 ca trong nước. Đến nay đã có 9.562.523 người khỏi bệnh, 43.083 ca tử vong.

Virus SARS-CoV-2 liên tục tiến hóa, khó xác định tính chất nguy hiểm của các biến thể và mức độ tăng nặng, tử vong. Hiện, biến chủng Omicron là biến thể phổ biến trên thế giới nhưng có thể vẫn chưa phải là biến thể cuối cùng. Việc xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 hoàn toàn có thể, thậm chí có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch, khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng tăng lên, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương; hơn nữa miễn dịch có được do tiêm vaccine phòng bệnh và miễn dịch mắc phải đều không bền vững, do đó rất khó trong dự báo dịch.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, số ca nhiễm có thể tiếp tục theo xu hướng giảm hoặc tăng trở lại tùy thuộc các điều kiện về tác nhân (xuất hiện các biến thể mới), về chính sách (thay đổi các biện pháp phòng, chống dịch); các biến thể, biến thể phụ đáng lo ngại mới vẫn tiếp tục xuất hiện với tốc độ khá nhanh trên thế giới; tình hình dịch bệnh ở một số quốc gia (như Trung Quốc, Triều Tiên…) vẫn đang diễn biến phức tạp.

Như ông vừa chia sẻ, hiệu quả miễn dịch của việc tiêm vaccine phòng COVID-19 sẽ giảm dần theo thời gian. Vậy, thời gian này là bao lâu và chúng ta sẽ có biện pháp gì để phòng, chống bệnh sau thời gian này?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Theo các nhà chuyên môn, nhà sản xuất vaccine phòng COVID-19 và thông qua đánh giá lâm sàng cho thấy, vaccine COVID-19 có miễn dịch không bền vững và lâu dài, chỉ sau khoảng 4-6 tháng thì miễn dịch sẽ giảm, vì vậy, người đã tiêm vaccine phòng COVID-19 vẫn có thể bị tái nhiễm.

Hiện nay, nhiều nước trên thế giới và ở Việt Nam đã triển khai tiêm mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) để phòng bệnh cho người dân. Hầu hết những đối tượng này khi mắc bệnh hoặc tái nhiễm đều có triệu chứng nhẹ. Một số nước cũng đã triển khai tiêm mũi 4 cho những đối tượng có nguy cơ cao như người già, người có bệnh nền, những người có nguy cơ cao như nhân viên y tế… Việc tiêm mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) cho người dân là rất cần thiết trong phòng bệnh.

Vaccine COVID-19 không có miễn dịch bền vững - Ảnh 2.

Việc tiêm mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) cho người dân là rất cần thiết trong phòng bệnh - Ảnh: VGP/Hiền Minh

Vaccine phòng COVID-19 không có miễn dịch bền vững

Tại nước ta hiện nay, dịch bệnh đã được kiểm soát, nhiều người đã mắc bệnh và tiêm 2 mũi, đặc biệt đã trở lại cuộc sống bình thường mới, nên nhiều người cho rằng, họ đã có miễn dịch tự nhiên, việc tiêm thêm mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) là không cần thiết. Quan điểm của ông về vấn đề này như nào, thưa ông?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Tôi xin nhấn mạnh, vaccine phòng COVID-19 khác với một số vaccine như vaccine đậu mùa, sởi, bại liệt có miễn dịch rất bền vững, gần như suốt đời, vaccine viêm não Nhật Bản B cũng có miễn dịch rất cao, tuy nhiên vaccine phòng COVID-19 thì khác, người được tiêm vaccine sau một thời gian từ 4-6 tháng, miễn dịch sẽ giảm dần, sức chống đỡ trước bệnh tật cũng giảm, người đã tiêm rồi vẫn có thể nhiễm COVID-19 và nguy hiểm hơn cho người mắc bệnh nền, người suy giảm miẽn dịch, người già…

Vì vậy, việc tiêm mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) là rất cần thiết để phòng bệnh, nếu không may nhiễm thì bệnh sẽ nhẹ, hệ thống y tế không bị quá tải, giảm thấp nhất ca nặng, hạn chế ca tử vong. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, vaccine phòng COVID-19 vẫn có tác dụng phòng bệnh khi biến chủng Omicron vẫn chiếm ‘ưu thế’ trên thế giới.

Vậy, nếu xuất hiện làn sóng mới lây nhiễm COVID-19, vaccine COVID-19 hiện nay có còn hiệu lực bảo vệ không, thưa ông?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Không giống như vaccine cúm mùa chúng ta phải tiêm hàng năm, phải sản xuất lại vaccine theo biến chủng mới, vaccine COVID-19 không phải là vaccine sản xuất theo biến chủng mới, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, vaccine vẫn có tác dụng với các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2. Vì vậy, tôi nhấn mạnh một lần nữa là việc tiêm mũi nhắc lại hoàn toàn cần thiết để phòng bệnh.

Chúng ta phải tiếp tục tuyên truyền để người dân hiểu, những ai chưa tiêm đủ thì nên đi tiêm đủ, những ai đã trì hoãn việc tiêm thì cũng nên đi tiêm lại khi bảo đảm điều kiện sức khỏe, nhất là người già, người mắc bệnh nền.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hiền Minh (ghi)