Theo bản đồ bức xạ do Ngân hàng Thế giới (WB) phát triển, tiềm năng năng lượng mặt trời ở Việt Nam về mặt lý thuyết là rất lớn. Cường độ bức xạ mặt trời dao động từ 897 - 2108 kWh/m2/năm, tương đương 2,46 và 5,77 kWh/m2/ngày (MOIT & AECID, 2015). Cường độ bức xạ cao nhất tập trung ở các tỉnh Tây Nguyên và Nam bộ như Đắk Lắk, Gia Lai, Nha Trang, Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Ninh và Bình Phước.
Bản đồ tổng bức xạ trung bình ngày (GHI) tại Việt Nam (Nguồn: Bộ Công Thương) |
3 dạng tiềm năng điện mặt trời
Tiềm năng điện mặt trời có thể được chia ra làm 3 dạng: Tiềm năng lý thuyết, tiềm năng kỹ thuật, tiềm năng kinh tế.
Tiềm năng lý thuyết: Dựa vào các số liệu về dữ liệu bức xạ mặt trời, số ngày nắng trung bình thu thập từ các cơ quan đo đạc, quan trắc khí hậu để xác định sơ bộ tiềm năng năng lượng mặt trời lý thuyết của Việt Nam.
Tiềm năng kỹ thuật: Từ bản đồ địa hình, địa chất, bản đồ quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch khu kinh tế, cụm công nghiệp... kết hợp bản đồ tiềm năng điện mặt trời lý thuyết xây dựng bản đồ tiềm năng điện mặt trời kỹ thuật sơ bộ (các vùng có tiềm năng điện mặt trời có thể triển khai xây dựng và vận hành dự án điện mặt trời với điều kiện kỹ thuật).
Qua phân tích kết quả tính toán tiềm năng kỹ thuật, tổng diện tích khả dụng là rất lớn, chiếm gần 14% tổng diện tích toàn quốc, với tiềm năng kỹ thuật khả dụng đến 1,677,461MW.
Tiềm năng kinh tế: Đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến tính cạnh tranh về chi phí không đồng đều giữa các khu vực; xác định diện tích và quy mô công suất các vùng dự án điện mặt trời kinh tế.
Tiềm năng kinh tế sẽ được chia ra 2 kịch bản thấp và cao với chi phí tránh được quy dẫn được sử dụng để tính toán tiềm năng tương ứng với 02 kịch bản này.
Việt Nam có một tiềm năng năng lượng mặt trời to lớn (xem bảng dưới đây), được phân bổ tương đối đồng đều tại miền Trung và miền Nam, một phần tại các tỉnh Tây Bắc của miền Bắc.
Xác định rõ được tiềm năng nguồn năng lượng mặt trời trên toàn quốc sẽ góp phần cụ thể hóa việc thực hiện chiến lược phát triển năng lượng tái tạo quốc gia, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, bảo đảm mục tiêu và vai trò phát triển kinh tế vùng.
Nhiều ưu đãi từ chính sách vĩ mô Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo cho giai đoạn 2015-2030, xét đến 2050 được Chính phủ phê duyệt vào tháng 9/2015 đã đưa ra các mục tiêu cụ thể, theo đó lượng điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo sẽ tăng từ mức 58 tỷ kWh năm 2015 lên 101 tỷ kWh năm 2020; 186 tỷ kWh năm 2030 và đạt 452 tỷ kWh năm 2050. Về mặt tương đối, tỉ trọng điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo sẽ tăng từ 35% năm 2015 lên mức 38% năm 2020 và 43% năm 2050. Để tạo động lực và khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời, Chính phủ đã có nhiều chính sách thông thoáng, tạo thuận lợi cho phát triển điện mặt trời. Đặc biệt, Quyết định số 02/2019/QĐ-TTg ngày 8/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, các dự án trên mái nhà được thực hiện cơ chế mua bán điện theo chiều giao và chiều nhận riêng biệt của công tơ điện đo đếm 2 chiều, đã tạo hành lang pháp lý rõ ràng, chặt chẽ cho 2 bên mua và bán điện mặt trời áp mái, đồng thời tạo động lực khuyến khích người dân, doanh nghiệp tích cực đầu tư vào các dự án điện mặt trời áp mái.. Bên cạnh đó, nhằm khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, phục vụ các mục tiêu phát triển nêu trên, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành hàng loạt cơ chế như: Feed-in-Tariff cho điện mặt trời, điện gió, điện sản xuất từ chất thải rắn, điện sinh khối… Chính phủ cũng ban hành các chính sách ưu đãi khác cho các nhà đầu tư như ưu tiên cung cấp tín dụng, miễn/giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, sử dụng hợp đồng mua bán điện mẫu… |
TS. Nguyễn Anh Tuấn