Nhận được thông tin về vụ việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chia buồn sâu sắc đến thân nhân, gia đình đồng chí học viên phi công bị nạn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi vòng hoa viếng Thiếu úy Phạm Đức Trung. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Quốc phòng tập trung tổ chức điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân vụ việc.
Đồng thời, tiến hành rà soát, kiểm tra toàn bộ các quy trình trong công tác chỉ huy, huấn luyện, điều hành bay, đảm bảo kỹ thuật hàng không, tổ chức rút kinh nghiệm trong công tác bảo đảm an toàn bay, không để xảy ra vụ việc tương tự.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu thực hiện tốt chế độ chính sách, thăm hỏi động viên thân nhân gia đình người bị nạn và tổ chức mai táng chu đáo đồng chí bị hy sinh. Đồng thời, nhanh chóng khắc phục, giải quyết tốt hậu quả xảy ra.
Để ghi nhận công lao và sự hy sinh của thiếu úy Phạm Đức Trung, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã truy tặng thiếu úy Trung Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất. Trước đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cũng đã truy phong quân hàm sĩ quan cấp thiếu úy cho phi công Phạm ĐứcTrung.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất do Chủ tịch nước truy tặng Thiếu úy Phạm Đức Trung. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Hành động rất dũng cảm
Liên quan đến vụ việc, chiều 26/8, báo Tuổi trẻ dẫn lời đại tá Phan Văn Thạnh, Chính ủy Trung đoàn Không quân 910, cho biết: Trước khi bay huấn luyện vào sáng 26/8, chiếc máy bay L39 nói trên được kiểm tra kỹ thuật kỹ lưỡng và đảm bảo an toàn.
“Khi máy bay gặp sự cố kỹ thuật, phi công có thể thả dù để thoát khỏi máy bay, nhưng thượng sĩ Phạm Đức Trung đã mưu trí lái máy bay tránh đường Quốc lộ 1 khi đang có rất đông người và phương tiện lưu thông; tránh đường điện trung thế chạy dọc Quốc lộ 1. Đây là hành động rất dũng cảm".
Thượng tá Lê Minh Đức, Nguyên cán bộ Trường Sỹ quan Không quân chia sẻ trên VOV: Qúa trình đào tạo phi công đòi hỏi thể lực khỏe, bản lĩnh vững vàng, kỹ thuật khéo léo và kỷ luật cao Trung đều vượt qua. Vốn thông minh, chăm chỉ, Trung luôn được nhiều người kỳ vọng sẽ trở thành một phi công giỏi, hoặc được giữ lại trường tiếp tục làm giảng viên.
Theo Thượng tá Lê Minh Đức, khi máy bay gặp sự cố về máy, phía trước là đường dây điện cao thế và một số cột điện, Trung đã bình tĩnh, khéo léo lái máy bay lách qua đường dây này để tránh những thiệt hại khủng khiếp có thể xảy ra: “Khi máy bay xuống độ cao rồi, tránh hai cột điện hai bên. Phi công đã bình tĩnh xử lý tránh đường điện cao thế, đâm vào cột điện cao thế thì hệ thống cột điện cao thế đổ và hư. Uy hiếp an toàn rất lớn, rất nguy hiểm. Máy bay đã chui tọt qua đấy rồi vướng dưới đường Quốc lộ 1, đâm vào dải phân cách và máy bay quay đầu ngược lại. Trung đã cố gắng xử lý để cứu máy bay. Nếu không trúng dải phân cách thì máy bay không việc gì, người sống”.
Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Yên cho biết: “Máy bay đã trục trặc kỹ thuật, được lệnh nhảy dù để bảo vệ tính mạng. Học viên này đã cố gắng đưa máy bay về sân bay, tránh thiệt hại cho mặt đất. Chúng tôi đánh giá rất cao hành động hy sinh của học viên. Đó là minh chứng rõ nét, cụ thể nhất về quá trình đào tạo rèn luyện của học viên Không quân, một người lính Không quân”.
Về công tác lo hậu sự cho thượng sĩ Phạm Đức Trung, lúc 18 giờ ngày 26/8 làm lễ nhập quan, đến 7 giờ sáng 27/8 tổ chức lễ viếng; 6 giờ 30 ngày 28/8 làm lễ truy điệu, sau đó di quan hỏa táng tại Nhà hỏa táng Hoàn Vũ, TP Nha Trang (Khánh Hòa).
Đưa tiễn thiếu úy Phạm Đức Trung lên xe về Nha Trang hỏa táng. Ảnh Tuổi trẻ |
Tiễn biệt đồng chí Phạm Đức Trung
6 giờ 30 ngày 28.8, tại nhà tang lễ Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Yên, Trường sĩ quan Không quân đã tổ chức lễ truy điệu thiếu úy Phạm Đức Trung.
Thiếu tướng Nguyễn Tử Bình, Chính ủy Trường sĩ quan Không quân đọc điếu văn tiễn đưa thiếu úy Trung về nơi yên nghỉ.
Đồng chí Phạm Đức Trung ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ, để lại niềm tiếc thương vô hạn. Quân đội, Quân chủng Phòng không - không quân, Trường Sĩ quan không quân, Trung đoàn 910 mất đi người cán bộ, đảng viên ưu tú đã được rèn luyện, huấn luyện, thử thách, sẵn sàng chiến đấu, học tập bảo vệ Tổ quốc; gia đình mất đi hiếu thảo, khiêm nhường…
“Vĩnh biệt đồng chí, chúng tôi nguyện học tập tinh thần cách mạng, hành động dũng cảm, ý chí ham bay, say học của đồng chí… Những hoài bão lớn lao còn dang dở của đồng chí sẽ được gia đình, họ hàng, thân hữu, xóm giềng, đồng chí, đồng đội sẽ đoàn kết phấn đấu vươn lên để xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn; xây dựng quân đội, quân chủng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc”.
Sau lễ truy điệu, linh cữu thiếu úy Phạm Đức Trung được đưa về TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), nơi gia đình anh sinh sống, để hỏa táng.
Khoảng 9 giờ 40 ngày 28/8, linh cữu Thiếu úy phi công Phạm Đức Trung đã được đưa về Nhà hỏa táng Hoàn Vũ (nghĩa trang phía Bắc TP. Nha Trang) trong sự thương tiếc của đồng đội, gia đình và người dân địa phương.
Được biết, L39 là máy bay huấn luyện chiến đấu do hãng Aero Vodochody (Tiệp Khắc) nghiên cứu phát triển từ những năm 1960.
L39 được trang bị một động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy Progress/Ivchenko AI-25TL cho phép đạt tốc độ 750km/h, bán kính hoạt động 500km.
Ngoài vai trò huấn luyện phi công, khi cần L39 có thể làm nhiệm vụ chiến đấu với khả năng mang 1,2 tấn vũ khí trên 4 giá treo gồm tên lửa không đối không K13, súng máy, bom và rocket.