Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp trực tuyến Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành và 15 địa phương về tình hình và các biện pháp mới phòng chống dịch COVID-19 chiều 12/8. Ảnh: VGP |
Ngày 11/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định tạm đình chỉ công tác 90 ngày đối với ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội để xác minh, điều tra làm rõ trách nhiệm có liên quan của ông Nguyễn Đức Chung trong một số vụ án.
Trước đó tròn một tháng, ngày 11/7/2020, Thủ tướng ký Quyết định tạm đình chỉ công tác 90 ngày đối với ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM do đã có hành vi vi phạm pháp luật trong công tác.
Giữa lúc COVID-19 chưa có dấu hiệu thoái lui và nền kinh tế có nguy cơ thụt lùi trong cơn gió ngược đến từ đại dịch, các quyết định tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ, kể cả cán bộ được xem là tướng cầm quân trong cuộc chiến chống dịch ở địa phương như ông Nguyễn Đức Chung, thể hiện một quyết tâm sắt đá của Chính phủ.
Sự xuất hiện của COVID-19 với tên gọi ban đầu trong các văn bản chỉ đạo của Chính phủ hồi cuối tháng 12 năm ngoái là “bệnh dịch mùa đông”, đã thực sự trở thành một thách thức to lớn của Chính phủ trong điều hành.
Nhưng sau 8 tháng, Chính phủ thách thức lại dịch bệnh khi phát đi thông điệp COVID-19 không thể bẻ gãy ý chí phát triển kinh tế cũng như không thể lay chuyển ý chí làm trong sạch bộ máy chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Đúng theo yêu cầu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, trong mọi hoàn cảnh, không để cuộc chiến chống tham nhũng chùng xuống.
Nhiệm kỳ 2016-2021 là một nhiệm kỳ nhiều thách thức trong từng năm, từng quý, từng, thậm chí trong từng giờ phút như ngay lúc này là căng thẳng chống đại dịch.
Nhắc đến thách thức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong 4 năm qua chỉ luôn nói một câu ngắn gọn, “lửa thử vàng gian nan thử sức”. Các thách thức càng trở nên dữ dội, Chính phủ càng trở nên quật cường.
Ít nhất có hai công việc cần làm ngay và phải làm thành công trong nhiệm kỳ này mà Chính phủ bền gan thực hiện là kinh tế bật dậy và siết chặt kỷ cương công vụ.
Trong phát biểu nhậm chức Thủ tướng vào ngày 26/7/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu thực tế Việt Nam đứng thứ 14 trên thế giới về dân số nhưng quy mô nền kinh tế chỉ đứng thứ 48, GDP đầu người xếp thứ 133 và nhấn mạnh “phải cố gắng rất nhiều để rút ngắn khoảng cách với thế giới”.
Ông đồng thời nêu ra câu của Bác Hồ, “trăm điều phải có thần linh pháp quyền” và quả quyết, “Chính phủ quản lý xã hội bằng pháp luật, đồng thời Chính phủ cũng phải nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật. Khi có sai phạm, dù bất kể cấp nào cũng phải làm rõ trách nhiệm và xử phạt nghiêm minh”.
Thủ tướng cũng hứa trước Quốc hội nỗ lực xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt phục vụ Nhân dân.
“Ứng” với hai việc cần làm ngay này, trong 4 năm qua, các biến cố đều đặn tấn công, thách thức Chính phủ điều hành nền kinh tế có rút ngắn được khoảng cách với thế giới? Có xây dựng được bộ máy kiến tạo, liêm chính, vì dân?
Thủ tướng chỉ đạo khắc phục hậu quả bão số 10 tại Quảng Bình tháng 9/2017. - Ảnh: VGP |
Theo đó, biến cố đến từ cả thiên tai và “nhân tai” dồn dập trong 2 năm đầu của nhiệm kỳ, 2016, 2017.
Năm 2016, liên tục quý nào cũng xảy ra thiên tai và trận nào cũng đều ở mức độ khốc liệt. Đầu năm, trận rét đậm, rét hại lịch sử lần đầu xuất hiện trong 60 năm xảy ra ở 14 tỉnh miền núi phía bắc. Nối gót là đợt hạn lịch sử tại các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; hạn, mặn lịch sử chưa từng xảy ra trong vòng 100 năm qua ở Đồng bằng sông Cửu Long. Từ đầu tháng 10 cho đến hết năm 2016, liên tục 8 tỉnh Nam Trung Bộ hứng chịu 5 đợt mưa lũ lịch sử với lượng mưa dồn dập với lượng rất lớn, lên đến 2.300-2.700 mm…
Năm 2017, những ngày cuối cùng của năm vẫn oằn mình vì siêu bão Tembin. Đây là năm kỷ lục của thiên tai với 16 cơn bão và 4 áp thấp hoạt động trên Biển Đông. Sau 15 đợt nắng nóng diện rộng, đặc biệt gay gắt là những ngày triền miên trong mưa lũ. Từ tháng 6 đến tháng 10, mưa kéo dài, lũ quét, sạt lở đất gây nhiều tang thương cho các tỉnh miền núi phía bắc… Tổng thiệt hại vật chất lên tới xấp xỉ 60.000 tỷ đồng.
Cùng lúc với thiên tai, là sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung do Formosa gây ra khiến cá chết trắng ven biển các tỉnh miền Trung vào mùa hè năm 2016; khủng hoảng nhân sự lãnh đạo ở một số tỉnh, thành phố.
Vào tháng 8 của năm này, dư luận chận động vì máu đổ ở Yên Bái. Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đỗ Cường Minh dùng súng quân dụng sát hại Bí thư Tỉnh ủy Phạm Duy Cường và Chủ tịch HĐND kiêm Trưởng ban tổ chức tỉnh ủy Yên Bái Ngô Ngọc Tuấn.
Tại Tập đoàn kinh tế lớn nhất của Nhà nước, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Hàng loạt cán bộ là Chủ tịch, Tổng Giám đốc, ủy viên Hội đồng Thành viên, cựu lãnh đạo các đơn vị con của PVN qua các thời kỳ lần lượt bị bắt vì liên quan đến những sai phạm nghiêm trọng về quản lý tài chính, đầu tư, tham nhũng…
Thể hiện bản lĩnh trước các biến cố đến từ thiên tai, lãnh đạo Chính phủ đồng cam cộng khổ cùng dân. Như hồi tháng 9 năm 2017, trong mưa to gió lớn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi dọc 3 tỉnh miền Trung là nơi tâm bão số 10 để chỉ đạo chống bão cho dân.
Tỉ mỉ lo cho dân từ những điều rất nhỏ là tuyên truyền cho người dân có nhận thức trú bão, không ra đường trong bão, biết tự bảo vệ mình; Chính phủ cũng nhận về trách nhiệm, “trong bão không được cho dân ra đường nhưng cả bộ máy Chính phủ vẫn trên đường để đảm bảo không để dân đói cơm đứt bữa, không để tiêu điều nối tiêu điều”, như lời Thủ tướng.
Với sự cố do Formosa gây ra, Chính phủ đã thể hiện được bản lĩnh qua sự bền bỉ, kiên trì đấu tranh buộc Formosa nhận tội và bồi thường cho người dân.
Tháng 8/2016, Thủ tướng có mặt kịp thời để trấn an tinh thần cho chính quyền và nhân dân Yên Bái ngay sau vụ nổ súng. Tháng 9/2017, khi Bí thư tỉnh Hậu Giang xin nghỉ hưu sớm và đang chờ quyết định từ Bộ Chính trị, Thủ tướng trực tiếp đến chỉ đạo Hội nghị xúc tiến đầu tư cho Hậu Giang để trấn an tinh thần cho chính quyền và các nhà đầu tư nơi đây.
Trước “siêu bão” đến với Tập đoàn dầu khí, năm 2017, để giữ ổn định hoạt động, không xảy ra bất kỳ khủng hoảng nào cho PVN, Thủ tướng có ít nhất hai cuộc làm việc tại trụ sở Tập đoàn này.
Vừa triển khai các giải pháp nhanh, tức thời, Chính phủ vừa thực hiện đồng bộ hàng loạt giải pháp căn cơ lâu dài, không tốn nhiều tiền, phù hợp với điều kiện ngân sách nhà nước đang eo hẹp, để hóa giải thách thức.
Đó là, cải cách mạnh mẽ thể chế, kiên quyết gỡ bỏ các rào cản, giải phóng các nguồn lực phát triển đất nước; Xốc lại toàn diện quản lý điều hành của cả bộ máy công quyền…
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đón tiếp Tổng thống Donald Trump tới Hà Nội dự Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ 2, ngày 27/2/2019. |
Sau hai năm đầu tiên thử thách dồn dập, năm 2018, 2019, xen lẫn sự tấn công của các biến cố, chẳng hạn như sự đổ bộ của dịch tả lợn châu Phi, là các điều may mắn bắt đầu ghé thăm, tựa như phần thưởng Chính phủ được nhận khi tận tâm, tận lực vì nước, vì dân.
Sự may mắn của nền kinh tế năm 2018 nhìn thấy ngay là thiên tai ít khắc nghiệt hơn. Thiệt hại do thiên tai gây ra năm 2018 là khoảng 20 nghìn tỷ đồng, chỉ bằng mức thiệt hại do 1 cơn bão có tên Damrey đổ bộ Phú Yên - Khánh Hòa năm 2017 gây ra.
Năm 2019, trong tiết trời mùa xuân đẹp đẽ, với việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội, Việt Nam nhanh chóng trở thành tâm điểm thế giới lúc đó và trở thành địa chỉ tin cậy cho nhiều vấn đề quốc tế, hội nghị quốc tế lớn của khu vực và toàn cầu trong tương lai.
Vào năm cuối cùng của nhiệm kỳ, đại dịch COVID- 19 xuất hiện như là một thử thách cuối cùng, vẫn với lời khiêu khích, Chính phủ điều hành nền kinh tế có rút ngắn được khoảng cách với thế giới? Có xây dựng được bộ máy kiến tạo, liêm chính, vì dân?
Cấp tập đẩy lùi dịch bệnh, Chính phủ đáp lại lời khiêu khích này bằng một quyết tâm sắt đá.
Lê Châu