In bài viết

Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản: DN kêu, Bộ nói gì?

(Chinhphu.vn) – Theo phản ánh của Công ty TNHH Mạnh Cường (Khánh Hòa), phương pháp tính và mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tại Nghị định số 203/2013/NĐ-CP đang gây khó khăn cho doanh nghiệp khai thác khoáng sản. Công ty đề nghị cơ quan chức năng xem xét, điều chỉnh cách tính cho phù hợp.

09/12/2016 15:20

Ngày 5/5/2015, Công ty Mạnh Cường được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng thông thường, thời hạn 30 năm.

Căn cứ Nghị định số 203/2013/NĐ-CP ngày 28/11/2013 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, Công ty phải nộp tiền cấp quyền khai thác cho năm nay đồng thời phải nộp tiền khai thác cho 15 năm sau đó. Theo Công ty việc thu trước tiền khiến doanh nghiệp gặp khó khăn do phải đi vay vốn.

Số tiền nộp hàng năm của Công ty tương đương 240.000m3 đá và 40.000m3 đất, trong khi trên thực tế, Công ty chỉ sản xuất được 30.000m3-35.000m3. Như vậy, phần tiền nộp thừa hàng năm khoảng trên 900 triệu đồng.

Để giải quyết bất hợp lý trong việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, Công ty TNHH Mạnh Cường đề nghị thay đổi phương thức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo hướng, năm thứ nhất thu theo sản lượng quy định của giấy phép. Từ năm thứ hai trở đi thu theo sản lượng khai thác thực tế hàng năm của doanh nghiệp, nếu thiếu nộp bổ sung, nếu thừa được tính cho sản lượng khai thác của những năm tiếp theo.

Vấn đề Công ty kiến nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời như sau:

Tính tiền theo trữ lượng, ngăn ngừa động cơ “chiếm mỏ”

Khoản 1, Điều 77 Luật Khoáng sản năm 2010 quy định, “Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Nhà nước thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thông qua đấu giá hoặc không đấu giá”.

Ngày 28/11/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 203/2013/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, theo đó, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được tính theo trữ lượng địa chất còn nằm trong lòng đất nhằm khai thác triệt để, tiết kiệm tài nguyên và hiệu quả; đồng thời loại bỏ động cơ “chiếm mỏ” của một số tổ chức, cá nhân; tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trong quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng khoáng sản.

Kể từ khi Nghị định số 203/2013/NĐ-CP có hiệu lực đến nay đã thu về cho ngân sách Nhà nước gần 10.000 tỷ đồng. Đây là một thành quả mang lại nguồn thu quan trọng cho ngân sách, đồng thời, là nguồn lực để tái đầu tư cho hạ tầng cơ sở, an sinh xã hội, cải tạo môi trường và những hệ lụy khác do khai thác khoáng sản gây ra.

Thực hiện chính sách này sẽ hạn chế tình trạng khai thác khoáng sản bừa bãi, lựa chọn doanh nghiệp có năng lực, từ đó quản lý tài nguyên khoáng sản có hiệu quả.

Điều 11 Nghị định 203/2013/NĐ-CP cho phép thu tiền cấp quyền khai thác vào “nửa đầu thời hạn cấp phép”, Nhà nước đã tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân giảm bớt áp lực tài chính trước khi quyết định đầu tư vào dự án khai thác khoáng sản, doanh nghiệp được nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản nhiều lần, không có việc Nhà nước chiếm dụng khoản tiền này trong suốt 15 năm như Công ty TNHH Mạnh Cường đã nêu.

Trong công thức tính tiền cấp quyền không có quy định yếu tố trượt giá, Điểm b, Khoản 2, Điều 11 chỉ quy định về tỷ số chênh lệch giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (Gn/G). Tỷ số này là nhằm bảo vệ quyền lợi của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, chỉ phải nộp theo giá tính thuế tài nguyên tại thời điểm thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Có quyền xin gia hạn khi khai thác không hết trữ lượng được cấp phép

Về ý kiến số tiền nộp lớn hơn nhiều so với sản lượng khai thác thực tế, tại Khoản 2, 3 Điều 77 Luật Khoáng sản quy định, “Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định căn cứ vào giá, trữ lượng, chất lượng khoáng sản, loại hoặc nhóm khoáng sản, điều kiện khai thác khoáng sản.

Chính phủ quy định cụ thể phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản”.

Theo Khoản 2, Điều 3 Nghị định số 203/2013/NĐ-CP, “Trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (Q) là trữ lượng địa chất nằm trong ranh giới khu vực được cấp phép khai thác”.

Với những quy định nêu trên, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tính theo trữ lượng trong lòng đất, Nhà nước thu trên trữ lượng địa chất huy động vào khai thác.

Căn cứ dự án đầu tư (công suất khai thác hàng năm), doanh nghiệp được phép khai thác tối đa trữ lượng theo công suất ghi trong giấy phép tùy theo nhu cầu tiêu thụ của thị trường.

Nếu không khai thác hết trữ lượng ghi trên giấy phép, doanh nghiệp có quyền xin gia hạn và khi đó, tổ chức, cá nhân không phải nộp khoản tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với phần trữ lượng đã thực hiện nghĩa vụ cho Nhà nước.

Như vậy, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tính theo “trữ lượng” chứ không phải tính theo “sản lượng”. Đồng thời, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo trữ lượng huy động vào khai thác, Nhà nước chỉ thu từ 1-5% giá trị quặng nguyên khai tùy theo nhóm khoáng sản.

Tiền cấp quyền khai thác không thể thu như thuế tài nguyên

Về đề nghị thay đổi phương thức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo hướng đóng tiền theo sản lượng thực tế khai thác hàng năm, bản chất tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là mức thu theo tỷ lệ % giá trị quặng nguyên khai (chưa qua sàng tuyển, chế biến) khi Nhà nước “trao quyền” sở hữu khoáng sản (sở hữu toàn dân) cho tổ chức, cá nhân tiến hành khai thác, dù khai thác hay không khai thác, tổ chức, cá nhân đều phải nộp một khoản tiền “cấp quyền khai thác khoáng sản”, khoản tiền này phải trả cho Nhà nước trước khi kết thúc dự án (đối với Giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp trước ngày Nghị định số 203/2013/NĐ-CP có hiệu lực là 5 năm trước khi kết thúc dự án khai thác và đối với Giấy phép khai thác khoáng sản cấp sau ngày Nghị định số 203/2013/NĐ-CP có hiệu lực là nửa đầu thời gian dự án khai thác).

Do vậy, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản không thể thu theo sản lượng khai thác thực tế hàng năm như thuế tài nguyên.

Chinhphu.vn