In bài viết

Tiền giả sẽ bị tịch thu, bấm lỗ

(Chinhphu.vn) – Các ngân hàng phải đóng dấu "tiền giả" vào hai mặt tờ tiền giả và bấm bốn lỗ trên tờ tiền này gửi về Ngân hàng Nhà nước.

30/07/2013 18:17

Ảnh minh họa
Quy định trên được đưa ra tại dự thảo Thông tư quy định về xử lý tiền giả, nghi giả trong ngành Ngân hàng.

Theo dự thảo, Ngân hàng Nhà nước nghiêm cấm các tổ chức tín dụng trả lại tiền giả cho khách hàng mà phải tịch thu, bấm lỗ và chuyển về cho cơ quan này tiêu hủy.

Cụ thể, trong giao dịch tiền mặt với khách hàng, khi phát hiện đồng tiền có dấu hiệu nghi vấn, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối chiếu với đặc điểm bảo an của tiền mẫu (hoặc tiền thật) cùng loại và căn cứ vào thông báo của Ngân hàng Nhà nước (hoặc Bộ Công an) về đặc điểm nhận biết tiền giả để kết luận.

Trường hợp khẳng định đồng tiền có dấu hiệu nghi vấn là loại tiền giả đã được Ngân hàng Nhà nước (hoặc Bộ Công an) thông báo bằng văn bản, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải lập biên bản, thu giữ và đóng dấu, bấm lỗ tiền giả.

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, lượng tiền giả thu giữ qua hệ thống ngân hàng, kho bạc Nhà nước 6 tháng đầu năm 2013 giảm 42,83% so với cùng kỳ năm 2012; giảm 51,33% so với cùng kỳ năm 2011.

Đối với tiền giả loại mới (là loại tiền giả chưa được Ngân hàng Nhà nước hoặc Bộ Công an thông báo bằng văn bản), tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài lập biên bản, thu giữ (không đóng dấu, bấm lỗ tiền giả); thông báo và gửi toàn bộ tiền giả loại mới trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày phát hiện, về Ngân hàng Nhà nước chi nhánh trên địa bàn.

Báo công an khi phát hiện 5 tờ tiền giả

Theo dự thảo, đơn vị thu giữ tiền giả có trách nhiệm thông báo kịp thời cho cơ quan công an nơi gần nhất để phối hợp, xử lý khi có dấu hiệu nghi vấn tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả hoặc khi phát hiện tiền giả loại mới hoặc phát hiện từ 5 tờ tiền giấy giả (hoặc 5 miếng tiền kim loại giả) trở lên trong một giao dịch hoặc khi khách hàng không chấp hành việc lập biên bản, thu giữ tiền giả.

Trường hợp thực hiện kiểm đếm tờ (miếng) trong giao nhận tiền mặt giữa các đơn vị trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước, giữa các đơn vị trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước với các tổ chức tín dụng (chi nhánh tổ chức tín dụng), giữa các tổ chức tín dụng (chi nhánh tổ chức tín dụng) trên cùng một địa bàn tỉnh, thành phố, khi phát hiện tiền giả trong bó/túi tiền, Hội đồng kiểm đếm lập biên bản, xử lý như đối với tiền giả phát hiện trong giao dịch tiền mặt. Đồng thời, xử lý như trường hợp thiếu tiền mặt theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Đối với tiền giả loại mới, khi nhận được thông báo bằng văn bản về đặc điểm nhận biết tiền giả loại mới của Cục Phát hành và Kho quỹ, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh phải thông báo cho tổ chức tín dụng (chi nhánh tổ chức tín dụng), chi nhánh ngân hàng nước ngoài trên địa bàn để cảnh giác, phòng ngừa tiền giả.

Trường hợp cần thiết, Cục Phát hành và Kho quỹ thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc trên trang thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước về đặc điểm nhận biết của tiền giả xuất hiện trong lưu thông để các tổ chức, cá nhân cảnh giác, chủ động phòng ngừa.

Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến góp ý dự thảo trên tại website của cơ quan này.

Thanh Hoài