In bài viết

Tiền gửi ký quỹ có được rút trước hạn?

(Chinhphu.vn) - Bà Đàm Thị Hồng Phấn (Hà Nội) hỏi, tiền gửi ký quỹ có chịu sự điều chỉnh của Thông tư số 49/2018/TT-NHNN về tiền gửi có kỳ hạn và Thông tư số 04/2011/TT-NHNN về áp dụng lãi suất trong trường hợp tổ chức, cá nhân rút tiền gửi trước hạn tại tổ chức tín dụng hay không?

14/04/2022 07:02

Tài khoản ký quỹ có kỳ hạn có được phép rút trước hạn một phần gốc; phần gốc còn lại vẫn được duy trì đến khi đáo hạn và được hưởng lãi suất có kỳ hạn quy định trong kỳ gửi tiền không?

Mọi hoạt động nhận và chi trả tiền gửi ký quỹ có kỳ hạn có bắt buộc chỉ được thực hiện thông qua tài khoản thanh toán của khách hàng ký quỹ hay không?

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trả lời vấn đề này như sau:

Theo quy định tại Điều 292 Bộ luật Dân sự năm 2015, ký quỹ là một trong các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ".

Điều 330 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

"1. Ký quỹ là việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ.

... 3. Thủ tục gửi và thanh toán thực hiện theo quy định của pháp luật".

Khoản 1, 2, Điều 39 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 quy định thi hành Bộ Luật dân sự quy định:

"Điều 39. Việc gửi, thanh toán tiền được dùng để ký quỹ

1. Khoản tiền được dùng để ký quỹ (sau đây gọi là tiền ký quỹ) được gửi vào tài khoản phong tỏa tại tổ chức tín dụng theo thỏa thuận hoặc do bên có quyền chỉ định để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

2. Tiền ký quỹ và việc ký quỹ một lần hoặc nhiều lần do các bên thỏa thuận hoặc pháp luật quy định".

Theo Điều 40 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP quy định quyền và nghĩa vụ của các bên trong ký quỹ: 

"1. Tổ chức tín dụng nơi ký quỹ có quyền, nghĩa vụ:

… b) Yêu cầu bên có quyền thực hiện đúng thỏa thuận về ký quỹ để được thanh toán nghĩa vụ từ tiền ký quỹ;

c) Thanh toán nghĩa vụ theo yêu cầu của bên có quyền trong phạm vi tiền ký quỹ;

d) Hoàn trả tiền ký quỹ còn lại cho bên ký quỹ sau khi thanh toán nghĩa vụ theo yêu cầu của bên có quyền và khi chấm dứt ký quỹ;…

2. Bên ký quỹ có quyền, nghĩa vụ:

… b) Yêu cầu tổ chức tín dụng nơi ký quỹ hoàn trả tiền ký quỹ theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều này; được trả lãi trong trường hợp có thỏa thuận với tổ chức tín dụng nơi ký quỹ;

c) Rút bớt, bổ sung tiền ký quỹ hoặc đưa tiền ký quỹ tham gia giao dịch dân sự khác trong trường hợp bên có quyền đồng ý;…".

Các loại tiền ký quỹ khác nhau có quy định khác nhau

Theo quy định hiện hành, tùy theo loại hình hoạt động cụ thể, các loại tiền ký quỹ khác nhau có quy định khác nhau về đối tượng phạm vi áp dụng, thời hạn, phương thức tính lãi cũng như quy định về nộp tiền ký quỹ, rút tiền ký quỹ…, như:

- Doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế thực hiện ký quỹ theo quy định tại Luật Du lịch năm 2017; Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 (đã được sửa đổi, bổ sung);

- Doanh nghiệp cho thuê lại lao động ký quỹ theo quy định tại Bộ luật Lao động năm 2019; Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020;

- Doanh nghiệp và người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thực hiện ký quỹ theo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020; Nghị định số 112/2021/NĐ-CP ngày 10/12/2021;

- Doanh nghiệp bán hàng đa cấp thực hiện ký quỹ theo quy định tại Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018; Thông tư số 29/2018/TT-NHNN ngày 30/11/2018.

- Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm thực hiện ký quỹ theo quy định tại Nghị định số 52/2014/NĐ-CP ngày 23/5/2014;

- Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm thực hiện theo quy định tại Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016;

- Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 hướng dẫn Luật Đầu tư có quy định về ký quỹ của nhà đầu tư (Điều 27);

- Đối với tổ chức, cá nhân nhập khẩu sắt, thép phế liệu thực hiện ký quỹ theo quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022.

Như vậy, theo các quy định nêu trên, tùy theo loại tiền ký quỹ khác nhau, việc áp dụng theo quy định về tiền gửi có kỳ hạn (Thông tư số 49/2018/TT-NHNN), quy định áp dụng lãi suất đối với trường hợp tổ chức, cá nhân rút tiền gửi trước hạn tại tổ chức tín dụng (Thông tư số 04/2011/TT-NHNN)... là không giống nhau đối với mỗi trường hợp cụ thể.

Theo đó, việc áp dụng các quy định về tiền gửi ký quỹ như "... Tài khoản ký quỹ có kỳ hạn có được phép rút trước hạn một phần gốc; phần gốc còn lại vẫn được duy trì đến khi đáo hạn và được hưởng lãi suất có kỳ hạn quy định trong kỳ gửi tiền..." tại tổ chức tín dụng theo thỏa thuận (giữa khách hàng và ngân hàng ký quỹ) hoặc theo pháp luật quy định, tùy thuộc từng loại hình hoạt động, đối tượng phạm vi áp dụng đối với các trường hợp cụ thể.

Không bắt buộc trả tiền gửi ký quỹ qua tài khoản thanh toán của khách hàng

Theo Điều 330 Bộ luật Dân sự năm 2015: "1. Ký quỹ là việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ...

3. Thủ tục gửi và thanh toán thực hiện theo quy định của pháp luật".

Khoản 22 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định: "Tài khoản thanh toán là tài khoản tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng mở tại ngân hàng để sử dụng các dịch vụ thanh toán do ngân hàng cung ứng".

Do vậy, hoạt động nhận và chi trả tiền gửi ký quỹ không có quy định bắt buộc phải thực hiện qua tài khoản thanh toán của khách hàng ký quỹ.

Chinhphu.vn