In bài viết

Tiền lương làm căn cứ trả cho NLĐ trong ngày nghỉ lễ, tết

(Chinhphu.vn) - Tiền lương làm căn cứ để trả lương cho người lao động trong thời gian nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, tết, nghỉ việc riêng có hưởng lương là tiền lương theo hợp đồng lao động quy định tại Khoản 1, Điểm a Khoản 2 và Điểm a Khoản 3 Điều 4 Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH.

02/07/2019 06:02

Hiện nay, Công ty CP Đầu tư và Phát triển điện thực hiện trả tiền lương cho người quản lý, người lao động vào ngày nghỉ hằng năm tại Điều 111; ngày nghỉ hằng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc tại Điều 112; ngày nghỉ lễ, tết tại Điều 115 và ngày nghỉ việc riêng có hưởng lương tại Khoản 1, Điều 116 của Bộ luật Lao động trong năm 2018 như sau:

- Đối với người quản lý thì Công ty chi trả tiền lương: “Tiền lương theo hợp đồng lao động”.

- Đối với người lao động thì Công ty chi trả tiền lương bao gồm: “Tiền lương theo hợp đồng lao động cộng với tiền lương theo năng suất lao động và chất lượng công việc trong tháng”.

Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2012: Người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hàng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động (Khoản 1, Điều 111); Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết (Khoản 1, Điều 115); Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương (Khoản 1, Điều 116).

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 26 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/2015 của Chính phủ: “Tiền lương làm căn cứ để trả cho người lao động trong ngày nghỉ hằng năm tại Điều 111; ngày nghỉ hằng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc tại Điều 112; ngày nghỉ lễ, tết tại Điều 115 và ngày nghỉ việc riêng có hưởng lương tại Khoản 1, Điều 116 của Bộ luật Lao động là tiền lương theo hợp đồng lao động của tháng trước liền kề chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng theo quy định của người sử dụng lao động, nhân với số ngày người lao động nghỉ hằng năm, nghỉ hằng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc, nghỉ lễ, tết, nghỉ việc riêng có hưởng lương”.

Khoản 9, Điều 1 Nghị định số 148/2018/NĐ-CP ngày 24/10/2018 của Chính phủ quy định: “Tiền lương làm căn cứ để trả cho người lao động trong ngày nghỉ hằng năm tại Điều 111; ngày nghỉ hằng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc tại Điều 112; ngày nghỉ lễ, tết tại Điều 115 và ngày nghỉ việc riêng có hưởng lương tại Khoản 1, Điều 116 của Bộ luật Lao động là tiền lương theo hợp đồng lao động chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng theo quy định của người sử dụng lao động, nhân với số ngày người lao động nghỉ hằng năm, nghỉ hằng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc, nghỉ lễ, tết, nghỉ việc riêng có hưởng lương”.

Qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Công ty CP Đầu tư và Phát triển điện đề nghị cơ quan chức năng giải đáp, Công ty đã thực hiện chi trả tiền lương cho người quản lý, người lao động vào ngày nghỉ hằng năm tại Điều 111; ngày nghỉ hằng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc tại Điều 112; ngày nghỉ lễ, tết tại Điều 115 và ngày nghỉ việc riêng có hưởng lương tại Khoản 1 Điều 116 của Bộ luật Lao động như nội dung tại Mục 1 nêu trên có đúng với quy định không?

Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:

Theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16/11/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều về hợp đồng lao động, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động thì tiền lương ghi trong hợp đồng lao động gồm:

“1. Mức lương, ghi mức lương tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định của pháp luật lao động mà hai bên đã thỏa thuận. Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán thì ghi mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán.

2. Phụ cấp lương, ghi các khoản phụ cấp lương mà hai bên đã thỏa thuận, cụ thể:

a) Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ.

b) Các khoản phụ cấp lương gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động.

3. Các khoản bổ sung khác, ghi các khoản bổ sung mà hai bên đã thỏa thuận, cụ thể:

a) Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.

b) Các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động”.

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 14 Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH thì tiền lương làm căn cứ để trả lương cho người lao động trong thời gian nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, tết, nghỉ việc riêng có hưởng lương là tiền lương theo hợp đồng lao động quy định tại Khoản 1, Điểm a Khoản 2 và Điểm a Khoản 3 Điều 4 Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH.

Căn cứ các quy định nêu trên thì việc Công ty CP Đầu tư và Phát triển điện trả lương cho người lao động, người quản lý trong thời gian nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, tết, nghỉ việc riêng có hưởng lương như nội dung nêu trên (tại Công văn số 108/CV-CT, số 17/CT-P1) là chưa đúng với quy định tại Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH.

Chinhphu.vn