![]() |
Phấn đầu phủ sóng toàn cầu các kênh phát thanh, truyền hình đối ngoại vào năm 2020. Ảnh minh họa |
Dự thảo này do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng, cũng đặt mục tiêu đến năm 2015 đảm bảo vùng phủ sóng vệ tinh tới tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ tại các khu vực Bắc Mỹ, Châu Âu, Châu Á – Thái Bình Dương và Châu Úc.
Đồng thời, hình thành 1 kênh phát thanh đối ngoại của quốc gia đáp ứng nhu cầu thông tin đối ngoại trong tình hình mới, với tổng thời lượng tự sản xuất cho mục tiêu đối ngoại 20 giờ/ngày.
Từng bước hình thành 1 kênh truyền hình đối ngoại quốc gia với thời lượng tự sản xuất tối thiểu 8 giờ/ngày đạt các tiêu chuẩn quốc tế phục vụ nhiệm vụ đối ngoại...
Đến năm 2020, đảm bảo vùng phủ sóng vệ tinh toàn cầu các kênh chương trình phát thanh, truyền hình đối ngoại. Đảm bảo 1 kênh phát thanh đối ngoại quốc gia với thời lượng tự sản xuất đạt 24 giờ/ngày và nâng thời lượng tự sản xuất của chương trình đối ngoại quốc gia VTV-World lên 24 giờ/ngày đạt các tiêu chuẩn HDTV phục vụ nhiệm vụ đối ngoại; đồng thời, khuyến khích các đài phát thanh, truyền hình khác sản xuất các chương trình phát thanh, truyền hình phục vụ nhiệm vụ đối ngoại, phục vụ người Việt Nam ở nước ngoài.
Sản xuất các chương trình phát thanh bằng 14 thứ tiếng
Các chương trình phát thanh, truyền hình đối ngoại được xác định là các chương trình phát thanh, truyền hình công ích được Nhà nước ưu tiên đầu tư về sản xuất nội dung và truyền dẫn, phát sóng.
Bao gồm: Chương trình phát thanh đối ngoại quốc gia (VOV5 của Đài Tiếng nói Việt Nam); Chương trình truyền hình đối ngoại quốc gia (Chương trình VTV4 của Đài Truyền hình Việt Nam, sau năm 2015 thay thế bằng VTV World); Chương trình truyền hình phục vụ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (Chương trình VTC10 của Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC và chương trình VTV4 của Đài Truyền hình Việt Nam sau năm 2015); Các chương trình phát thanh, truyền hình đối ngoại tại chỗ phục vụ từng đối tượng, địa bàn cụ thể và một số chương trình phát thanh và truyền hình đối ngoại khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Dự thảo cũng đưa ra định hướng phát triển cải tiến và nâng cao chất lượng nội dung các kênh chương trình phát thanh, truyền hình đối ngoại.
Cụ thể, tiếp tục sản xuất các chương trình phát thanh bằng 14 thứ tiếng: Anh, Pháp, Nhật Bản, Bắc Kinh, Nga, Đức, Tây Ban Nha, Indonexia, Lào, Thái Lan, Khmer, Việt Nam, Ả Rập và Triều Tiên.
Bên cạnh đó, ưu tiên sản xuất các chương trình truyền hình đối ngoại phù hợp với các khu vực có văn hóa khác nhau gồm các thứ tiếng Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và Tây Ban Nha;
Nội dung các chương trình phát thanh, truyền hình đối ngoại được đổi mới theo hướng: Tích cực, chủ động, kịp thời thông tin tuyên truyền về thành tựu của công cuộc đổi mới, về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, tiềm năng phát triển và hợp tác của Việt Nam, về đất nước, con người, lịch sử, văn hóa, những giá trị vật chất và tinh thần của dân tộc. Chú trọng giới thiệu chính sách đối ngoại của Việt Nam, quan điểm của ta về các vấn đề quốc tế và khu vực. Tăng cường thông tin về kinh tế đối ngoại, thu hút đầu tư nước ngoài, xúc tiến thương mại, du lịch, hội nhập quốc tế của Việt Nam;
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý.
Trần Mạnh