In bài viết

Tiến tới lập sổ hộ tịch cá nhân

(Chinhphu.vn) – Để chấn chỉnh những bất cập, hạn chế trong công tác hộ tịch hiện nay, bên cạnh việc nghiên cứu xây dựng mã số cá nhân và cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, thì vấn đề cải tiến Sổ hộ tịch và lập Sổ hộ tịch cá nhân cũng cần phải được xem xét thấu đáo và quy định cụ thể trong Luật Hộ tịch.

28/05/2012 17:28

Ông Trần Thất, Vụ trưởng Vụ Hành chính - Tư pháp, Bộ Tư pháp. Ảnh Chinhphu.vn

Đó là thông tin được ông Trần Thất, Vụ trưởng Vụ Hành chính – Tư pháp, Bộ Tư pháp trao đổi với phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ.

Yêu cầu từ thực tiễn

Lý giải điều này, ông Thất cho biết, cùng với sự phát triển nhanh chóng của đời sống kinh tế, xã hội,... công tác hộ tịch ở Việt Nam cũng đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay công tác này đã bộc lộ những bất cập, cần được điều chỉnh cho phù hợp.

Trong đó, bất cập lớn nhất là hệ thống sổ hộ tịch chưa được cải tiến hợp lý nên hệ thống dữ liệu hộ tịch bị phân tán, việc quản lý dữ liệu hộ tịch được ghi trong nhiều loại sổ sách và giấy tờ khác nhau: Sổ đăng ký khai sinh, sổ đăng ký kết hôn, sổ đăng ký khai tử,… nên dữ liệu gốc không được liên kết với nhau. Dẫn tới việc phục vụ tra cứu theo yêu cầu của người dân và nhu cầu quản lý của các cơ quan, tổ chức là rất hạn chế.

Mặt khác, với hình thức đăng ký hộ tịch trên, nên sau các sự kiện hộ tịch, mỗi công dân sẽ được cơ quan nhà nước cấp các mẫu giấy tờ khác nhau, như: giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn, giấy khai tử, nhận con nuôi,... Do vậy mỗi người dân phải quản lý quá nhiều loại giấy tờ về hộ tịch của mình, làm cho việc bảo quản gặp khó khăn, dễ bị thất lạc, mất mát hoặc hư hỏng.

Đồng thời, với việc cấp từng giấy tờ hộ tịch riêng lẻ sau khi người dân đăng ký các sự kiện hộ tịch làm cho việc xâu chuỗi, kết nối các biến động hộ tịch cá nhân cũng nằm trong tình trạng đứt quãng, gây khó khăn cho cả cơ quan quản lý cũng như cho người dân trong việc chứng minh tình trạng hộ tịch.

Trong bối cảnh xây dựng nền kinh tế thị trường, các hoạt động cần chứng minh hộ tịch của cá nhân ngày càng nhiều, đòi hỏi phải có giải pháp cụ thể để khắc phục những bất cập nêu trên cũng như để nâng cao hiệu quả của công tác hộ tịch.

Những nội dung này đang được nêu trong dự thảo Luật Hộ tịch do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo, ông Thất cho biết

Cần lập sổ hộ tịch cá nhân cho công dân

Theo dự thảo Luật Hộ tịch, Sổ bộ hộ tịch là sổ đăng ký khai sinh và các sự kiện hộ tịch khác của cá nhân, được lưu trữ tại cơ quan đăng ký hộ tịch/UBND cấp xã.

Sổ hộ tịch cá nhân là bản ghi đầy đủ việc đăng ký khai sinh và các sự kiện hộ tịch khác của cá nhân đã đăng ký trong Sổ bộ hộ tịch, được cơ quan đăng ký hộ tịch cấp cho mỗi cá nhân quản lý và sử dụng.

Dựa trên kết quả nghiên cứu kinh nghiệm quản lý hộ tịch của nhiều quốc gia trên thế giới và đặc điểm thực tiễn quản lý hộ tịch ở Việt Nam, ông Thất cho rằng, việc lập sổ bộ hộ tịch của cơ quan quản lý nhà nước và cấp sổ hộ tịch cá nhân là giải pháp cần thiết và phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước hiện nay.

Trước hết, đối với việc cải tiến sổ hộ tịch, ông Thất cho biết, về mặt lý luận, cơ sở dữ liệu hộ tịch được cấu thành từ 2 hệ thống, đó là hệ thống cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và hệ thống cơ sở dữ liệu hộ tịch bằng giấy. Ở nước ta hiện nay cơ sở dữ liệu hộ tịch chủ yếu là bằng giấy, việc tin học hóa dữ liệu này đang còn ở mức độ thấp, mang tính đơn lẻ của từng địa phương.

Ông Thất phân tích, hệ thống cơ sở dữ liệu hộ tịch bằng giấy tuy có những nhược điểm, nhưng lại có ưu điểm rất quan trọng là dữ liệu gốc. Vì vậy, ở các nước phát triển mặc dù việc tin học hóa đã đạt trình độ cao nhưng không vì thế mà họ hủy bỏ cơ sở dữ liệu hộ tịch bằng giấy.

"Do vậy, trong dự thảo Luật Hộ tịch, chúng tôi đề xuất giải pháp mới để đăng ký và quản lý Sổ hộ tịch, như sau: Trước hết, Nhà nước sẽ lấy sổ ghi việc đăng ký khai sinh làm sổ bộ hộ tịch và nơi đăng ký khai sinh là nơi quản lý hộ tịch gốc của cá nhân đó. Sau này, tất cả các việc liên quan đến hộ tịch của công dân phát sinh sau này đều phải ghi chú vào sổ này. Đồng thời, để thuận lợi cho công dân trong đăng ký hộ tịch, dự thảo cho phép mỗi cá nhân có quyền đăng ký các việc hộ tịch theo nơi cư trú, không nhất thiết phải đăng ký tại nơi đăng ký khai sinh, nhưng sau khi đăng ký, Hộ tịch viên phải gửi thông báo cho nơi quản lý hộ tịch gốc để ghi chú vào sổ bộ hộ tịch", ông Thất cho biết. 

Ông Thất khẳng định, phương thức đăng ký hộ tịch như trên đáp ứng được hai yêu cầu cơ bản là tích hợp được các dữ liệu hộ tịch của mỗi cá nhân một cách đầy đủ trong một sổ bộ hộ tịch, đồng thời cũng tạo điều kiện thuận tiện cho người dân trong đăng ký và xin cấp các giấy tờ hộ tịch của mình.

Về vấn đề cấp sổ hộ tịch cá nhân cho công dân, ông Thất cho biết: "Trong dự thảo chúng tôi đề xuất quy định, khi đăng ký khai sinh, công dân sẽ được cấp giấy khai sinh, đồng thời người được đăng ký khai sinh còn được hộ tịch viên cấp 01 Sổ hộ tịch cá nhân. Sổ này sẽ do người dân tự bảo quản để sử dụng lâu dài. Các sự kiện hộ tịch nảy sinh tiếp theo đối với công dân sẽ được cơ quan có thẩm quyền ghi bổ sung vào sổ này".

Như vậy, việc lập sổ hộ tịch cá nhân giúp cho một cá nhân không phải quản lý quá nhiều giấy tờ liên quan đến hộ tịch của mình. Đồng thời, còn giúp người dân khi cần chứng minh tình trạng hộ tịch, chỉ cần xuất trình Sổ hộ tịch cá nhân để cơ quan có thẩm quyền kiểm tra và xác định. Trong trường hợp công dân bị mất sổ hộ tịch, thì dự thảo Luật Hộ tịch có quy định cấp lại sổ theo nguyên tắc nhất định.

Triển khai việc cấp sổ hộ tịch cá nhân trong 5 năm

Mỗi người dân hiện phải quản lý nhiều loại giấy tờ về hộ tịch của mình, làm cho việc bảo quản gặp khó khăn, dễ bị thất lạc, mất mát hoặc hư hỏng - Ảnh minh họa

Dự kiến, sau khi Luật Hộ tịch có hiệu lực thi hành, các sổ hộ tịch đã dùng để đăng ký hộ tịch từ trước tới nay, hiện đang lưu trữ ở các UBND và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài vẫn có giá trị pháp lý. Và các giấy tờ hộ tịch của cá nhân được cấp trước ngày Luật hộ tịch có hiệu lực thi hành vẫn có giá trị pháp lý chứng minh sự kiện hộ tịch của cá nhân.

Đối với vấn đề lập Sổ hộ tịch cá nhân cho những người đã đăng ký hộ tịch trước ngày Luật này có hiệu lực. Dự thảo Luật Hộ tịch xây dựng phương án giải quyết theo hướng là trong thời hạn 5 năm kể từ ngày Luật có hiệu lực cần thực hiện cấp Sổ hộ tịch cá nhân.

Việc lập Sổ hộ tịch cá nhân cho toàn bộ những người đã được đăng ký hộ tịch trước ngày Luật có hiệu lực là thực sự cần thiết. Vì, nếu không bắt buộc phải lập lại sổ hộ tịch thì khi Luật có hiệu lực sẽ tồn tại song song hai hệ thống sổ trong thời gian dài (hệ thống sổ trước ngày Luật có hiệu lực và hệ thống sổ kể từ ngày Luật có hiệu lực), do đó sẽ khó khăn trong việc quản lý và tra cứu thông tin hộ tịch.

Ông Trần Thất cho biết, việc xây dựng dự luật chung về hộ tịch có vai trò quan trọng. Không chỉ tạo lập cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ cho công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, cũng như quản lý các dữ liệu cá nhân khác có liên quan trong toàn quốc; mà còn nhằm xây dựng hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, thân thiện với người dân.

Việc xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch tập trung, đầy đủ, chính xác, thuận tiện cho việc tra cứu thông tin nhằm phục vụ cho các yêu cầu của người dân và các cơ quan, tổ chức.

Đức Mạnh – Kim Huệ thực hiện

Tin liên quan:

Xây dựng mã số cá nhân cho công dân