Ông Thanh kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cần phổ biến chính sách nhà ở xã hội đến các công ty đóng trên địa bàn, những nơi gần các công trình nhà ở xã hội. Từ đó, lãnh đạo các doanh nghiệp sẽ thông báo tới người lao động và có thể tạo điều kiện cho người lao động đăng ký mua nhà ở xã hội.
Đặc biệt với những doanh nghiệp lớn, người lao động gắn bó lâu năm có thể được Nhà nước cùng doanh nghiệp đứng ra bảo đảm và làm những thủ tục hành chính như công chứng, công nhận, chứng minh thu nhập của người lao động… Như vậy sẽ thuận tiện cho người lao động có thu nhập thấp tiếp cận được với những công trình nhà ở xã hội.
Bộ Xây dựng trả lời vấn đề này như sau:
Về việc tra cứu thông tin các dự án nhà ở xã hội, tại Điểm a Khoản 1 Điều 20 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội quy định:
"Sau khi khởi công dự án, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội có trách nhiệm cung cấp các thông tin liên quan đến dự án (tên dự án, chủ đầu tư dự án, địa điểm xây dựng dự án, địa chỉ liên lạc, địa chỉ nộp đơn đăng ký; tiến độ thực hiện dự án, quy mô dự án; số lượng căn hộ (trong đó bao gồm: Số căn hộ để bán, số căn hộ cho thuê, số căn hộ cho thuê mua); diện tích căn hộ, giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua (tạm tính) đối với từng loại căn hộ; thời gian bắt đầu và kết thúc nhận đơn đăng ký và các nội dung khác có liên quan) để công bố công khai tại Cổng Thông tin điện tử của Sở Xây dựng tại địa phương nơi có dự án; đăng tải ít nhất 01 lần tại báo là cơ quan ngôn luận của chính quyền địa phương và công bố tại Sàn giao dịch bất động sản của chủ đầu tư (nếu có) để người dân biết, đăng ký và thực hiện việc theo dõi, giám sát".
Như vậy, theo quy định nêu trên, trường hợp công dân có nhu cầu mua nhà ở xã hội thì có thể tra cứu thông tin các dự án nhà ở xã hội chuẩn bị mở bán tại Cổng Thông tin điện tử của Sở Xây dựng nơi có dự án hoặc thông qua sàn giao dịch bất động sản của chủ đầu tư và thông tin báo chí tại địa phương.
Về trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương và doanh nghiệp trong việc chăm lo chỗ ở cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, để nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương và doanh nghiệp trong việc chăm lo chỗ ở cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, Chính phủ cũng đã quy định trách nhiệm tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP:
"Điều 30. Trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
… 3. Quy định cụ thể và công bố công khai các tiêu chuẩn, đối tượng và điều kiện được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn phù hợp với điều kiện của từng địa phương; tổ chức quản lý và theo dõi chặt chẽ việc bán, thuê, thuê mua; ban hành khung giá bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn theo thẩm quyền.
… Điều 31. Trách nhiệm của các doanh nghiệp có cơ sở sản xuất trong khu công nghiệp
1. Đối với các doanh nghiệp đã và đang sản xuất tại khu công nghiệp có trách nhiệm xây dựng kế hoạch giải quyết nhà ở, dành nguồn tài chính để hỗ trợ đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho hộ gia đình, cá nhân tại cơ sở đó gặp khó khăn về nhà ở;
2. Đối với các doanh nghiệp thành lập mới hoặc mở rộng sản xuất có trách nhiệm bảo đảm nhà ở cho hộ gia đình, cá nhân làm việc tại đơn vị mình".
Như vậy, pháp luật về nhà ở hiện hành đã quy định cụ thể về việc công bố công khai thông tin dự án nhà ở xã hội và trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương và doanh nghiệp trong việc chăm lo chỗ ở cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.
Bộ Xây dựng xin ghi nhận ý kiến đóng góp của ông Thanh để tiếp tục tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong việc phổ biến, tuyên truyền pháp luật; công bố công khai các dự án nhà ở xã hội để mọi người dân nắm bắt được thông tin, điều kiện hưởng chính sách nhà ở xã hội trong thời gian tới.
Chinhphu.vn