|
Qua 5 lần xét xử, TAND các cấp vẫn tuyên ông Trương Văn Chiến phải trả nhà cho bà Trần Thị Bích Ngọc. Mặc dù trước đó, Viện KSND Tối cao đã 2 lần kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm, khẳng định ông Chiến là người mua nhà hợp pháp, nhưng đến nay vẫn chưa có hồi kết. Báo TN &MT đã đăng tải 2 kỳ về vụ việc này.
Vừa qua, Báo TN&MT tiếp tục nhận được đơn kêu oan của bà Nguyễn Thị Phú Mỹ (chủ sở hữu ngôi nhà 77 Lê Đình Lý, TP. Đà Nẵng đã bán cho ông Trương Văn Chiến), bức xúc về những phán quyết của Hội đồng xét xử (HĐXX) tại các phiên tòa.
Bán nhà đúng pháp luật
Theo đơn trình bày của bà Nguyễn Thị Phú Mỹ, năm 2003, vợ chồng bà Nguyễn Thị Phú Mỹ và ông Phạm Thành Trung mua lô đất 77 Lê Đình Lý (TP. Đà Nẵng) với số tiền 1,1 tỷ đồng.
Ngày 3/4/2003, bà Nguyễn Thị Phú Mỹ và chồng thành lập Công ty mang tên Dũng Ngọc tại địa chỉ 444 Trưng Nữ Vương (TP. Đà Nẵng), do ông Phạm Thành Trung làm Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty. Hình thức hoạt động là chuyên bán phụ tùng xe ô tô, ngư lưới cụ tàu thuyền. Sau đó, bà Trần Thị Bích Ngọc (Việt kiều Mỹ) và ông Phạm Trần Don (là em cùng mẹ khác cha với bà Nguyễn Thị Phú Mỹ và là con của đời chồng thứ 3 của bà Trần Thị Bích Ngọc) từ nước ngoài về Việt Nam, bàn bạc làm ăn, đưa hàng hóa về Việt Nam buôn bán cùng Công ty.
Ngày 2/4/2004, Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng cấp Giấy phép số 404/CP-XD cho phép bà Nguyễn Thị Phú Mỹ và ông Phạm Thành Trung xây dựng nhà tại 77 Lê Đình Lý. Trong quá trình xây dựng, bà Nguyễn Thị Phú Mỹ có sử dụng số tiền lời của Công ty và có thâm qua số tiền nhập hàng của ông Don (thời điểm này, Công ty vẫn còn của riêng vợ chồng bà Nguyễn Thị Phú Mỹ và ông Phạm Thành Trung).
Khi ngôi nhà 77 Lê Đình Lý hoàn thành, bà Trần Thị Bích Ngọc lần lượt đưa những thành viên trong gia đình, gồm ông Phạm Văn Mẫn (chồng thứ ba của bà Ngọc), ông Phạm Trần Don, con ông Mẫn, ông Nguyễn Vĩnh Linh và bà Jeny Phạm (con bà Trần Thị Bích Ngọc) nắm cổ phần của Công ty Dũng Ngọc để cấn trừ tiền nợ của bà Nguyễn Thị Phú Mỹ.
Ngày 15/6/2005, bà Nguyễn Thị Phú Mỹ và bà Trần Thị Bích Ngọc lập biên bản thỏa thuận công nợ. Theo thỏa thuận 2 bên, bà Mỹ chuyển giao Công ty TNHH Dũng Ngọc cho phía bà Ngọc được cơ quan có thẩm quyền công nhận thì bà Mỹ được quyền bán nhà. Đồng thời, bà Mỹ trả lại cho bà Ngọc số tiền 800 triệu đồng và trả nợ cho ngân hàng 1 tỷ đồng.
Như vậy, căn cứ theo bản thỏa thuận công nợ ngày 15/6/2005, bà Mỹ có quyền bán nhà (HĐXX sơ thẩm đã minh chứng). Việc bán nhà công khai đã được cơ quan pháp luật công nhận. Bà Ngọc cũng đã đồng ý như trong thỏa thuận. Không phải là "tẩu tán" tài sản như các phiên tòa đã nhận định. Bởi lẽ căn cứ vào bản thỏa thuận, buộc lòng bà Mỹ phải bán nhà để trả tiền cho bà Ngọc và ngân hàng. Số tiền còn lại sau khi bán nhà hoàn toàn thuộc về quyền sở hữu của bà Nguyễn Thị Phú Mỹ.
Điều đó minh chứng, cả ông Chiến và bà Mỹ đều thực hiện việc mua bán hợp pháp !
Từ vay mượn… sang tranh chấp tài sản chung ?
"Thực tế tôi bán ngôi nhà 77 Lê Đình Lý với giá 2,9 tỷ đồng, sau khi trả hết nợ cho ngân hàng và trả nợ mượn vay nóng bên ngoài suốt 2 năm trời, hiện nay vợ chồng tôi không có nhà ở phải đi thuê. Tại ngôi nhà gia đình tôi thuê ở đã xảy ra hỏa hoạn, thiêu rụi tất cả tài sản, giấy tờ. Hiện gia đình tôi lâm vào cảnh bế tắc. Vì vậy, theo hướng phán quyết của Bản án Giám đốc thẩm buộc tôi phải trả số tiền lớn cho ông Chiến (4,7 tỷ tròn số) thì tôi thật lòng trình bày là tôi không có đủ khả năng để thi hành án, suốt cuộc đời còn lại của vợ chồng tôi làm thuê làm mướn cũng không đủ để mua một căn nhà an cư lập nghiệp" - Bà Nguyễn Thị Phú Mỹ nói. |
Qua điều tra, khi các bên ký xong biên bản thỏa thuận, bà Trần Thị Bích Ngọc đã không đóng tiền lãi ngân hàng như trong thỏa thuận, bà Nguyễn Thị Phú Mỹ buộc lòng phải vay nóng nợ ngoài để trả lãi. Cùng lúc, bà Ngọc khởi kiện đòi tiền được TAND TP. Đà Nẵng thụ lý. Sau khi bán nhà cho ông Trương Văn Chiến, bà Nguyễn Thị Phú Mỹ đến giao số tiền 800 triệu đồng cho bà Ngọc nhưng bà Ngọc không lấy và chuyển từ việc đòi tiền sang việc tranh chấp đòi tài sản chung là ngôi nhà 77 Lê Đình Lý.
Cũng theo trình bày của bà Nguyễn Thị Phú Mỹ, tại phiên sơ thẩm ngày 5/6/2008, Hội đồng xét xử (HĐXX) TAND Q. Thanh Khê đã đưa ra các văn bản do bà Trần Thị Bích Ngọc cung cấp, để đối chất với bà Nguyễn Thị Phú Mỹ. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Phú Mỹ và chồng đã phát hiện các giấy tờ trên đều là giấy tờ phô tô lắp ghép, không có bản gốc. Tại phiên tòa, bà Nguyễn Thị Phú Mỹ và chồng là ông Phạm Thành Trung có đề nghị HĐXX lập biên bản nhưng HĐXX bỏ qua. Diễn biến tại phiên tòa hoàn toàn trái ngược với nội dung trong bản án.
Đặc biệt, theo đơn trình bày của bà Mỹ: "Nếu thật sự ngôi nhà này có sự đầu tư góp vốn của bà Trần Thị Bích Ngọc, thì dẫu rằng Việt kiều không đứng tên chủ sở hữu nhà được nhưng chắc chắn bà Ngọc sẽ buộc tôi phải viết giấy cam kết tài sản đó bằng văn bản hoặc là ủy quyền và có chữ ký xác nhận của các người con thuộc 3 đời chồng". Vậy, tại sao bà Ngọc góp vốn (như bà Ngọc trình bày tại các phiên tòa), mà không đưa ra được một chứng cứ nào thuyết phục, trong khi tòa các cấp vẫn tuyên ngôi nhà 77 Lê Đình Lý là tài sản chung ?!
Vụ việc đang chờ các cơ quan ban ngành liên quan xem xét đúng người, đúng việc để từ đó có phán quyết công minh, tránh những oan sai kéo dài cho người dân.
Nhóm PV PL