In bài viết

Tiếp sức hàng triệu hộ dân vượt qua ngưỡng nghèo

(Chinhphu.vn) - Trong 15 năm qua, vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước; qua đó, đã có trên 31,8 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH; góp phần giúp trên 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo...

16/10/2017 19:35

Trải qua 15 năm xây dựng và phát triển, đồng hành cùng với người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác, được sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, NHCSXH là tổ chức được giao nhiệm vụ thực thi tín dụng chính sách xã hội đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội tập trung các nguồn lực, đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo

Để đảm bảo có đủ nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương các cấp đã luôn quan tâm đến việc huy động và tập trung các nguồn lực tài chính, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, dưới các hình thức, như: Bố trí ngân sách Nhà nước cấp vốn điều lệ, cấp bù chênh lệch lãi suất, cấp vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; quy định các tổ chức tín dụng Nhà nước duy trì số dư tiền gửi 2% hàng năm; có cơ chế cho phép phát hành trái phiếu Chính phủ bảo lãnh; ngân sách các địa phương, các chủ đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, chuyển vốn ủy thác qua NHCSXH để cho vay các chương trình tín dụng chính sách.

Đặc biệt, nguồn vốn của địa phương đã tăng nhanh từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

Bên cạnh đó, NHCSXH đã tập trung khai thác các nguồn vốn từ thị trường được ngân sách Nhà nước cấp bù lãi suất, đặc biệt thực hiện tốt việc nhận tiền gửi từ người nghèo nhằm tạo thói quen tích lũy và hỗ trợ người nghèo từng bước tiếp cận với dịch vụ ngân hàng.

Tính đến ngày 30/9/2017, tổng nguồn vốn đạt trên 179 nghìn tỷ đồng, tăng trên 172 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 25 lần so với khi thành lập. Trong đó: Ngân sách Nhà nước cấp vốn điều lệ và cấp vốn thực hiện các chương trình tín dụng đạt 27.762 tỷ đồng, chiếm 15,6% tổng nguồn vốn; NHCSXH huy động trên thị trường, vay Ngân hàng Nhà nước, nhận tiền gửi 2% của các tổ chức tín dụng Nhà nước và phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh đạt 129.775 tỷ đồng, chiếm 72,5%/tổng nguồn vốn. Nguồn vốn địa phương ủy thác cho vay đạt 8.485 tỷ đồng, chiếm 4,7% tổng nguồn vốn.

Cơ cấu nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã chuyển biến theo hướng tăng nguồn vốn NHCSXH tự huy động được ngân sách Nhà nước cấp bù lãi suất và nguồn lực tại địa phương, giảm dần nguồn vốn cấp trực tiếp từ ngân sách Nhà nước cho các chương trình, thể hiện rõ chủ trương “đa dạng hóa nguồn lực” với phương châm “Nhà nước, Doanh nghiệp và Nhân dân cùng làm”. Nhờ đó, mặc dù có những thời điểm khó khăn nhưng nguồn vốn tín dụng chính sách thời gian qua đã cơ bản đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Trên 31,8 triệu hộ được vay vốn chính sách

Từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao đến nay tín dụng chính sách xã hội đã và đang triển khai thực hiện 20 chương trình tín dụng chính sách và một số chương trình, dự án do các địa phương, các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước uỷ thác cho NHCSXH thực hiện. Đến 30/9/2017, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 169.036 tỷ đồng, gấp hơn 24 lần so với thời điểm thành lập; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 19,2%, với trên 6,7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ. Dư nợ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ là 13.944 tỷ đồng, với gần 457 nghìn đối tượng đang dư nợ.

Trong 15 năm qua, vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước; trong đó, tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới...

Đã có trên 31,8 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH; góp phần giúp trên 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 3,4 triệu lao động, hơn 3,5 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 9,9 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; gần 105 nghìn căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, gần 528 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách, trên 11 nghìn căn nhà phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung; trên 112 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài...

Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2001 - 2005 từ 17% xuống 7%; giai đoạn 2005 - 2010 từ 22% xuống 9,45%; giai đoạn 2011-2015 từ 14,2% xuống 4,25% cuối năm 2015.

Cùng với việc tăng trưởng tín dụng, chất lượng tín dụng chính sách cũng không ngừng được củng cố và nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh của toàn hệ thống NHCSXH đã giảm từ 13,75% tại thời điểm nhận bàn giao xuống còn 0,81% tại thời điểm 30/9/2017 (trong đó, nợ quá hạn 0,42%, nợ khoanh 0,39%).  

Thiết lập mô hình quản lý đặc thù, hiệu quả

Đặc biệt, NHCSXH đã thiết lập được mô hình tổ chức quản lý đặc thù, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn nước ta.

Để chuyển tải vốn tín dụng chính sách đúng đối tượng thụ hưởng, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, hỗ trợ tối đa cho người nghèo trong điều kiện tiết giảm chi phí quản lý, chi phí xã hội,... NHCSXH đã thực hiện phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù thông qua hình thức: Phân công, phân cấp trách nhiệm trong việc xác định hộ nghèo và các đối tượng chính sách đủ điều kiện vay vốn; thực hiện dân chủ, công khai trong cộng đồng dân cư; kết hợp sự tham gia của 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác với vai trò giám sát xã hội và làm uỷ thác một số nội dung công việc trong quy trình nghiệp vụ tín dụng chính sách.

Hoạt động nhận ủy thác từ NHCSXH đã tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị - xã hội tập hợp lực lượng, củng cố, nâng cao cả về số lượng, chất lượng phong trào hoạt động, tăng số lượng hội viên, góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở, giúp người nghèo có điều kiện được sinh hoạt tại các tổ chức chính trị - xã hội, qua đó được tiếp cận với nhiều hoạt động lồng ghép như hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật, chăm sóc sức khỏe, nâng cao dân trí...

NHCSXH thực hiện tổ chức giao dịch tại 10.974 Điểm giao dịch đặt tại trụ sở  UBND cấp xã; phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội thành lập được 187.151 Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động tại thôn, ấp, bản, làng. Tổ tiết kiệm và vay vốn là nơi giúp hộ vay thực hiện các thủ tục vay vốn, tổ chức sinh hoạt tương trợ giúp đỡ nhau, đảm bảo thực hiện cơ chế dân chủ, vừa là nơi để ngân hàng đưa các nghiệp vụ về cơ sở phục vụ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác hiệu quả hơn.

Phấn đấu 100% hộ chính sách đều được vay vốn

Trong thời gian tới, NHCSXH phấn đấu 100% hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay vốn các chương trình tín dụng chính sách và tiếp cận các dịch vụ do NHCSXH cung cấp.

Bên cạnh đó, NHCSXH đặt mục tiêu dư nợ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt khoảng 10%. Tỷ lệ nợ quá hạn dưới 2%/tổng dư nợ. Nguồn vốn ngân sách địa phương bổ sung hàng năm tăng bình quân trên 20%.

Đồng thời, đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động nghiệp vụ phù hợp với hoạt động của NHCSXH.

Phối hợp, lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội nhằm mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.