In bài viết

Tiếp thu, chỉnh lý, bảo đảm tính khả thi của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

(Chinhphu.vn) – Tại phiên họp chuyên đề pháp luật sáng 16/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

16/08/2022 12:52
UBTVQH nghe báo cáo giải trình về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết: Dự thảo Luật sau khi chỉnh lý còn 56 điều, ít hơn 6 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ ba, bỏ 1 điều, bổ sung 3 điều - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Được xây dựng với bố cục gồm 6 chương, 56 điều, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) quy định các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình; quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong phòng, chống bạo lực gia đình; các điều kiện bảo đảm thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình.

Theo dự Luật, các hành vi bạo lực gia đình gồm: Hành hạ, ngược đãi, đánh đập, đe dọa hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng; lăng mạ, chì chiết hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cưỡng ép chứng kiến cảnh bạo lực đối với người, con vật nhằm gây áp lực thường xuyên về tâm lý; kỳ thị, phân biệt đối xử về hình thể, giới tính, năng lực của thành viên gia đình; ngăn cản thành viên gia đình ra khỏi nhà, gặp gỡ người thân, có quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh hoặc các hành vi khác nhằm cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý; cưỡng ép thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng; cưỡng ép tảo hôn, kết hôn, ly hôn hoặc cản trở kết hôn, ly hôn hợp pháp; cưỡng ép mang thai, phá thai, lựa chọn giới tính thai nhi; cô lập, giam cầm hoặc cưỡng ép thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp trái pháp luật;…

Liên quan đến đối tượng áp dụng (Điều 2), Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật do Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày cho biết một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị đánh giá tính khả thi và bổ sung các quy định để bảo đảm áp dụng được đối với nhóm đối tượng người nước ngoài cư trú ở Việt Nam. 

Bên cạnh đó, có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng quy định về "đối tượng áp dụng" (Điều 2) là không cần thiết.

Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng thực tiễn công tác xây dựng pháp luật cho thấy các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trong thời gian gần đây không có điều riêng về đối tượng áp dụng mà luật áp dụng chung cho tất cả "mọi người" trừ trường hợp đối tượng áp dụng có tính đặc thù. Do vậy, việc không quy định đối tượng áp dụng trong dự thảo Luật không ảnh hưởng đến việc áp dụng các quy định của Luật này đối với người nước ngoài cư trú ở Việt Nam.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội đề xuất bỏ Điều 2 của dự thảo Luật, đồng thời bổ sung quy định "giao Chính phủ quy định việc áp dụng đối với người nước ngoài cư trú ở Việt Nam các biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình" như thể hiện tại Khoản 3 Điều 22 dự thảo Luật. 

Trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Xã hội sẽ phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan tiếp tục nghiên cứu, rà soát bổ sung quy định để tăng tính khả thi của Luật này đối với người nước ngoài cư trú ở Việt Nam.

Về hành vi bạo lực gia đình (Điều 3), một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quy định khái quát thành các nhóm hành vi bạo lực gia đình; có một số ý kiến góp ý về nội dung của một số điểm quy định về hành vi bạo lực gia đình; có ý kiến đề nghị bổ sung hành vi "gián tiếp" gây ra bạo lực gia đình.

Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng quy định cụ thể các hành vi bạo lực gia đình cũng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tuyên truyền, giáo dục, thực thi pháp luật. Đây cũng là cách tiếp cận được các tổ chức quốc tế khuyến nghị và được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng. Do vậy, Thường trực Ủy ban Xã hội dự kiến tiếp tục quy định cụ thể các hành vi bạo lực gia đình và rà soát, tiếp thu, chỉnh lý các điểm quy định về hành vi bạo lực gia đình tại Khoản 1 Điều 3 trên cơ sở ý kiến của cácđại biểu Quốc hội.

UBTVQH nghe báo cáo giải trình về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) - Ảnh 2.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tại phiên họp chuyên đề pháp luật sáng 16/8 - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Về cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình (Điều 40), theo bà Nguyễn Thúy Anh, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội dự kiến chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định về nguyên tắc về các dịch vụ, hoạt động, các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực của cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình; bổ sung các quy định nhằm khuyến khích sự phát triển của các cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình như có chính sách miễn, giảm thuế, phí, vay vốn ưu đãi theo quy định của pháp luật cho tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, nhân lực, cơ sở vật chất cho phòng, chống bạo lực gia đình mà không vì mục đích lợi nhuận (khoản 4 Điều 40). Đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết điều kiện, trình tự, thủ tục cấp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của cơ sở.

Về trách nhiệm của UBND các cấp và cơ quan công an, bà Nguyễn Thúy Anh cho hay tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội dự kiến chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng: Bổ sung trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã, công an cấp xã trong các quy định về xử lý tin báo, tố giác vụ việc bạo lực gia đình (Điều 20); yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an cấp xã (Điều 24); cấm tiếp xúc theo quyết định của Chủ tịch UBND cấp xã (Điều 25); cấm tiếp xúc theo quyết định của tòa án (Điều 26); chăm sóc, điều trị người bệnh là người bị bạo lực gia đình (Điều 29); góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư (Điều 32)... 

"Thường trực Ủy ban Xã hội sẽ tiếp tục phối hợp với Thường trực Ủy ban Pháp luật, các cơ quan của Quốc hội và cơ quan soạn thảo rà soát tiếp thu, chỉnh lý, bảo đảm tính khả thi của các quy định và tính thống nhất của hệ thống pháp luật", bà Nguyễn Thúy Anh khẳng định./.

Nguyễn Hoàng