Bà Lê Kim Cương là một người gốc Việt sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Theo phản ánh của bà Cương, chồng bà là người khiếm thị, những lần về Việt Nam gia đình bà luôn thấp thỏm và cảm thấy rất áp lực từ việc xếp hàng dài, không lối đi ưu tiên (hoặc đã có nhưng không có bảng hướng dẫn/sự hướng dẫn của nhân viên sân bay).
Sau khi chờ đợi để được đóng dấu, đến khâu tháo giày và đi qua cổng an ninh mà không có một ai biết phải xử lý tình huống như thế nào khi gặp người khuyết tật. Đối với một người bình thường những thứ kể trên tưởng chừng như rất đơn giản, nhưng đối với một người khiếm thị điều này không phải là dễ dàng.
Bà Cương cũng nhận thấy, thực tế rất ít nhân viên sẽ nhận ra cây gậy của người mù và được đào tạo chuyên sâu để xử lý tình huống một cách chuyên nghiệp khi có người khuyết tật ở sân bay. Bà Cương luôn phải có gắng giải thích và nhận được cái phất tay cho qua hoặc vẻ mặt thờ ơ từ các nhân viên.
Gia đình bà đã đi du lịch nhiều nước trên thế giới, lối đi ưu tiên dành cho người già, người khuyết tật và phụ nữ mang thai cũng như phụ nữ đi cùng trẻ nhỏ là hiển nhiên, luôn dễ dàng được nhìn thấy, thậm chí nhân viên sẽ hướng dẫn tận tình. Nhưng ở Sân bay Tân Sơn Nhất thì bà nhận thấy điều này còn chưa được rõ ràng hoặc không được chú trọng đến.
Qua Cổng TTĐT Chính phủ, bà Cương mong muốn cơ quan có thẩm quyền xem xét cải thiện tình trạng nêu trên.
Về vấn đề này, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải trả lời như sau:
Theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 36/2014/TT-BGTVT ngày 29/8/2014 quy định chất lượng dịch vụ hành khách tại cảng hàng không, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tại cảng hàng không phải xây dựng quy trình phục vụ hành khách, bao gồm hành khách sử dụng các loại dịch vụ đặc biệt.
Ngoài ra, Điều 6 Thông tư số 36/2014/TT-BGTVT quy định hãng hàng không phải có trách nhiệm "Quy định nội dung phục vụ hành khách cần sự giúp đỡ, hành khách là người khuyết tật, đau ốm, người già, người đi cùng trẻ em, phụ nữ có thai, trẻ em đi một mình không có người đi cùng trong quy trình đưa hành khách ra tàu bay".
Theo đó, hành khách cần sự trợ giúp đặc biệt cần thông báo với nhân viên của hãng hàng không tại khu vực làm thủ tục để được hỗ trợ làm thủ tục hàng không, thủ tục xuất nhập cảnh và kiểm tra an ninh hàng không tại lối đi ưu tiên.
Tại thời điểm bà Lê Kim Cương phản ánh, lối đi ưu tiên tại điểm kiểm tra an ninh soi chiếu quốc tế chỉ có biển báo ưu tiên cho hành khách sử dụng xe lăn (wheelchair), thiếu thông tin cho người khuyết tật.
Hiện tại, tiếp thu ý kiến của hành khách, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã bổ sung biển báo trước lối đi ưu tiên dành cho hành khách cần sự trợ giúp như hành khách là người già trên 70 tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 2 tuổi và người khuyết tật tại khu vực soi chiếu an ninh hàng không của nhà ga đi quốc tế.
Với tinh thần cầu thị, Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không Việt Nam cảm ơn ý kiến đóng góp thiết thực của bà Lê Kim Cương và sẽ yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không quán triệt tới các nhân viên hàng không có tiếp xúc với hành khách thường xuyên bảo đảm thái độ văn minh, lịch sự khi thực hiện nhiệm vụ, đồng thời tăng cường hỗ trợ các hành khách là người già, người khuyết tật, phụ nữ đi cùng em bé và người cần sự hỗ trợ đặc biệt nhằm bảo đảm chất lượng phục vụ hành khách.
Chinhphu.vn