Cần đẩy mạnh Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" |
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát lại kết quả Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" để tiếp tục tập trung thực hiện, phát huy các kết quả đạt được của năm 2011.
Đồng thời, cũng phải xác định những tồn tại, hạn chế để kịp thời có giải pháp khắc phục; tuân thủ nghiêm việc lập kế hoạch và chế độ báo cáo theo quy định.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, căn cứ Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 3/1/2012 của Chính phủ và các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội được giao để ban hành ngay trong tháng 5/2012 Kế hoạch triển khai Cuộc vận động trong năm 2012 và khẩn trương tổ chức thực hiện, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc; bảo đảm thực hiện Cuộc vận động đạt kết quả thiết thực.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành liên quan rà soát các cơ chế, chính sách, pháp luật hiện hành để đề xuất sửa đổi, bổ sung nếu cần thiết nhằm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý II/2012.
Trước đó, ngày 7/6/2011, đã tiến hành sơ kết và triển khai nhiệm vụ cuối năm 2011 Cuộc vận động "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam", do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức.
Điểm nổi bật của cuộc vận động trên trong thời gian qua là cuộc vận động đã gắn kết chặt chẽ với các giải pháp thực hiện nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và các phong trào thi đua yêu nước mà Đảng, Chính phủ đề ra.
Từ cuộc vận động, một số cơ chế, chính sách được hoàn thiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển kinh doanh, khuyến khích người tiêu dùng ưu tiên mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, hiện nền sản xuất trong nước mới chiếm lĩnh được từ 30-50% nhu cầu thị trường đối với rất nhiều loại hàng hóa tiêu dùng, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu lớn trong dân cư như xăng dầu, phân bón, vật liệu xây dựng, hóa chất…
Ngay những mặt hàng là thế mạnh của nền kinh tế đất nước như nông sản, dệt may, da giày,… thị trường cũng bị một lượng đáng kể hàng hóa nhập khẩu cạnh tranh gay gắt.
Thực trạng này dẫn tới hệ quả là hàng năm, đất nước phải nhập khẩu nhiều chục tỷ USD hàng hóa, thiết bị các loại, trở thành bài toán khó cho cán cân thanh toán, sự ổn định kinh tế vĩ mô. Trong khi, một phần không nhỏ lượng hàng nhập khẩu này, trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng, tự sản xuất để thay thế.
Quốc Hà