In bài viết

Tiếp tục đổi mới báo chí Việt Nam

(Chinhphu.vn) - Cùng với quá trình đổi mới và tái cấu trúc nền kinh tế, để ngày càng được bạn đọc đón đọc trong sự hân hoan, chờ đợi như món ăn tinh thần lành mạnh, báo chí cách mạng Việt Nam đang ngày càng phát triển, cũng đòi hỏi phải được đổi mới sâu sắc hơn.

20/06/2012 08:23

Báo chí với cuộc sống

Việt Nam hiện có tới 786 cơ quan báo chí, 194 báo in, 592 tạp chí, 61 báo điện tử, 67 đài phát thanh- truyền hình, 191 trang mạng xã hội và trên 1.000 trang thông tin điện tử, với đội ngũ hơn 17.000 nhà báo được cấp thẻ hành nghề.

Đồng hành với công cuộc đổi mới và hội nhập toàn diện của đất nước, báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng trở thành một lực lượng xã hội trực tiếp, đảm nhận vai trò ngày càng quan trọng trong đời sống đất nước. Nhiều nhà báo tài năng và không ít tờ báo lớn đã “dấn thân” đầy trách nhiệm và tâm huyết, có nhiều tác phẩm rung động lòng người và tạo ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội, được đồng nghiệp ngưỡng mộ và góp phần tôn vinh nghề báo.

Báo chí có quan hệ mặt thiết với lĩnh vực khoa học. Không có nhà khoa học chân chính nào lại không có nguyện vọng được đưa các kết quả nghiên cứu khoa học của mình vào thực tiễn, nhằm góp phần hữu ích cho cuộc sống và thỏa mãn niềm vui tinh thần của khoa học. Báo chí chính là một trong những kênh tốt nhất cho các nhà khoa học thực hiện điều này trực tiếp và nhanh nhất. Hơn nữa, thông qua báo chí, các nhà khoa học có thể nắm bắt nhanh nhậy hơn, đầy đủ hơn các sắc thái cuộc sống, bổ sung kho tư liệu cho mình và gợi mở những chủ đề nghiên cứu.

Còn với doanh nghiệp, có lẽ chưa có bao giờ các doanh nghiệp lại được báo chí quan tâm như trong thời buổi kinh tế thị trường. Đồng thời, có lẽ cũng chưa có bao giờ các doanh nghiệp lại cần, thân thiết và cả  “ngại ngần” với báo chí như hiện nay! 

Báo chí coi doanh nghiệp như một đối tượng đặc thù trong hoạt động tác nghiệp đưa tin và phục vụ hàng ngày của mình. Các thông tin thị trường và tình hình biến động của chính sách, môi trường và kinh nghiệm kinh doanh được phản ánh trên báo chí đã, đang và sẽ giúp doanh nghiệp nắm bắt cập nhật, đầy đủ và chính xác hơn, từ đó góp phần để doanh nghiệp định hướng và điều chỉnh chiến lược, chính sách và cách thức kinh doanh phù hợp, nhạy bén hơn với các nhu cầu và triển vọng thị trường.

Sự cộng sinh của các doanh nghiệp với báo chí còn thể hiện ở chỗ thông qua “cầu trung gian” báo chí, doanh nghiệp có thể phản ánh trung thực và nhanh chóng  nguyện vọng của  mình lên cấp có thẩm quyền chính sách hoặc tác động đến thị hiếu tiêu dùng xã hội, thậm chí tạo áp lực đến những thay đổi chính sách và xu hướng thị trường lớn cả cấp vi mô và vĩ mô, từ đó ảnh hưởng đáng kể đến lĩnh vực và hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Yêu cầu đổi mới và tái cấu trúc báo chí

Báo chí là một hoạt động nghề nghiệp đặc thù, có tính cộng đồng và tác động  chính trị - xã hội cao. Mỗi tác phẩm báo chí được phát hành rộng rãi, có tính phản biện và chiến đấu cao, bao giờ cũng sớm hay muộn, ít hay nhiều, trực tiếp hay gián tiếp tác động tích cực đến dư luận xã hội, nhận thức, thái độ quan niệm và hành vi của đông đảo của quần chúng và cộng đồng. Trách nhiệm xã hội của báo chí vì thế càng cần phải được nhà báo quán triệt qua từng câu, từng chữ  trong mỗi tác phẩm của mình.

Cùng với quá trình Đổi mới và tái cấu trúc nền kinh tế, để ngày càng được đón đọc trong sự hân hoan, chờ đợi như món ăn tinh thần lành mạnh, bổ dưỡng của người đọc, góp phần định hình và tôn vinh những giá trị chuẩn chung, tạo sự đồng thuận xã hội cao, đi đầu trong cuộc chiến chống tham nhũng và đói nghèo, phần đấu vì mục tiêu xây dựng một Việt Nam “dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh”, báo chí Việt Nam đang ngày càng phát triển cũng đòi hỏi phải được đổi mới và tái cấu trúc toàn diện và sâu sắc hơn, từ nhận thức về sứ mệnh, nhiệm vụ, đến cơ cấu tổ chức, đội ngũ nhân lực và cơ sở vật chất-kỹ thuật, hình thức, nội dung và kỹ năng nghề nghiệp của báo chí.

Yêu cầu đổi mới báo chí đòi hỏi tránh cả 2 cực đoan. Một mặt, tránh tập trung khai thác các chi tiết giật gân hay sa vào khai thác các yếu tố tác động vào tính tò mò và dễ dãi của người đọc cốt để tăng doanh thu, bất chấp các quy phạm về trách nhiệm xã hội, ý thức, đạo đức nghề nghiệp, quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ của người làm báo; mặt khác, khắc phục tình trạng một số báo và nhà báo bị “ép khuôn” cương cứng thái quá, do mô phạm và lệ thuộc mô típ truyền thống, “quán tính” từ thời bao cấp với sức ỳ, tính ỷ lại cao, thiếu bản lĩnh chuyên môn, trong khi lại có nhiều ngộ nhận về bản lĩnh chính trị, mà “lực bất tòng tâm”, trở nên khô khan, chậm chạp so với thực tiễn cuộc sống và cả so với các kỹ năng báo chí trong nước và thế giới đang ngày càng phát triển nhanh chóng, hiện đại hơn.

Hơn nữa, yêu cầu đổi mới báo chí còn đòi hỏi giảm thiểu tình trạng bôi đen hoặc tô hồng thái quá, dễ gây nhiễu loạn giá trị và méo mó thực tiễn.

Bên cạnh đó, báo chí cần có thêm các mục và dung lượng phản ánh kịp thời tiếng nói trực tiếp của cử tri, độc giả; tổ chức nhiều hơn những “Hội nghị bàn tròn”, những “Diễn đàn khoa học”; “Gặp gỡ hàng tháng, hàng năm” và các “Giao lưu trực tuyến”, “Tiếng nói doanh nghiệp” với bạn đọc về các chủ đề nóng, bức xúc trong nước và quốc tế, nhất là của doanh nghiệp.

“Tái cấu trúc” về tổ chức và công nghệ quản lý, trên cơ sở hợp nhất hoặc mở rộng, phát triển để trở thành những tổ hợp, tập đoàn truyền thông báo chí đa hệ, mạnh về công nghệ, đủ sức cạnh tranh trên “vũ đài báo chí” cả trong nước và quốc tế, cũng là vấn đề khả thi cần suy ngẫm nghiêm túc và chuẩn bị chu đáo trong chiến lược và triển vọng dài hạn hơn.

Để quan hệ báo chí ngày càng gắn bó và phát huy tác động tích cực, giảm thiểu các tác động mặt trái, cần sự phối hợp đồng bộ và trách nhiệm của các bên hữu quan, trong đó, cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý và tăng cường giám sát chặt chẽ việc thực thi các chính sách và quy định pháp quy liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ được tiếp cận thông tin, đưa tin và cung cấp thông tin của các công dân, cơ quan báo chí và doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh, cũng như các cơ quan quản lý các cấp trong đời sống kinh tế-xã hội, trong đó lấy sự bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp và tiến bộ xã hội theo các cam kết hội nhập, là mục tiêu cao nhất và nhất quán khi thiết kế và điều chỉnh các quy định pháp lý có liên quan.

Các cơ quan và doanh nghiệp cần chú ý chủ động công tác thông tin cho báo chí, đồng thời tiếp thu và trả lời các thông tin báo chí.

TS.Nguyễn Minh Phong