Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga - Ảnh: VGP/Từ Lương |
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga vừa có cuộc trao đổi với phóng viên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ về một số vấn đề liên quan đến Đề án 322.
Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, một trong những lý do khiến Đề án 322 hết kinh phí là do Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tuyển và cử số sinh viên đi học vượt chỉ tiêu quy định hàng năm, xin Thứ trưởng nói rõ hơn về vấn đề này?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì tổng chỉ tiêu được phép cử đi học nước ngoài trong giai đoạn 2 của Đề án 322 là 2.000 người. Trong giai đoạn 2006-2011, Đề án đã tuyển 5.419 người nhưng đi học thực tế là 2.598 người, tức trung bình chỉ có khoảng 50% thí sinh trúng tuyển đi học theo Đề án 322. Số còn lại đi học theo đề án xử lý nợ với Liên Bang Nga, theo các chương trình học bổng của chính phủ nước ngoài cấp cho Việt Nam, hoặc không đi học được do không đảm bảo các điều kiện đầu vào theo yêu cầu của các trường tiếp nhận…
Đến thời điểm hiện nay chỉ còn có 240 ứng viên đã trúng tuyển theo hiệu lực của Quyết định trúng tuyển chưa lên đường đi học, trong số này có một số ứng viên thạc sĩ đang dự tuyển các chương trình học bổng khác. Như vậy việc tuyển sinh vượt chỉ tiêu hàng năm là cần thiết để đảm bảo chỉ tiêu theo kế hoạch được giao. Kinh nghiệm cho thấy những năm trước năm 2008, do số lượng tuyển sinh sát với chỉ tiêu nên không đảm bảo kế hoạch đào tạo.
Phóng viên: Việc tuyển vượt chỉ tiêu có làm tăng ngân sách nhà nước cấp cho Đề án 322 so với dự kiến không thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Từ năm 2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ động đàm phán và ký kết thỏa thuận với các đối tác nước ngoài để đồng tài trợ cho ứng viên học bổng ngân sách nhà nước. Tính đến nay có trên 210 tổ chức và cơ sở đào tạo nước ngoài đồng ý hỗ trợ cho lưu học sinh nhận học bổng 322. Ví dụ trước năm 2008, Đề án 322 phải trả trên 150.000 USD cho 1 nghiên cứu sinh đào tạo tại Mỹ nhưng từ năm 2008 đến nay, chi phí này giảm xuống còn 54.000 USD. Các nước khác như Pháp, Australia, Nhật Bản… cũng hỗ trợ tài chính tương tự.
Trong giai đoạn 2008-2010, số tiền Bộ Giáo dục và Đào tạo giảm chi cho ngân sách là trên 17 triệu USD. Như vậy, Đề án 322 giai đoạn 2 chỉ vượt về chỉ tiêu chứ không vượt về kinh phí dự kiến nhờ những nỗ lực tích cực giảm chi cho ngân sách nhà nước thông qua các thỏa thuận hỗ trợ của nước ngoài.
Phóng viên: Vậy tại sao Đề án 322 lại phải dừng triển khai?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Theo Quyết định của Thủ tướng, Đề án 322 được phép tuyển sinh, cử đi đào tạo 2.000 chỉ tiêu và người cuối cùng về nước vào năm 2014. Tháng 12/2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Đề án 322 và có đề xuất xin kéo dài Đề án đến năm 2020. Nhưng hiện nay Chính phủ đã giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai đề án đào tạo 20.000 Tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng trong đó các đối tượng là giảng viên đi đào tạo Tiến sĩ bị trùng lắp với Đề án 322 nên Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo xây dựng Đề án mới, không kéo dài Đề án 322.
Thực hiện chỉ đạo trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang hoàn thiện dự thảo đề án mới tương tự Đề án 322 (trừ đối tượng giảng viên đi học tiến sĩ theo đề án 911), và sẽ lấy ý kiến các cơ quan để trình Chính phủ trong tháng 6 này. Như vậy, việc gửi cán bộ ra nước ngoài đào tạo vẫn được tiếp tục theo các đề án mới, dựa trên kinh nghiệm đã tích lũy được trong quá trình thực hiện Đề án 322.
Phóng viên: Vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ định hướng giải quyết quyền lợi cho những ứng viên đã trúng tuyển mà chưa đi học được của Đề án 322, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Trước mắt nếu ứng viên quan tâm đến các chương trình học bổng khác thì có thể đăng ký chuyển sang đi học để tiết kiệm thời gian. Nếu ứng viên vẫn muốn đi học bằng ngân sách nhà nước, hoặc có nguyện vọng chờ các chương trình học bổng khác ưu việt hơn mới đăng ký chuyển nguyện vọng thì cập nhật thông tin để Cục Đào tạo với nước ngoài biết và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho ứng viên đi học phù hợp với kế hoạch đã lựa chọn.
Các ứng viên trúng tuyển đã được Nhà nước cấp kinh phí học tập để đạt trình độ ngoại ngữ cần thiết để đi học nước ngoài được bảo lưu kết quả trúng tuyển nếu không muốn chuyển nguyện vọng đi học các chương trình học bổng khác. Khi đề án mới được phê duyệt, các đối tượng này sẽ được ưu tiên xét cấp học bổng đi học trước.
Các ứng viên trúng tuyển đi đào tạo Tiến sĩ là giảng viên các trường đại học, cao đẳng thì không bị ảnh hưởng vì tất cả đối tượng này sẽ đi học theo Đề án 911 đã được phê duyệt.
Phóng viên: Thứ trưởng nhận xét thế nào về hiệu quả của Đề án 322, cũng như kinh nghiệm rút ra từ việc tổ chức thực hiện đề án này?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Tại Hội nghị tổng kết Đề án 322 ngày 9/12/2011, đại diện các cơ quan thụ hưởng Đề án 322 đã đánh giá cao hiệu quả của Đề án và chính vì vậy Chính phủ mới đồng ý cho xây dựng một đề án mới để tiếp tục gửi cán bộ, sinh viên đi học tập ở nước ngoài.
Bộ Giáo dục và Đào tạo được Chính phủ giao nhiệm vụ triển khai thực hiện đề án này với tinh thần giảm chi tối đa cho ngân sách nhà nước, đảm bảo gửi cán bộ đến học những cơ sở đào tạo tốt với chi phí thấp nhất.
Trong giai đoạn 1 của Đề án, có những khó khăn nhất định, số lượng cử đi học chưa được nhiều nhưng đến giai đoạn 2, việc tổ chức thực hiện Đề án đã được cải thiện rất nhiều, công tác tuyển sinh công khai, minh bạch, công tác quản lý lưu học sinh tốt hơn và hiệu quả hơn và đặc biệt là tăng số lượng người được cử đi học nước ngoài và vì vậy đã hoàn thành chỉ tiêu của Đề án theo Quy định của Chính phủ. Nhiều lưu học sinh được cử đi học đã có những công trình nghiên cứu xuất sắc và hiện nay đã trở về nước phát huy tốt kết quả học tập của mình.
Hiện nay, việc quản lý quá trình học tập, chi trả học phí, sinh hoạt phí cho gần 5.000 lưu học sinh đang được thực hiện tốt. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng tích cực đổi mới công tác quản lý, ứng dụng tối đa công nghệ thông tin để đảm bảo thông tin minh bạch, kịp thời tạo điều kiện cho lưu học sinh an tâm học tập ở nước ngoài.
Từ Lương thực hiện
Tin, bài liên quan:
• Hướng dẫn xét cấp học bổng thay cho du học theo Đề án 322
• Đảm bảo quyền lợi của sinh viên trúng tuyển theo Đề án 322
• Đề án 322 góp phần quan trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
• Xây dựng đề án cử người đi học nước ngoài đến năm 2020
• Xây dựng kế hoạch đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ