Hỗ trợ lãi suất giúp các doanh nghiệp giảm giá thành sản phẩm hàng hóa, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm |
Chính sách hỗ trợ lãi suất trên được áp dụng theo cơ chế đã quy định tại Quyết định 443/QĐ-TTg ngày 4/4/2009. Thời hạn hỗ trợ lãi suất tối đa là 24 tháng, kể từ khi giải ngân khoản vay trong năm 2010.
Như vậy, sau quyết nghị dừng thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay vốn lưu động ngắn hạn theo đúng thời hạn quy định (31/12/2009), thì đây là quyết định tiếp theo của Chính phủ nhằm hướng tới mục tiêu vừa hỗ trợ phục hồi tăng trưởng, vừa thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giữ ổn định kinh tế vĩ mô.
Cụ thể, các khoản vay được hỗ trợ lãi suất 2%/năm là các khoản vay trung và dài hạn ngân hàng thương mại bằng đồng Việt Nam thuộc các ngành và lĩnh vực kinh tế: nông nghiệp và lâm nghiệp; thủy sản; công nghiệp chế biến; hoạt động khoa học công nghệ; ; hoạt động thu mua và kinh doanh các mặt hàng nông sản, lâm sản, thủy sản, muối.
Cũng nằm trong đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất trên còn gồm các tổ chức tín dụng thực hiện cho vay vốn đối với các tổ chức, cá nhân, cụ thể là: Ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần, công ty tài chính, ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, Quỹ Tín dụng nhân dân trung ương.
So với mức hỗ trợ lãi suất nằm trong các gói "kích cầu" áp dụng trong năm 2009, có thể thấy, Chính phủ đã điều chỉnh giảm mức hỗ trợ lãi xuất xuống bằng một nửa so với trước đây, để bảo đảm phù hợp với thực tế kinh tế-xã hội năm tới (2010).
Trước đó, trong bối cảnh suy thoái kinh tế, từ đầu năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay trung và dài hạn để thực hiện đầu tư mới phát triển sản xuất - kinh doanh với mức hỗ trợ là 4%/năm.
Kết quả sau 1 năm triển khai, cùng với các chính sách linh hoạt khác của Chính phủ được ban hành trong năm khó khăn của nền kinh tế Việt Nam, chính sách hỗ trợ lãi suất trên (4%) đã phát huy tác dụng tích cực giúp Việt Nam không những kiềm chế được khủng hoảng, suy thoái mà còn giữ ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng… khiến nhiều nước trên thế giới khâm phục.
Nếu tính theo con số định lượng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay ngắn hạn theo Quyết định 131/QĐ-TTg ngày 23/1/2009 của Thủ tướng Chính phủ đến cuối tháng 11/2009 đạt khoảng 380.000 tỷ đồng, ước cuối tháng 12/2009 là 400.000 tỷ đồng. Dư nợ hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay trung và dài hạn theo Quyết định 443/QĐ-TTG ngày 4/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ đến cuối tháng 11/2009 khoảng 59.000 tỷ đồng, ước cuối tháng 12/2009 là 70.000 tỷ đồng… Các chính sách này đã thực hiện được mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất-kinh doanh, mở rộng đầu tư, giảm giá thành sản phẩm, tạo việc làm…
Trong bối cảnh kinh tế thế giới năm 2010 vẫn đang biến động phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro, mục tiêu tổng quát mà Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần nhấn mạnh trong suốt quá trình chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội quốc gia là năm 2010 tập trung mọi nỗ lực phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao hơn năm 2009; nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng cường sự ổn định của kinh tế vĩ mô và ngăn chặn lạm phát cao trở lại; bảo đảm an sinh xã hội và cải thiện một bước đời sống nhân dân. Mà để làm được điều đó, theo Thủ tướng cần "tạo sự đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị, trong toàn xã hội, cùng nhau chung sức chung lòng hành động, tất cả vì lợi ích và sự phát triển của đất nước". Có như vậy mới phấn đấu hoàn thành được ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch 5 năm 2006-2010.
Phương Mai
(Nguồn: Quyết định 2072/QĐ-TTg)