Ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bí thư Đảng ủy MTTQ, các đoàn thể Trung ương; bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch,Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy MTTQ, các đoàn thể Trung ương; ông Hoàng Công Thủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy MTTQ, các đoàn thể Trung ương chủ trì Hội nghị.
Chủ trì Hội nghị - Ảnh:VGP/Toàn Thắng
Trình bày Tờ trình xin ý kiến dự thảo định hướng nhiệm vụ trọng tâm công tác Mặt trận năm 2026, Phó Chủ tịch,Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, trong năm 2026, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam định hướng 12 nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó tập trung triển khai một số nội dung như: Tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân; quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Vận hành tổ chức bộ máy Cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính hoạt động đảm bảo hiệu quả; rà soát, sắp xếp lại tổ chức đầu mối bên trong trực thuộc MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng các cấp do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ bảo đảm đồng bộ, thông suốt, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, bám cơ sở.
Tiếp tục rà sắp xếp lại các hội quần chúng thật tinh gọn, giảm số lượng các hội quần chúng và báo chí trực thuộc.
Theo Phó Chủ tịch,Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà, thực hiện chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, hệ thống Mặt trận tiếp tục được rà soát, sắp xếp lại tổ chức đầu mối bên trong trực thuộc MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng các cấp do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.
Đồng thời tiếp tục rà soát, sắp xếp lại các hội quần chúng thật tinh gọn, giảm số lượng các hội quần chúng và báo chí trực thuộc. Chuẩn bị mọi mặt để tổ chức Đại hội các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc nhiệm kỳ 2026 - 2031 của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội sau Đại hội Đảng các cấp. Tham gia công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031.
Đối với một số hoạt động trọng tâm của Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch,Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, nội dung trước tiên là nghiên cứu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách. Trong đó có nội dung xây dựng: Đề án Chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam giai đoạn 2025 - 2029.
Hai là các hoạt động, sự kiện lớn, trong đó một số hoạt động trọng tâm như: Tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2026 - 2031; Đại hội đại biểu toàn quốc của các tổ chức chính trị - xã hội nhiệm kỳ 2026 - 2031; các hội nghị về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031; Các hội nghị của Đoàn Chủ tịch và Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam để cho ý kiến các nội dung công tác Mặt trận; báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; một số nội dung khác theo chương trình toàn khóa, kế hoạch cụ thể.
Toàn cảnh Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ tư khóa X- Ảnh: VGP/Toàn Thắng
Thông tin về các nội dung cơ bản của dự thảo Đề án tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2026-2031, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh, Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp là sự kiện có ý nghĩa chính trị - xã hội quan trọng, được tiến hành ngay sau khi thực hiện chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Đây cũng là dấu mốc đặc biệt khi đã hợp nhất, sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ về trực thuộc MTTQ Việt Nam.
Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2026 - 2031 thực hiện phương châm kế thừa, đổi mới, sáng tạo, đột phá; đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của các cấp ủy đảng, sự phối hợp, tạo điều kiện của chính quyền các cấp; phát huy dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tầng lớp nhân dân, góp phần tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của hệ thống Mặt trận các cấp trong kỷ nguyên mới.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh, báo cáo chính trị cần bảo đảm tính kế thừa và phát triển; quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo, cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, nghị quyết đại hội đảng các cấp.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch,Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trình bày Tờ trình xin ý kiến dự thảo định hướng nhiệm vụ trọng tâm công tác Mặt trận năm 2026 - Ảnh: VGP/Toàn Thắng
Về công tác nhân sự Đại hội, Phó Chủ tịch,Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, trên cơ sở kế thừa số lượng Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam hiện nay và yêu cầu thực tiễn, mở rộng và nâng cao chất lượng công tác Mặt trận trong tình hình mới Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2026-2031, dự kiến có 500 vị Ủy viên; Đoàn Chủ tịch có 100 vị. Ban Thường trực xây dựng Đề án nhân sự Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.
Theo Đề án, Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2026-2031 dự kiến sẽ được tổ chức trong tháng 5/2026. Số lượng đại biểu dự Đại hội nhiệm kỳ 2026 - 2031 bằng số lượng đại biểu dự Đại hội của nhiệm kỳ 2024 - 2029.
Trình bày Tờ trình về việc xin ý kiến vào dự thảo Báo cáo Tổng kết Đề án 01/ĐA-MTTW-BTT về đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền của MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy cho biết, trong 10 năm triển khai Đề án, Mặt trận các cấp đã có nhiều nỗ lực trong việc đổi mới cả về nội dung lẫn phương thức tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân.
Về nội dung, công tác tuyên truyền đã bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời gắn với các vấn đề thiết thực, gần gũi với đời sống nhân dân như: xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm, cải cách hành chính, chuyển đổi số... Hầu hết các địa phương đã kịp thời cập nhật thông tin thời sự, tình hình trong nước và quốc tế, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Đại biểu dự Hội nghị - Ảnh: VGP/Toàn Thắng
Về phương thức, Mặt trận các cấp đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ thông tin, tận dụng hiệu quả các nền tảng số như website, cổng thông tin điện tử, mạng xã hội (Zalo, Facebook, YouTube...) để đa dạng hóa hình thức truyền thông, tạo sự tương tác hai chiều với người dân.
Nhiều mô hình tuyên truyền sáng tạo ở cơ sở đã được triển khai như: "Tổ nhân dân tự quản", "Câu lạc bộ pháp luật", "Diễn đàn lắng nghe dân nói", các buổi đối thoại trực tiếp giữa chính quyền và nhân dân... Qua đó, công tác vận động, tập hợp quần chúng ngày càng linh hoạt, sát thực tiễn, phù hợp với điều kiện đặc thù của từng địa bàn, từng nhóm đối tượng, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
"Những đổi mới này đã góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền, tăng cường sự gắn bó giữa Mặt trận với nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và nâng cao vai trò của Mặt trận trong hệ thống chính trị cơ sở", Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy nhấn mạnh.
Trong 10 năm qua, Ủy ban MTTQ các cấp đã tập trung đẩy mạnh công tác hướng về cơ sở, đặc biệt là tăng cường vai trò của các Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư, coi đây là lực lượng nòng cốt trong việc triển khai các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động lớn như "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", bảo vệ môi trường, phòng chống tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự...
Việc phát huy vai trò của Mặt trận ở cơ sở đã giúp nâng cao tính chủ động, sáng tạo trong tổ chức tuyên truyền, vận động, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Nhờ đó, sự gắn kết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước được củng cố vững chắc, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Mặt trận các cấp đã phát huy vai trò trung tâm trong việc chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình dư luận xã hội cũng như tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân trên địa bàn. Đồng thời, Mặt trận đã tích cực phối hợp với các cơ quan báo chí, các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc, thù địch, góp phần giữ vững ổn định tư tưởng, an ninh trật tự tại cơ sở.
Để công tác thông tin, tuyên truyền ngày càng phát huy hiệu quả, Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy cho rằng, Ủy ban MTTQ các cấp, các tổ chức thành viên cần phải thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp, trong đó triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Tiếp tục nâng cao chất lượng nội dung tuyên truyền với việc xây dựng các thông điệp sâu sắc, thiết thực, gần gũi với đời sống và tâm tư của nhân dân. Đồng thời, cần đầu tư đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tuyên truyền, nâng cao kỹ năng truyền thông và công nghệ số để họ có thể vận dụng hiệu quả các phương tiện truyền thông hiện đại.
Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, phát triển các nền tảng truyền thông số và khai thác tối đa mạng xã hội cũng như các công cụ đa phương tiện; Tiếp tục tăng cường phối hợp thông tin, tuyên truyền giữa Ban Thường trực MTTQ Việt Nam các cấp với các cơ quan thông tin báo chí của địa phương, báo chí của Trung ương đóng trên địa bàn.
Toàn Thắng