In bài viết

Tiếp tục thí điểm thừa phát lại đến hết 2015

(Chinhphu.vn) - Qua Cổng TTĐT Chính phủ, độc giả Nguyễn Văn Hinh (tuphapmeovac@...) và Trần Huy (tranhuylps@...) hỏi: Bộ Tư pháp đã phối hợp với UBND TP. Hồ Chí Minh sơ kết, tổng kết việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại TP. Hồ Chí Minh. Vậy, sắp tới chế định này có tiếp tục được thí điểm và nhân rộng trên toàn quốc không?

24/12/2012 16:29

Về vấn đề này, Bộ Tư pháp có ý kiến như sau:

Thực hiện Nghị quyết số 24/2008/QH12 ngày 14/11/2008 của Quốc hội về việc thi hành Luật Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp đã phối hợp với UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại TP. Hồ Chí Minh và đã tiến hành sơ kết, tổng kết việc thực hiện chế định này.

Kết quả tổng kết đã khẳng định sự cần thiết, vai trò của chế định này trong hoạt động tư pháp và đời sống xã hội, do đó cần tiếp tục thực hiện thí điểm chế định này với quy mô rộng hơn (TP. Hồ Chí Minh đã thành lập 8 Văn phòng Thừa phát lại, bổ nhiệm trên 50 trường hợp làm thừa phát lại, trong đó có 33 trường hợp đang hành nghề tại các Văn phòng Thừa phát lại).

Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp đã giúp Chính phủ xây dựng Báo cáo tổng kết việc thí điểm chế định Thừa phát lại tại TP. Hồ Chí Minh và xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội cho tiếp tục thực hiện thí điểm chế định này.

Ngày 23/11/2012 vừa qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, theo Nghị quyết, Quốc hội giao Chính phủ tiếp tục tổ chức thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đến hết ngày 31/12/2015.

Trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, Bộ Tư pháp sẽ tham mưu cho Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết trên với lộ trình phù hợp và sửa đổi, bổ sung Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2012 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại TP. Hồ Chí Minh.

Thừa phát lại là người được Nhà nước bổ nhiệm để làm các công việc về thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và các công việc khác theo quy định của Nghị định và pháp luật có liên quan.

Theo quy định tại Nghị định 61/2009/NĐ-CP, thì Thừa phát lại hiện nay có các quyền:

- Thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của tòa án hoặc cơ quan thi hành án dân sự;

- Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức;

- Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự;

- Trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự (trừ các bản án, quyết định lthuộc diện Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án).

Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng cảm ơn Bộ Tư pháp đã có thông tin phản hồi ý kiến công dân.

Phòng Thông tin phản ánh của tổ chức, công dân