Ảnh minh họa. |
Nắng nóng và xâm nhập mặn gây thiệt hại hơn 28.000 ha lúa, màu, thủy sản và cây ăn trái với tổng thiệt hại ước tính hơn 640 tỷ đồng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Theo số liệu của UBND tỉnh Sóc Trăng, dự toán kinh phí hỗ trợ do thiên tai đã lên tới trên 40 tỷ đồng.
Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương thống kê diện tích sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do hạn, mặn theo các quy định hiện hành. Đồng thời, trên cơ sở báo cáo tổng hợp của các địa phương và các ngành, tỉnh xem xét quyết định bổ sung có mục tiêu về ngân sách các huyện và thành phố để hỗ trợ thiệt hại đợt một với tổng số tiền là hơn 24,6 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh.
Tính đến thời điểm này, các địa phương đã cơ bản hoàn thành thủ tục hỗ trợ cho bà con theo mức quy định. Nhiều hộ nông dân bị thiệt hại nặng do hạn, mặn được Nhà nước hỗ trợ một phần để tái đầu tư sản xuất, ổn định cuộc sống nên đã rất phấn khởi.
Ngoài nguồn ngân sách hỗ trợ từ tỉnh cấp, các hộ nông dân ở nhiều địa phương còn được các ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ và tiếp tục đầu tư cho vay để bà con có vốn sản xuất.
Cà Mau đầu tư hơn 10 tỷ đồng cho chương trình nước sạch
Trong mùa khô hạn năm nay, tỉnh Cà Mau đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng cho chương trình nước sạch nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân.
Theo đó, tỉnh đã đầu tư nâng cấp hệ thống cấp nước trung tâm TP. Cà Mau; các nhà máy cấp nước trung tâm huyện, xã, khu dân cư nông thôn; khoan trên 200 giếng nước, cấp gần 2.000 thùng chứa nước cho những hộ nghèo, gia đình chính sách; vận chuyển nước sạch cung cấp cho người dân vùng sâu, vùng xa.
Với việc triển khai đồng bộ như trên, nên tại trung tâm của thành phố, huyện, xã không xảy ra tình trạng thiếu nước.
Tuy nhiên, do hạn hán kéo dài gay gắt, nên tỉnh Cà Mau vẫn còn gần 8.000 hộ dân thiếu nước sạch sinh hoạt và tiêu dùng nghiêm trọng, đặc biệt là ở vùng nuôi trồng thủy sản thuộc các huyện Đầm Dơi, Cái Nước, Phú Tân, Năm Căn và Ngọc Hiển.
Theo dự báo, hạn hán sẽ kéo dài tới đầu tháng 6, nên tình trạng thiếu nước phải hơn nửa tháng nữa mới có thể khắc phục được.
Vì thế, Cà Mau vẫn tiếp tục thực hiện chương trình đưa nước sạch về vùng thiếu nước, trong đó, sẽ cung cấp thêm khoảng 1.000 thùng chứa nước; các đội tình nguyện vẫn chở nước sạch về cho người dân nông thôn với tinh thần không để hộ dân nào không có nước sạch sinh hoạt và tiêu dùng.
Cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người dân không nên dùng nước để tưới tiêu hoa màu, cây ăn trái, phải tiết kiệm nước dành cho sinh hoạt.
Di chuyển gia súc về vùng đồng bằng để có thức ăn, nước uống. Ảnh: TTXVN. |
Ninh Thuận di chuyển đàn gia súc để “trốn hạn”
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận, do thiếu thức ăn, nước uống, từ đầu năm đến nay ở Ninh Thuận có 2.167 gia súc bị chết, ước thiệt hại 4,9 tỷ đồng.
Không chỉ bị thiệt hại do hạn hán, người chăn nuôi còn đang đối mặt với khó khăn kép khi giá gia súc ngày càng tuột dốc. Hiện cừu hơi loại 13-17 kg chỉ có giá 50.000-55.000 đồng/kg, nhưng các thương lái không mấy mặn mà.
Trước thực tế này, nhiều giải pháp đã và đang được ngành nông nghiệp tỉnh triển khai. Cụ thể là các địa phương đã khuyến khích người chăn nuôi di chuyển trên 18.000 con gia súc đến khu vực thuận lợi về thức ăn, nước uống như vùng đồng bằng, các hồ chứa có nước... Đồng thời, hỗ trợ người nuôi phòng trừ dịch bệnh cho gia súc, không để xảy ra thiệt hại lớn.
Vừa qua một số địa phương chủ động nước tưới đã thu hoạch vụ Đông Xuân, đây là điều kiện thuận lợi để người nuôi di chuyển gia súc, có thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp.
Ninh Thuận là thủ phủ về chăn nuôi với tổng đàn gia súc khoảng 254.000 con, trong đó, nhiều nhất là cừu với 92.000 con, bò hơn 89.000 con, còn lại là gia súc khác.
Anh Kiên (tổng hợp)