In bài viết

Tiếp tục thực hiện tốt hơn các mục tiêu phát triển bền vững

(Chinhphu.vn) - Chiều nay, 25/9, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững.

25/09/2024 18:05
Tiếp tục thực hiện tốt hơn các mục tiêu phát triển bền vững- Ảnh 1.

Theo Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Việt Nam có nhiều điểm sáng về thực hiện SDGs - Ảnh: VGP/Đức Tuân

Mở đầu, lãnh đạo VPCP công bố Quyết định của Thủ tướng thành lập Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững do Phó Thủ tướng Lê Thành Long làm Chủ tịch, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Phó Chủ tịch với 30 ủy viên. Các đại biểu cũng nghe công bố Quyết định về quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng.

Nhiều điểm sáng về thực hiện SDGs

Tại cuộc họp, các ủy viên Hội đồng đã đánh giá khái quát bối cảnh hiện nay đối với việc hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững trên toàn cầu, như Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đã cảnh báo và kêu gọi chính phủ các nước tăng cường hành động khi mà lộ trình hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) có khả năng khó thực hiện.

Các ủy viên cũng thảo luận về những cơ hội và hành động của Việt Nam đồng hành với cộng đồng quốc tế nhằm ứng phó trước những thách thức toàn cầu; hưởng ứng và chủ động triển khai các cam kết chung tại Hiệp ước tương lai vừa được Đại hội đồng LHQ thông qua; tình hình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững tại các bộ, ngành và dự kiến chương trình hoạt động của Hội đồng năm 2025.

Tiếp tục thực hiện tốt hơn các mục tiêu phát triển bền vững- Ảnh 2.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, báo cáo mới nhất của Ủy ban Kinh tế-xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhận định tiến độ thực hiện các SDGs là không đồng đều và không tương xứng với yêu cầu đặt ra tại khu vực - Ảnh: VGP/Đức Tuân

Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư – cơ quan thường trực của Hội đồng, báo cáo mới nhất của Ủy ban Kinh tế-xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhận định tiến độ thực hiện các SDGs là không đồng đều và không tương xứng với yêu cầu đặt ra tại khu vực. Theo báo cáo mới đây của Liên Hợp Quốc, với tiến độ hiện nay, dự kiến chỉ có 17% SDGs được hoàn thành đúng hạn vào năm 2030, 48% SDGs bị chậm tiến độ, 18% SDGs không có tiến bộ và 17% SDGs bị thụt lùi so với mốc năm 2025.

Mặc dù ODA đạt mức cao trong năm 2023, song FDI cho các nước đang phát triến giảm 7%; thiếu hụt tài chính cho phát triển bền vững vào khoảng 4.000 tỷ USD.

Với Việt Nam, chúng ta được Liên Hợp Quốc và các quốc gia, tổ chức quốc tế đánh giá cao về nỗ lực thực hiện các SDGs, Thứ trưởng Ngọc cho biết. Trên phương diện so sánh quốc tế, theo xếp hạng toàn cầu về chỉ số SDGs công bố năm 2024, Việt Nam đạt điểm số 73,32 và xếp thứ 54/166 quốc gia được xếp hạng. Điểm số và vị trí của Việt Nam có sự cải thiện so với xếp hạng được công bố năm 2023. Trong khu vực Đông và Nam Á, Việt Nam chỉ xếp sau Thái Lan, cho thấy quốc tế đánh giá rất tích cực về thành tựu của Việt Nam trong thực hiện SDGs.

Tiếp tục thực hiện tốt hơn các mục tiêu phát triển bền vững- Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cho biết, Bộ NN&PTNT đã triển khai 4 quy hoạch ngành quốc gia, cả 4 quy hoạch này đều có lồng ghép các SDGs - Ảnh: VGP/Đức Tuân

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cho biết, Bộ NN&PTNT đã triển khai 4 quy hoạch ngành quốc gia: Quy hoạch lâm nghiệp; Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản; Quy hoạch phòng chống thiên tai và thủy lợi. Cả 4 quy hoạch này đều có lồng ghép các SDGs.

Các ý kiến bộ, ngành cũng cho thấy nỗ lực trong việc ban hành cơ chế chính sách để thực hiện SDGs. Về cơ bản, các chính sách trên ngành, lĩnh vực đã tích hợp toàn diện SDGs, lồng ghép tốt hơn các nhóm yếu thế như người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em, phụ nữ để bảo đảm tinh thần "không ai bị bỏ lại phía sau" và đồng thời hướng tới các mục tiêu, cam kết toàn cầu về bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, việc thực hiện các SDGs còn gặp những khó khăn, thách thức như chính sách xã hội còn chưa bao phủ hết các nhóm đối tượng và triển khai chưa đồng bộ; xu hướng đô thị hóa và di cư của người dân tạo sức ép lớn về hạ tầng, môi trường và an sinh xã hội; già hóa dân số tốc độ nhanh tạo áp lực lớn lên hệ thống an sinh xã hội. Thực trạng tăng trưởng kinh tế vẫn phải đối mặt với các thách thức như năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn chưa cao. Biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt diễn biến phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh kế của người dân…

Tiếp tục thực hiện tốt hơn các mục tiêu phát triển bền vững- Ảnh 4.
Tiếp tục thực hiện tốt hơn các mục tiêu phát triển bền vững- Ảnh 5.
Tiếp tục thực hiện tốt hơn các mục tiêu phát triển bền vững- Ảnh 6.

Các ủy viên thảo luận về những cơ hội và hành động của Việt Nam đồng hành với cộng đồng quốc tế nhằm ứng phó trước những thách thức toàn cầu - Ảnh: VGP/Đức Tuân

Tiếp tục thực hiện tốt hơn các kế hoạch, chương trình về phát triển bền vững

Kết luận phiên họp, đánh giá cao các ý kiến góp ý, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh, Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc các SDGs trong bối cảnh kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Chúng ta cơ bản ban hành đầy đủ các văn bản để tổ chức thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Việt Nam có nhiều điểm sáng về thực hiện SDGs, Phó Thủ tướng nêu cụ thể các tiến bộ đáng kể được ghi nhận đối với mục tiêu SDG1 về chấm dứt nghèo, SDG 6 về nước sạch và vệ sinh, SDG 9 về công nghiệp, sáng tạo và hạ tầng, SDG 10 về giảm bất bình đẳng trong xã hội, SDG 16 về hòa bình, công lý và thể chế vững mạnh và SDG 17 về quan hệ đối tác toàn cầu về SDGs. Xếp hạng toàn cầu về chỉ số SDGs của Việt Nam công bố năm 2024 có cải thiện so với năm 2023.

Khẳng định Việt Nam đã hết sức cố gắng trong thực hiện SDGs, Phó Thủ tướng biểu dương Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong ban hành, thực hiện các kế hoạch, chương trình hành động của mình để đóng góp chung vào kết quả thực hiện SDGs của cả nước.

Tiếp tục thực hiện tốt hơn các mục tiêu phát triển bền vững- Ảnh 7.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long khẳng định Việt Nam đã hết sức cố gắng trong thực hiện SDGs - Ảnh: VGP/Đức Tuân

Đánh giá bối cảnh toàn cầu và trong nước, Phó Thủ tướng cho rằng, còn nhiều thách thức đối với tiến độ, chất lượng thực hiện các SDGs, với nguy cơ nhiều SDGs của Liên Hợp Quốc là không đạt được. Diễn biến tình hình thế giới và khu vực khó lường. Những thách thức này đã được Liên Hợp Quốc nêu ra tại phiên họp cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vừa qua mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tham dự, có bài phát biểu quan trọng.

Vì thế, Liên Hợp Quốc đã tổ chức nhiều hội nghị, đề ra nhiều giải pháp, trong đó, đã thông qua "Hiệp ước cho tương lai" trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 79 tại New York, Hoa Kỳ ngày 22/9 vừa qua. Hiệp ước này đã nêu rõ thêm các hành động mà các quốc gia cần thực hiện để hoàn thành SDGs. Đây là thỏa thuận hết sức quan trọng với kỳ vọng tạo bước chuyển mới về thực hiện SDGs.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc, tốt hơn nữa các chương trình, kế hoạch mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành. Từ khía cạnh ngành, lĩnh vực do mình quản lý, các bộ, ngành tham mưu cho Hội đồng trong tổ chức thực hiện chủ trương, chiến lược, cơ chế chính sách về SDGs.

Phó Thủ tướng lưu ý Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như các bộ, ngành trong tham mưu, đề xuất thì bao quát rộng hơn, toàn diện hơn các lĩnh vực thuộc các chức năng, nhiệm vụ mà Hội đồng được giao, bao gồm cả các vấn đề vĩ mô liên ngành.

Phó Thủ tướng nhất trí năm 2025, sẽ tổ chức đánh giá giữa kỳ thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 của Việt Nam vì sự phát triển bền vững, trong đó sẽ cập nhật tình hình mới trong bối cảnh Liên Hợp Quốc thông qua "Hiệp ước cho tương lai"; đồng thời tham mưu Thủ tướng về việc tổ chức Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững vào năm 2025.

Đức Tuân