Năm 2022, diện tích nuôi biển đạt 256.500ha, sản lượng đạt gần 750.000 tấn, trong đó tôm hùm đạt xấp xỉ 3.000 tấn. Năm 2023, sản lượng có thể đạt gần 800.000 tấn, tôm hùm ước đạt 4.000 tấn.
Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN&PTNT đã ban hành nhiều chính sách, chương trình để thúc đẩy nuôi biển phát triển. Nhờ vậy, một số bộ phận hỗ trợ ngành công nghiệp nuôi biển đã bước đầu được hình thành ở Việt Nam như: hạ tầng vùng sản xuất giống, vùng nuôi tập trung; công nghiệp phụ trợ (thức ăn, thiết bị nuôi); công nghiệp chế biến, phát triển thị trường tiêu thụ…
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhìn nhận, Việt Nam có tiềm năng to lớn để phát triển nuôi biển nói chung và nuôi biển công nghiệp nói riêng. Điều kiện tự nhiên và môi trường khá thuận lợi cho phát triển nuôi biển công nghiệp, quy mô hàng hóa lớn; đối tượng nuôi phong phú như: các loài cá biển có giá trị cao, tôm hùm, nhuyễn thể, rong biển,…
Tại hội nghị, ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, nghề nuôi trồng thủy sản, trong đó có nuôi biển đóng vai trò quan trọng đối với lĩnh vực thủy sản của Việt Nam cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội tại Khánh Hòa.
Khánh Hòa có trên 97.000 lồng nuôi trồng thủy sản với sản lượng thủy sản nuôi hàng năm của tỉnh đạt khoảng 18.000 tấn, tạo việc làm cho trên 4.000 lao động nông thôn, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân ven biển, góp phần nâng cao tỷ trọng giá trị sản xuất ngành thủy sản.
Các đối tượng nuôi chính trên biển tại địa phương là cá chẽm, cá bớp, cá chim vây vàng, tôm hùm… trong đó tôm hùm là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao được khách du lịch và các thị trường nhập khẩu nước ngoài ưa thích.
Lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, hoạt động nuôi biển của Khánh Hòa nói riêng và Việt Nam nói chung hiện nay chủ yếu là nuôi gần bờ; nuôi với quy mô nhỏ lẻ, vật liệu lồng bè nuôi bằng gỗ truyền thống độ bền thấp, không ổn định, sử dụng thức ăn tươi… đang gây ô nhiễm môi trường và chồng chéo với việc sử dụng diện tích mặt nước với các ngành kinh tế khác dẫn tới hiệu quả không cao.
Ông Trần Hòa Nam nhấn mạnh cần tăng cường phối hợp liên ngành để tìm ra các giải pháp quản lý, kiểm soát con giống tôm hùm cũng như con giống nuôi biển nhập khẩu, truy xuất được nguồn gốc các sản phẩm nuôi biển nói chung.
Đối với tôm hùm, cần tháo gỡ khó khăn để đáp ứng được các yêu cầu của thị trường, có những định hướng nhằm phát triển nghề nuôi tôm hùm theo phương thức nuôi công nghiệp, hiện đại, quy mô lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cho rằng, cần phát triển đa mục đích trên cùng một diện tích mặt nước, bên cạnh đó tăng cường xử lý, xử phạt các vi phạm về khai thác, sử dụng mặt nước và xây dựng các mô hình hợp tác hiệu quả hơn.
Để có thể hướng tới xây dựng các cụm công nghiệp nuôi trồng trên biển, ông Lê Bền, Phó Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam cho rằng ách tắc của lĩnh vực nuôi biển đang nằm ở vấn đề giao diện tích mặt nước.
Với các yêu cầu ngày càng cao của các thị trường nhập khẩu, trong đó có bảng kê khai carbon yêu cầu các doanh nghiệp phải hoạt động một cách có trách nhiệm hơn trong bảo vệ môi trường, vấn đề đặt ra là phải cân đối giữa sinh kế và bảo vệ môi trường.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chia sẻ, Việt Nam có tiềm năng, lợi thế rất lớn để phát triển nuôi biển. Tuy nhiên, nếu không kịp thời tháo gỡ những khó khăn, thách thức (đã nhận diện được) thì những tiềm năng, lợi thế đó sẽ không thể phát huy hết được.
Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các đơn vị có liên quan tiếp tục ưu tiên đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nuôi biển. Các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng được quy hoạch, quy định giao mặt nước biển, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân an tâm đầu tư phát triển. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, tập trung vào việc nâng cao năng lực, chất lượng con giống, quy trình nuôi, chế độ dinh dưỡng, phòng chống dịch bệnh…
Bên cạnh đó, đầu tư phát triển công nghệ, năng lực chế biến để đa dạng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối thị trường, nhất là với thị trường lớn, khó tính như Trung Quốc. Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông bằng nhiều hình thức để người dân nhận thức đầy đủ, thực hiện theo các quy hoạch quốc gia, ngành, tỉnh. Đẩy mạnh số hóa việc cấp mã số vùng nuôi, giải quyết tốt thủ tục cấp phép, giám sát hoạt động…
Đỗ Hương