In bài viết

Tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát

Các đại biểu cho rằng từ Trung ương đến các địa phương cần phải tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ nhưng linh hoạt trong điều hành để vừa góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô vừa thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.

10/10/2011 23:45

Bên cạnh đó, cần điều hành tỷ giá linh hoạt theo đúng cung cầu của thị trường để khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập siêu; đồng thời chống tình trạng đầu cơ thị trường ngoại tệ trong hệ thống các tổ chức tín dụng cũng như trên thị trường tự do.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù nền kinh tế Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn và chịu tác động trực tiếp về biến động bất lợi của nền kinh tế thế giới, nhất là giá dầu, 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,5%; tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 16,5%; tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp đạt 4,5%; kim ngạch xuất khẩu đạt 29,7 tỷ USD; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới và tăng thêm đạt 31,6 tỷ USD.

6 tháng đầu năm, sản xuất nông nghiệp vượt qua nhiều khó khăn, đạt được kết quả tốt, nhất là được mùa lúa vụ đông-xuân, với sản lượng thóc đạt trên 18 triệu tấn, tăng 1 triệu tấn so với vụ trước.

Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt cao, trong đó có 8 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD; bước đầu thu hẹp nhập siêu. Chỉ số lạm phát đã có xu hướng giảm, với chỉ số giá tháng 6 chỉ tăng 2,14% - mức thấp nhất trong 6 tháng qua.

Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm, kinh tế-xã hội Việt Nam gặp phải nhiều khó khăn, hạn chế: Tăng trưởng kinh tế tăng chậm lại, quý II, tốc độ tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,85%. Tỷ lệ nhập siêu vẫn ở mức cao, gần 14,8 tỷ USD, bằng 49,8% kim ngạch xuất khẩu trong khi thị trường tiền tệ còn diễn biến phức tạp, thị trường chứng khoán chưa ổn định, giá cả tiếp tục tăng cao./.(TTXVN)