In bài viết

Tiết kiệm chi thường xuyên sẽ có tiền làm sân bay Long Thành

(Chinhphu.vn) - Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh đề xuất giải pháp đẩy mạnh tinh giản biên chế, tiết kiệm chi để giải phóng mặt bằng dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành.

08/06/2017 18:25
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính phát biểu tại Quốc hội về dự án Cảng HKQT Long Thành
Chiều nay tại hội trường Quốc hội, ông Phạm Minh Chính vừa đề nghị tới Quốc hội rằng, các địa phương chỉ cần thực hiện tốt Nghị quyết số 39/NQ-TW năm 2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, cơ cấu lại cán bộ, công chức, viên chức, cắt giảm thêm 1% chi thường xuyên (tương ứng với trên 10.000 tỷ đồng),… thì có đủ chi phí giải phóng mặt bằng cho dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành ở tỉnh Đồng Nai.

Việc tách nội dung giải phóng mặt bằng của dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành thành dự án thành phần sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ dự án. Trong phiên thảo luận tổ về đề tài này cách đây một tuần, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng tình với đề xuất của Chính phủ.

Tuy nhiên, để thực hiện công việc này, Chính phủ cho biết cần 23.000 tỷ đồng, nhưng sau cân đối thì ngân sách Nhà nước chỉ đáp ứng được 5.000 tỷ đồng. Còn 18.000 tỷ đồng nữa đang là bài toán khó.

Để có tiền thực hiện dự án, ông Phạm Minh Chính cho rằng chỉ cần các địa phương thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết số 39, thì sau 2 năm Chính phủ có đủ tiền để hoàn thành giải phóng mặt bằng cho dự án này.

Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành có tổng mức đầu tư là 336.630 tỷ đồng (tương đương hơn 16 tỷ USD). Trong đó, phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho toàn bộ dự án với diện tích hơn 5.600 ha có dự toán khoảng 23.000 tỷ đồng (đã bao gồm cả chi phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hai khu tái định cư và khu nghĩa trang là 5.080 tỷ đồng, chi phí dự phòng là gần 2.100 tỷ đồng).

Vẫn theo ông Phạm Minh Chính, sau 2 năm triển khai nghị quyết của Bộ Chính trị, biên chế của ta không giảm mà còn tăng. Chi tiêu thường xuyên tăng lên con số tương đối là 62,3% năm 2015 và 65,7% năm 2016. Dự kiến năm 2017 là 64,9%, tăng con số tuyệt đối năm 2016 so với 2015 là trên 50.000 tỷ đồng, năm 2017 tăng so với 2015 là 114.000 tỷ đồng.

"Chúng ta cứ loay hoay, nhưng tất cả chúng ta cùng giảm biên chế, giảm đầu mối theo tinh thần Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị thì giải quyết được việc này", Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh.

Ý kiến của ông Phạm Minh Chính về tinh giản biên chế, tiết kiệm chi để giải phóng mặt bằng dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành không phải là không có căn cứ.

Mới đây tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập với TP. Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, ngoài việc cắt giảm 10% chi thường xuyên hằng năm để dự phòng thì Hà Nội còn cắt giảm tiếp được hơn 4% chi thường xuyên trong một năm.

Cụ thể năm 2015 chi thường xuyên của Hà Nội chiếm 58% tổng chi ngân sách của Thành phố, thì tới hết năm 2016 con số này chỉ còn hơn 53%. Điều đáng chú ý, Hà Nội mới chỉ tập trung vào cắt giảm chi thường xuyên, chứ chưa “động chạm” nhiều tới tinh giản biên chế (mà chỉ thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị sự nghiệp công lập để giảm đầu mối cấp trưởng, cấp phó). Trong năm 2016, Hà Nội đã giảm gần 350 chức danh lãnh đạo và 406 nhân viên đơn vị sự nghiệp công cấp quận, huyện.

Từ bài học và cách làm của Hà Nội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ mới đây cũng đã yêu cầu các bộ, ngành có nhiều đơn vị sự nghiệp công lập nghiên cứu thực hiện cắt giảm chi tiêu thường xuyên, xây dựng kế hoạch chi tiêu hợp lý, chặt chẽ để trước mắt giảm bớt gánh nặng chi trả của ngân sách Nhà nước.

Tất nhiên, không phải địa phương nào cũng có đủ điều kiện thuận lợi để tiếp tục cắt giảm chi thường xuyên như Hà Nội, khi mà khoảng 90% chi thường xuyên hiện nay là dành cho chi trả lương.

Nhưng với các cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý hiện hành cho đổi mới hoạt động tài chính, cơ chế quản lý của các đơn vị sự nghiệp công lập mà không được các địa phương, bộ, ngành chủ động thực hiện, thì lại càng khó cho việc kéo giảm tỷ lệ chi thường xuyên trong tổng chi của ngân sách Nhà nước. Mà như vậy, ngân sách Nhà nước vẫn còn khó khăn trong bố trí thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia, có ảnh hưởng lan tỏa như Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành.

Thành Chung