![]() |
Chùm MALD-J gắn trên vấu treo cánh máy bay |
Một "kẻ" trá hình
Bốn tên lửa mồi bẫy đã được phóng ra từ máy bay, do nhà máy của Raytheon Corporation ở Tucson thử nghiệm.
Cấu tạo mồi bẫy này là một thiết bị phát sóng đa tần số (dải tần rất rộng). Nó “cố tình” lộ sóng để radar và các phương tiện trinh sát điện tử dưới mặt đất của đối phương “bắt” được. Thân của nó bằng kim loại, cũng giả vờ “hớ hênh” bộc lộ diện tích phản xạ hiệu dụng, để radar đối phương “say sưa” bám bắt và thu hút các trận địa tên lửa bắn lên.
Khi tên lửa bắn lên, “cú lừa” thành công. Đội hình bay chính an toàn, kịp thời cơ lao vào mục tiêu đánh phá, khiến đối phương không kịp trở tay.
Mục đích cùng thời điểm của “cú lừa” là: Đối phương bộc lộ trận địa, bộc lộ lực lượng để máy bay chiến đấu mang tên lửa bức xạ cao tốc vào bắn phá.
MALD-J có thể mô phỏng, tín hiệu bất kỳ máy bay nào, từ máy bay ném bom chiến lược B-52 Stratofortress, đến F-117 Nighthawk, hay loại máy bay tấn công F/A-18E/F Super Hornet. Giá của nó khoảng 120.000 USD/quả. Trong khi giá một máy bay hiện đại có thể vài trăm triệu USD.
Cấu tạo tinh vi
Nguyên lý hoạt động của tên lửa mồi bẫy MALD-J: Khi ở vấu treo trên máy bay, cánh của nó được gấp gọn. Nó có một động cơ phản lực TJ-50 turbojet tạo lực đẩy. Khi phóng ra, nó bật cánh để bay ra xa hoặc phía trước “máy bay chủ” theo một đường bay xác định.
Mỗi trái nặng khoảng 136kg, hành trình bay của nó gần 900km. Tốc độ của tên lửa mồi bẫy có thể đạt xấp xỉ 1000km/h.
Dẫn nó bay là một hệ điều hướng quán tính được hỗ trợ GPS giữ MALD-J bay theo đúng đường bay “mồi bẫy”.
Đường bay của MALD-J có thể được sửa đổi theo “kịch bản” tấn công đường không, phụ thuộc vào ý đồ của chỉ huy chiến dịch trước giờ G. Mỗi MALD-J có thể lập trình theo 100 điểm tham chiếu khác nhau.
Trần bay của MALD-J có thể tới 12.000m, thời gian hoạt động của loại MALD-J Raytheon ADM-160B đạt 45 phút trên không.
Trần Danh (theo VPK, Raytheon Corporation)