Theo dự thảo, nội dung đánh giá chất lượng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước lĩnh vực bồi dưỡng CBCCVC được thực hiện ở 6 nội dung: (1) chất lượng chương trình, (2) chất lượng giảng viên, (3) chất lượng cơ sở vật chất, (4) chất lượng học viên, (5) chất lượng khóa bồi dưỡng, (6) hiệu quả sau bồi dưỡng.
Tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước lĩnh vực bồi dưỡng CBCCVC gồm 6 nhóm tiêu chí: 1- Nhóm tiêu chí đánh giá chất lượng chương trình bồi dưỡng (20 điểm); 2- Nhóm tiêu chí đánh giá chất lượng học viên tham gia khóa bồi dưỡng (12 điểm); 3- Nhóm tiêu chí đánh giá chất lượng đội ngũ giảng viên tham gia khóa bồi dưỡng (20 điểm); 4- Nhóm tiêu chí đánh giá chất lượng cơ sở vật chất phục vụ khóa bồi dưỡng (14 điểm); 5- Nhóm tiêu chí đánh giá chất lượng khóa bồi dưỡng CBCCVC (20 điểm); 6- Nhóm tiêu chí đánh giá hiệu quả sau bồi dưỡng CBCCVC (14 điểm).
Theo dự thảo Thông tư, việc đánh giá chất lượng dịch vụ được thực hiện trên cơ sở các tiêu chí đánh giá nêu tại Thông tư này sử dụng phương pháp chấm theo thang điểm 100.
Chất lượng dịch vụ được đánh giá theo 4 mức: Tốt: Tổng điểm đạt từ 80 điểm trở lên; Khá: Tổng điểm đạt từ 70 điểm đến dưới 80 điểm; Đạt: Tổng điểm đạt từ 50 điểm đến dưới 70 điểm; Không đạt: Tổng điểm dưới 50 điểm.
Dự thảo nêu rõ quy định nghiệm thu khối lượng, chất lượng, thanh toán giá dịch vụ. Khi chất lượng dịch vụ được đánh giá đạt từ 80 điểm trở lên, sẽ được nghiệm thu, thanh toán 100% kinh phí.
Trường hợp vì nguyên nhân bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh... hoặc do nhà nước thay đổi cơ chế, chính sách dẫn tới khối lượng, số lượng cung ứng dịch vụ sự nghiệp công được giao đầu năm chỉ đạt 70% trở lên thì được điều chỉnh số lượng, khối lượng dịch vụ công theo mức tương ứng hoặc xem xét nghiệm thu khối lượng, số lượng công việc đã hoàn thành để thanh, quyết toán.
Các cơ quan, đơn vị, tổ chức lập quyết toán kinh phí giao nhiệm vụ, đặt hàng cung cấp sản phẩm, dịch vụ công theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định hiện hành về tạm ứng, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước.
Theo dự thảo, việc kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng dịch vụ được thực hiện theo các tiêu chí, tiêu chuẩn quy định và yêu cầu của cơ quan đặt hàng.
Việc đánh giá được thực hiện cuối mỗi năm hoặc đột xuất theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực dịch vụ công. Khi phát hiện sai sót trong quá trình cung ứng các dịch vụ, cơ quan quản lý nhà nước đề nghị đơn vị cung ứng dịch vụ khắc phục, xử lý các sai sót, các vấn đề phát sinh nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ.
Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo này trên Cổng TTĐT của Bộ.
Minh Đức