Ông Anh hỏi, các giáo viên của Trung tâm phải thực hiện chế độ làm việc như thế nào mới đúng và đủ theo hướng dẫn của Thông tư 09/2008/TT-BLĐTBXH ngày 27/6/2008 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội?
Về vấn đề này, ông Tạ Đức Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo viên và Cán bộ quản lý dạy nghề - Tổng Cục dạy nghề (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) trả lời ông Nguyễn Duy Anh như sau:
Tại khoản 2, phần III của Thông tư 09/2008/TT-BLĐTBXH quy định: Thời gian làm việc của giáo viên dạy sơ cấp nghề là 46 tuần/năm học, trong đó:
- Giảng dạy và giáo dục học sinh: 42 tuần;
- Học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ: 4 tuần.
Trường hợp giáo viên sử dụng không hết thời gian để học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ nêu trên thì Giám đốc bố trí thời gian còn lại chuyển sang làm công tác giảng dạy.
Tại điểm a, khoản 3, phần III của Thông tư 09/2008/TT-BLĐTBXH quy định: Tiêu chuẩn giờ giảng của giáo viên dạy sơ cấp nghề là 14 giờ chuẩn/tuần.
Do đó, nếu tổng số giờ giảng dạy và giáo dục học sinh của giáo viên dạy sơ cấp nghề tối đa là 46 tuần/năm học, tiêu chuẩn giờ giảng của giáo viên theo tuần là 14 giờ chuẩn/tuần thì số giờ chuẩn tối đa trong 01 năm học của giáo viên dạy sơ cấp nghề sẽ là 644 giờ.
Ngoài ra, tại khoản 4, phần III của Thông tư 09/2008/TT-BLĐTBXH cũng quy định: Số giờ dạy thêm không vượt quá 1/2 tiêu chuẩn giờ giảng đối với giáo viên chuyên nghiệp, 1/3 tiêu chuẩn giờ giảng đối với giáo viên kiêm chức nhưng không quá 200 giờ trong một năm học. Vì vậy, số giờ giảng dạy tối đa trong năm học của giáo viên dạy sơ cấp nghề là 844 giờ chuẩn.
Việc bố trí thời gian giảng dạy, đứng lớp và thực hiện các công tác chuyên môn khác tại Trung tâm Dạy nghề Tân Phú, Đồng Nai là chưa phù hợp với các quy định về chế độ làm việc của giáo viên dạy nghề được quy định tại Thông tư số 09/2008/TT-BLĐTBXH nêu trên.
Chinhphu.vn