In bài viết

Tiêu hủy triệt để gia cầm trong vùng nhiễm dịch, không để phát tán ra vùng khác

Ngày 14-11, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu Đoàn công tác Chính phủ về kiểm tra tình hình phòng, chống dịch cúm gia cầm tại tỉnh Bình Dương.

15/11/2005 06:45

Từ năm 2004 đến nay, Bình Dương đã có hai đợt cúm gia cầm, với số gia cầm phải tiêu hủy hơn 2,4 triệu con, cho thấy nguy cơ tái phát dịch cúm gia cầm rất cao. Đến nay, tỉnh đã ra quân tổng vệ sinh các trang trại chăn nuôi, tiêm phòng cho 2,8 triệu lượt gia cầm, đạt 95% kế hoạch.

Sau khi làm việc với lãnh đạo tỉnh và đi kiểm tra một trại chăn nuôi gà quy mô 36 nghìn con ở xã Phú An, huyện Bến Cát, Phó Thủ tướng chỉ đạo tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm cho mọi người dân hiểu rõ tác hại của dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người, chú ý kiểm soát việc tiêm phòng, kiểm tra việc tiêu độc khử trùng, theo dõi chặt chẽ các xã và kịp thời khoanh vùng khi có dịch xảy ra. Về lâu dài, tỉnh cần có giải pháp tạo điều kiện cho người chăn nuôi chuyển hướng làm ăn hoặc xây dựng các khu giết mổ tập trung.

* Chiều 14-11, tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch cúm gia cầm, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nhận định, dịch cúm gia cầm đã bùng phát tại 10 tỉnh, thành phố, xu hướng còn lan rộng. Nguyên nhân, các địa phương chưa thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch; việc giám sát, phát hiện dịch còn chậm, xử lý chưa triệt để, mầm bệnh còn tồn tại trong môi trường, trong đàn thủy cầm và chim di trú; điều kiện khí hậu thay đổi thuận lợi cho vi-rút cúm phát triển. Ban chỉ đạo yêu cầu các địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt việc giám sát dịch bệnh; huy động lực lượng, kinh phí dập dịch triệt để; kiểm soát chặt  việc vận chuyển gia cầm từ vùng dịch sang vùng không có dịch; có nhiều hình thức tuyên truyền đến tận người dân mức độ nguy hại và biện pháp phòng chống... Thời gian tới, Ban chỉ đạo sẽ thành lập chín đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc việc phòng, chống dịch tại 34 tỉnh, thành phố và cử các đoàn kỹ thuật đến các tỉnh bùng phát dịch, kiểm tra, hướng dẫn hỗ trợ các địa phương ngăn chặn dịch.

* Ngày 14-11, Bộ trưởng Khoa học - Công nghệ Hoàng Văn Phong đã làm việc với tỉnh Tiền Giang. Bộ trưởng đã đi kiểm tra Bệnh viện đa khoa tỉnh, lò giết mổ tập trung ở TP Mỹ Tho và một trang trại gà ở ấp Phú Hòa, xã Phú Phong, huyện Châu Thành. Bộ trưởng đã ghi nhận những kiến nghị của địa phương trong công tác phòng, chống dịch; đồng thời đề nghị tỉnh cần triển khai kế hoạch dập dịch đến từng thôn, ấp; giao trách nhiệm cho từng người, từng ngành; tăng cường việc nuôi và di chuyển đàn gia cầm trong tỉnh để phát hiện sớm và dập tắt dịch khi mới bắt đầu xảy ra.

* Theo Cục Thú y, hiện nay, các địa phương trong cả nước đang tích cực tiêm phòng mũi 2 cho gia cầm. Tính đến ngày 13-11, đã có hơn 105 triệu lượt gia cầm được tiêm, trong đó  gà gần 70 triệu con, vịt hơn 35 triệu con còn lại hơn 157 nghìn là ngan, ngỗng, chim cút, bồ câu.

* Chiều 14 -11, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội Trần Mạnh Giang cho biết, Chi cục đã quyết định đình chỉ công tác 8 cán bộ thú y, trực tại 4 chốt kiểm dịch phòng cúm gia cầm: Nam Thăng Long, Cầu Chui, Thượng Đình, Láng - Hòa Lạc. Các cán bộ thú y này đã ngủ trong ca trực 2 giờ sáng ngày 11-11. Cũng theo ông Giang, đây là thời điểm nhạy cảm và căng thẳng đối với các cán bộ làm công tác kiểm dịch thú y. Tuy nhiên, với tinh thần chỉ đạo phòng, chống dịch cúm gà kiên quyết của UBND thành phố, Chi cục đã kiểm tra và áp dụng biện pháp xử lý như trên để làm nghiêm cho những người làm công tác này.

* Đến nay, tỉnh Bắc Giang có bốn người bị nghi nhiễm H5N1. Các trường hợp nghi nhiễm đều có liên quan đến gia cầm, thủy cầm chết, đã được các cơ quan chức năng lấy mẫu xét nghiệm, hiện chưa có kết quả.  Hiện nay, ở Bắc Giang, các tuyến y tế vẫn gặp khó khăn về kinh phí phòng, chống dịch, thiếu thuốc và trang thiết bị y tế.

* Tỉnh Hưng Yên đang tập trung vệ sinh tiêu độc, phun thuốc khử trùng toàn bộ khu vực chung quanh vùng dịch, đồng thời thành lập chốt kiểm dịch trên các đầu mối giao thông, như cầu Yên Lệnh (thị xã Hưng Yên), cầu Triều Dương (Tiên Lữ), Như Quỳnh (Văn Lâm), Mễ Sở (Văn Giang), Phố Nối (Yên Mỹ), Nguyên Hòa (Phù Cừ), Phù Ủng (Ân Thi).

* Tại những vùng đã có dịch cúm gia cầm, các cơ quan chức năng của tỉnh Ninh Bình đã tiêu hủy hết số gia cầm bị bệnh, làm vệ sinh môi trường, khử trùng, tiêu độc, đặt các chốt kiểm dịch. Đến nay, một số chợ lớn của tỉnh đã ngừng bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm. Tuy nhiên, ở các huyện còn nhiều nơi bày bán thịt gia cầm không qua kiểm dịch.

* Tỉnh Quảng Nam đã xuất hiện thêm ba ổ dịch cúm gia cầm mới tại các xã Bình Trung và Bình Quý (Thăng Bình). Ba đàn gà, với gần 2.000 con của ba hộ chăn nuôi ở các xã này đã chết hàng loạt. Lực lượng thú y đã tiêu hủy toàn bộ số gà và phun thuốc tiệt trùng khu vực. Như vậy, dịch cúm gia cầm đã lan rộng ra địa bàn bảy xã, thuộc ba huyện trong tỉnh.

* Ngày 13-11, Ban chỉ huy phòng, chống dịch cúm gia cầm TP Đà Nẵng đã thu gom và tiêu hủy hơn 10 nghìn con gia cầm được nuôi rải rác tại các phường ở quận Sơn Trà. Gia cầm bị tiêu hủy hỗ trợ theo mức 15.000 đồng/con gà, vịt. Toàn bộ số gia cầm nói trên dù chưa bị cúm nhưng người dân đã tình nguyện tiêu hủy. Cũng theo quy định của thành phố, tất cả các hộ chăn nuôi phải di dời toàn bộ đàn gia cầm lên hai điểm chăn nuôi tập trung tại 2 xã Hòa Tiến và Hòa Nhơn.

* Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định vừa có quyết định phân công các thành viên trong Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cúm gia cầm các cấp, định kỳ thứ 5 hằng tuần các thành viên phải báo cáo kết quả chỉ đạo, đôn đốc công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm ở địa phương trong lĩnh vực mình phụ trách. UBND tỉnh cũng đề nghị trung ương hỗ trợ 35,6 tỷ đồng, nhằm trang bị vật tư, phương tiện cho ngành y tế sẵn sàng điều trị khi có bệnh nhân bị nhiễm vi-rút H5N1.

* TP Biên Hòa (Đồng Nai) vừa quyết định ngừng chăn nuôi gia cầm trên địa bàn thành phố. Các hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ phải ngừng nuôi sau ngày 5-12, các cơ sở chăn nuôi sau ngày 15-12. Ngoài ra, thành phố sẽ xử lý nghiêm việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm trái phép.

* TP Hồ Chí Minh đã thành lập các đội tình nguyện viên tuyên truyền về cúm gia cầm. Đây là chương trình của Trung tâm Truyền thông tư vấn và giáo dục sức khỏe (Sở Y tế). Các đội tình nguyện sẽ phát không tờ rơi cho nhân dân với nội dung cảnh báo và hướng dẫn biện pháp đề phòng dịch cúm gia cầm.

* Ngành Y tế tỉnh Đồng Tháp dự trù thành lập hai bệnh viện dã chiến ở hai khu vực phía nam và phía bắc sông Tiền, sẵn sàng điều trị bệnh cúm cho người với quy mô từ 50 đến 200 giường/bệnh viện. Đồng thời, ngành cũng thành lập các đội phòng, chống dịch từ tỉnh xuống huyện và các xã, phường, có đầy đủ các phương tiện, thuốc men, nhân lực, sẵn sàng dập dịch ngay từ ca bệnh đầu tiên.

* Theo Trung tâm y tế dự phòng TP Cần Thơ, để phục vụ công tác phòng, chống dịch cúm lây sang người, trung tâm đã thiết lập và công bố đường dây nóng theo các số điện thoại (071) 822353 - 823611, 0913.106463, 0913.894234. Tất cả công dân, tổ chức khi phát hiện bệnh nhân nghi cúm nặng thì báo ngay cho trung tâm theo các số  điện thoại trên để kịp thời xử lý các ca nhiễm bệnh.

* Tỉnh Trà Vinh dự trù chi khoảng 20 tỷ đồng để bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước nguy cơ dịch cúm A (H5N1). Khoa lây nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đã bố trí khu cách ly gồm 20 giường bệnh - trang bị dụng cụ, thiết bị để chẩn đoán sơ bộ và điều trị các trường hợp viêm phổi nặng do vi-rút; thuốc điều trị triệu chứng, thuốc hồi sức cấp cứu, dịch truyền, ô-xy...

(Nhân dân)