Ảnh minh họa |
Nếu từ năm 2011 trở về trước còn ở dưới mốc 100 tỷ USD, thì từ năm 2012 đã vượt qua mốc này (năm 2012 đạt 113,3 tỷ USD, năm 2013 đạt 124,9 tỷ USD, năm 2014 đạt 139,5 tỷ USD, năm 2015 ước 149,7 tỷ USD); khả năng năm 2016 sẽ vượt qua mốc 165 tỷ USD.
Với dung lượng như trên, thị trường TMBL của Việt Nam đã nằm trong TOP 40 của thế giới, cao hơn nhiều so với thứ bậc về quy mô GDP (tính theo tỷ giá hối đoái). Dung lượng thị trường trong nước còn biểu hiện ở tỷ lệ TMBL so với GDP. Tỷ lệ này, nếu năm 1995 mới đạt 53%, thì năm 2010 đã đạt 76,7%; những năm sau đó giảm xuống (còn khoảng 73%), do tổng cầu giảm, đến năm 2014 tăng lên đạt 75,1% và năm 2015 đạt 77,3%- cao nhất từ trước tới nay. Tỷ lệ này của năm 2016 có thể còn cao hơn.
Ngoài nguyên nhân do tốc độ tăng TMBL đã cao hơn tốc độ tăng GDP (năm 2014 tăng 5,98%, năm 2015 tăng 6,68%, mục tiêu năm 2016 tăng 6,7%), dung lượng thị trường tăng còn do tỷ lệ tiêu dùng cuối cùng thông qua việc mua bán trên thị trường tăng lên, tỷ lệ tiêu dùng cuối cùng từ sản phẩm tự túc, tự cấp giảm. Điều đó chứng tỏ tính thị trường của nền kinh tế cao lên, phù hợp với xu hướng chuyển đổi nền kinh tế trong nước cao lên, cùng với việc cam kết mở cửa, hội nhập sâu, rộng hơn, ở tầm cao mới, cũng như sự cải thiện tích cực của cơ sở hạ tầng hoạt động thương mại, dịch vụ.
Cả nước hiện có gần 9.000 chợ (bình quân mỗi đơn vị cấp tỉnh có 143 chợ, bình quân đơn vị cấp huyện có 12 chợ), số lượng siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi tăng lên nhanh chóng.
Cùng với sự lớn lên về dung lượng, về tốc độ tăng, về cơ sở hạ tầng, là sự chuyển dịch cơ cấu của TMBL thể hiện rõ hơn qua tỷ trọng của khu vực tư nhân cao lên, của khu vực nhà nước chỉ còn 10%, của khu vực tập thể chỉ còn dưới 1%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài còn nhỏ.
Cơ cấu giữa hàng nội, hàng ngoại cũng có sự chuyển dịch theo hướng tỷ trọng hàng nội giảm chậm lại, có loại còn tăng lên.
Theo ngành thương mại, tỷ trọng thương nghiệp bán lẻ (thương nghiệp thuần túy) vừa lớn vừa cao lên (76,2% so với 75,4%), chứng tỏ tuy TMBL tăng cao lên, nhưng người tiêu dùng vẫn tập trung chủ yếu vào thương mại bán lẻ, do tỷ trọng dân số nông thôn còn lớn, nhu cầu còn thấp. Tỷ trọng ngành dịch vụ, ăn uống, tỷ trọng ngành du lịch dịch vụ và du lịch khác tuy còn nhỏ (chiếm 23,8%) nhưng đã tăng lên so với trước kia, do tác động của cơ cấu dân số, của cơ cấu thu nhập, của sự xuất hiện và tăng lên của bộ phận trung lưu.
Dung lượng thị trường lớn lên tương đối nhanh. Nhưng cũng đặt ra một số vấn đề. Với tốc độ tăng cao, dung lượng thị trường lớn lên, thị trường Việt Nam có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, thương mại nước ngoài nhất là trong điều kiện doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã chiếm xấp xỉ 1/2 giá trị sản xuất công nghiệp, chiếm trên 2/3 kim ngạch xuất khẩu. Do đó, mặc dù hiện chỉ chiếm tỷ trọng thấp trong TMBL, nhưng hệ thống bán lẻ của nước ngoài đang có tốc độ tăng rất cao, nhờ các thế mạnh về vốn, về quản lý, quảng cáo, về cơ sở vật chất kỹ thuật... Do vậy muốn giữ vững và mở rộng thị phần, khu vực kinh tế trong cần khắc phục những hạn chế bất cập hiện tại: quy mô nhỏ, vốn ít, cơ sở hạ tầng (nhất là hệ thống chợ ở nông thôn) còn yếu, quản trị kém, tình trạng hàng giả, hàng lậu, gian lận thương mại khá phổ biến, cân đo đong đếm chưa bảo đảm, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa tốt...
Ngoài việc tự lớn mạnh, còn phải có sự liên kết giữa các đơn vị trong nước, trên cơ sở phát huy lợi thế nắm bắt được nhu cầu, có vùng nông thôn rộng lớn, nhu cầu và sức mua đang tăng...
Minh Ngọc