Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ VHTT&DL cho biết đại dịch COVID-19 bùng phát toàn cầu từ đầu năm 2020 đã đẩy ngành du lịch vào giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong lịch sử quốc tế, chấm dứt chuỗi mười năm tăng trưởng bền vững. Ngành du lịch thế giới chịu nhiều thiệt hại và rơi vào tình trạng đình trệ. Dự kiến tới năm 2024 ngành du lịch khu vực châu Á-Thái Bình Dương mới có thể để lấy lại đà tăng trưởng như trước đại dịch.
Đối mặt với những thách thức, du lịch Việt Nam đã chủ động, tích cực thích ứng để triển khai nhiều giải pháp ứng phó. Đặc biệt, quyết định mở cửa lại du lịch quốc tế với các biện pháp mạnh mẽ được triển khai từ ngày 15/3 là hết sức quan trọng, đúng thời điểm.
"Trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam đã đón hơn 1,65 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 86,8 triệu lượt khách nội địa, tổng doanh thu khoảng 16,5 tỷ USD. Những con số này khẳng định sự phục hồi của du lịch Việt Nam, đặc biệt khi lượng khách du lịch nội địa chỉ trong 9 tháng đã vượt qua con số của cả năm 2019 trước đại dịch", ông Nguyễn Trùng Khánh cho hay.
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, du lịch là một lĩnh vực ưu tiên trong khuôn khổ hợp tác kinh tế Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS), nhận được nhiều quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, nhất là Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương (PATA). Những năm gần đây, hợp tác du lịch Tiểu vùng đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ chính phủ các nước, thu hút sự tham gia hiệu quả, tích cực của các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp du lịch và đối tác liên quan.
Du lịch Tiểu vùng Mekong mở rộng đã từng bước thể hiện được vị trí, vai trò của mình qua sự tăng trưởng về lượng khách, chất lượng sản phẩm du lịch. Năm 2019, lượng khách du lịch quốc tế đến khu vực GMS đạt gần 74 triệu lượt, tăng 7% so với năm 2018, chiếm khoảng 15% lượng khách đi du lịch tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trong 6 tháng đầu năm 2022 khi các nước khu vực Tiểu vùng Mekong lần lượt mở cửa, chúng ta đã đón hơn 3,2 triệu lượt khách quốc tế và tôi tin rằng con số này sẽ tiếp tục tăng trưởng đáng kể cho cả năm nay, ông Nguyễn Trùng Khánh khẳng định.
Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, nhằm phục hồi đà tăng trưởng du lịch của GMS trước những khó khăn, thách thức bởi tác động lâu dài của COVID-19 và sự cạnh tranh gắt gao hơn từ các quốc gia, khu vực khác ngoài tiểu vùng sau đại dịch, 6 nước thành viên cần tiếp tục cơ chế hợp tác phát triển, xây dựng các sản phẩm mới đa dạng, hấp dẫn, thu hút khách du lịch từ nhiều phân khúc.
Để làm được điều đó, không thể thiếu sự phối hợp, hỗ trợ tích cực về nguồn lực từ các nhà đầu tư khu vực nhà nước cho các cơ sở hạ tầng du lịch và chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; đồng thời từ các nhà đầu tư khu vực tư nhân cho các sản phẩm, dịch vụ du lịch, cơ sở lưu trú và vận chuyển.
Ông Nguyễn Trùng Khánh đề nghị các nước thành viên tiếp tục chung tay triển khai hiệu quả Chiến lược Du lịch Mekong 2016-2025, các kế hoạch hành động, dự án du lịch trong khu vực Tiểu vùng Mekong mở rộng. Đồng thời, tăng cường hiệu quả của các hoạt động hợp tác công-tư và thu hút nhiều hơn sự quan tâm, tham gia của các bên liên quan trong ngành để tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch và môi trường kinh doanh tốt cho các doanh nghiệp, mở rộng kết nối trong ngành du lịch và cả liên ngành để khám phá các cách thức mới phát triển du lịch theo định hướng bao trùm.
Ngoài ra, đẩy mạnh truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch điểm đến Mekong để quảng bá 6 quốc gia, một điểm đến; phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cấp cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất du lịch; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch…
Tại Diễn đàn, bà Liz Ortiguera, Giám đốc điều hành Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương (PATA) cho rằng cuộc khủng hoảng do dịch bệnh đặt ra yêu cầu cần phải tư duy và định hình lại du lịch theo hướng phát triển bền vững hơn, bao trùm hơn và có khả năng phục hồi. Dự báo sau năm 2022, ngành du lịch sẽ tiếp tục gặp nhiều thách thức, trong có giá nhiên liệu; chi phí du lịch về khách sạn, ăn uống; đặc biệt ngành hàng không gặp nhiều khó khăn.
"Tuy nhiên, tôi thấy lạc quan khi ngành du lịch đang tái hoạt động trở lại. Sau đại dịch COVID-19, xu hướng du lịch đang thay đổi hằng ngày. Các du khách đều cân nhắc điểm đến của mình, du khách muốn đồng tiền của họ đóng góp cho địa phương. Do đó, những người làm du lịch ở địa phương cần tạo ra những sản phẩm mới, hấp dẫn du khách", bà Liz Ortiguera trao đổi.
Ông Wouter Schaken, chuyên gia cao cấp về du lịch bền vững, Ngân hàng phát triển châu Á cũng đưa ra các khuyến nghị về chính sách du lịch, quy định và đầu tư liên quan cần thiết để bảo đảm khả năng phục hồi và tính bền vững của du lịch; nhất mạnh đến cơ cở hạ tầng chất lượng, các giải pháp dựa vào thiên nhiên và áp dụng trong toàn ngành các phương thức điều hành và đa dạng hóa có lợi cho thiên nhiên và liên kết lẫn nhau thúc đẩy sự phục hồi bền vững sau suy thoái do dịch COVID-19.
Diễn đàn Du lịch Mekong được tổ chức hàng năm nhằm mục đích nâng tầm khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) như một điểm đến du lịch chung, cung cấp một nền tảng toàn ngành cho khu vực công và tư để giải quyết các vấn đề du lịch của Tiểu vùng, đồng thời mở rộng mạng lưới tiếp thị và cơ hội quảng bá để thúc đẩy GMS trong khi tập hợp các nguồn lực tập thể để tạo ra sức mạnh tổng hợp trong ngành.
Diễn đàn Du lịch Mekong 2022 là hội nghị trực tiếp đầu tiên của Tiểu vùng, do cơ quan cấp nhà nước chủ trì hội nghị kể từ khi đại dịch xảy ra, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc phục hồi ngành du lịch ở các nước thành viên GMS. Sự kiện tương tác này đóng vai trò nền tảng để các bên liên quan đến du lịch kết nối lại, trao đổi kiến thức và kinh nghiệm truyền thông phục hồi du lịch, đồng thời thu thập những hiểu biết mới về du lịch GMS từ các chuyên gia trong ngành.
Lưu Hương