Đây là vấn đề được các đại biểu tập trung thảo luận tại hội nghị đánh giá thực trạng công tác quản lý, sử dụng đất đai 5 tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng), đặc biệt là đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường vừa diễn ra ở Đắk Nông.
Tây Nguyên là vùng đầu tiên Bộ TN&MT tổ chức hội nghị để bàn và triển khai nội dung quan trọng, đó là công tác quản lý đất đai và giải quyết vấn đề đất đai có nguồn gốc nông lâm trường. Nơi đây vừa là địa bàn chiến lược, có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng là nơi tập trung nhiều nông, lâm trường với 201 tổ chức nông nghiệp, lâm nghiệp chiếm khoảng gần 1/3 trong tổng số 745 tổ chức nông, lâm nghiệp của cả nước và đang quản lý khoảng 50,8 % so với diện tích tự nhiên của toàn vùng.
Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, thời gian vừa qua, công tác quản lý đất đai nói chung và quản lý đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường nói riêng tại các tỉnh Tây Nguyên đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được nêu trên, công tác quản lý đất đai nói chung và quản lý đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường nói riêng tại các tỉnh Tây Nguyên cũng còn nhiều hạn chế.
Đó là việc quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên có quá trình phức tạp, thay đổi qua từng giai đoạn nhưng chưa có biện pháp giải quyết một cách căn cơ, thấu đáo, nên còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết. Tiến độ đăng ký, cấp giấy chứng nhận, lập hồ sơ địa chính ở các địa phương còn chậm so với tiến độ đo vẽ bản đồ địa chính. Tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai vẫn còn xảy ra, nhiều vụ việc phức tạp còn xảy ra trên địa mà chưa được giải quyết dứt điểm làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội.
Để giải quyết một cách căn cơ vấn đề đất đai, đưa nguồn lực đất đai trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cũng như của Tây Nguyên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị đại biểu thảo luận để có giải pháp theo một số nội dung sau.
Về chính sách pháp luật, với ý nghĩa là nguồn lực đầu vào của các hoạt động kinh tế - xã hội, công tác quản lý cần có những đột phá từ thể chế, chính sách, pháp luật, đến quy hoạch để góp phần giải phóng sức lao động; thu hút, huy động các nguồn lực, nguồn vốn, khoa học công nghệ cho phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; giải quyết tình trạng khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai. Từ thực tiễn địa phương, cần chỉ rõ những bất cập, điểm nghẽn trong chính sách pháp luật về đất đai; những mẫu thuẫn, chồng chéo với các pháp luật chuyên ngành; đề xuất những cơ chế, chính sách, giải pháp để hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai đặc biệt là để sửa đổi Luật Đất đai trong năm 2018.
Về giải quyết tình trạng lãng phí đất đai và phát huy nguồn lực đất đai, một trong những nhiệm vụ trọng tâm Chính phủ đặt ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP, Tây Nguyên cần tập trung rà soát các dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng chậm đưa vào sử dụng, để hoang hóa, đặc biệt là giải quyết vấn đề đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường.
Về giải quyết vấn đề đất đai tranh chấp đất đai và đất cho đồng bào dân tộc thiểu số, tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/4/2016 Thủ tướng Chính phủ đã giao Thanh tra Chính phủ, UBND các tỉnh triển khai thanh tra, kiểm soát, giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm pháp luật đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh. Vấn đề này cùng với việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào cần được tập trung giải quyết để vừa ổn định chính trị, xã hội vừa thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực Tây Nguyên.
Đại diện lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên tập trung trao đổi về thực trạng quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường trên địa bàn nhằm có giải pháp trong quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường.
Thanh Phương