Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Hội thảo do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Bộ GD&ĐT và một số cơ sở giáo dục đại học tổ chức với chủ đề “Tự chủ trong giáo dục đại học (GDĐH) – từ chính sách đến thực tiễn.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đến dự và phát biểu khai mạc hội thảo. Tham dự hội thảo còn có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, đại diện các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đang công tác trong lĩnh vực GDĐH; đại diện các bộ, ngành Trung ương; các tổ chức quốc tế; các nhà quản lý cơ sở GDĐH; các chuyên gia, nhà khoa học.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, giáo dục-đào tạo là lĩnh vực có vai trò quan trọng đối với quốc gia, dân tộc ở mọi thời đại, được xem là giải pháp quan trọng hàng đầu để phát triển đất nước.
Đảng, Nhà nước đã khẳng định chủ trương giáo dục là quốc sách hàng đầu nên việc đổi mới giáo dục trong giai đoạn hiện nay đang là mối quan tâm của các cấp, các ngành, các nhà khoa học và toàn xã hội, được mọi người dân, mọi gia đình cùng quan tâm.
Mỗi cấp học và trình độ đào tạo đều có vị trí, vai trò, ý nghĩa quan trọng, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu giáo dục, tính chất và nguyên lý giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
GDĐH mang chức năng là đào tạo nhân lực, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, nghiên cứu khoa học công nghệ, đào tạo ra tri thức, sản phẩm mới để phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh và hội nhập quốc tế.
Đồng thời đào tạo người học có phẩm chất chính trị, đạo đức, có kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp để có năng lực nghiên cứu và phát triển ứng dụng khoa học và công nghệ tương xứng với trình độ đào tạo, có sức khỏe tốt, có khả năng sáng tạo và trách nhiệm nghề nghiệp, thích nghi với môi trường làm việc và có ý thức phục vụ nhân dân.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, trên 30 năm đổi mới, GDĐH Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mạng lưới các trường phát triển nhanh và đa dạng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về GDĐH từng bước hoàn thiện là hành lang pháp lý cho GDĐH phát triển phù hợp với chủ trương, định hướng đổi mới của Đảng. Đặc biệt, có nhiều chính sách mới đã được hoạch định và thực thi như việc đẩy mạnh tự chủ cho các cơ sở GDĐH.
Tuy nhiên, trong thực thi còn những khó khăn, rào cản, còn khoảng cách, là một nội dung trong những thách thức, đòi hỏi phải đổi mới của GDĐH Việt Nam.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Hội thảo Giáo dục 2020 là diễn đàn để các chuyên gia, các nhà khoa học, cán bộ quản lý giáo dục và các nhà hoạch định chính sách cùng trao đổi, thảo luận về thực trạng triển khai. Trên cơ sở đó, đề xuất những ý tưởng, giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, hướng thực hiện và kinh nghiệm tháo gỡ vướng mắc về cơ chế chính sách nhằm nâng cao hiệu quả tự chủ GDĐH, phát huy sáng tạo của các cơ sở đại học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho công cuộc phát triển đất nước.
“Khi chúng ta bàn về tự chủ đại học rất cần quan tâm đến trách nhiệm giải trình của các cơ sở GDĐH. Nếu không thực hiện đúng cam kết thì phải xử lý thế nào khi liên quan đến tiêu chuẩn, chính sách chất lượng, đến mức lương, thưởng, đến các báo cáo tài chính hằng năm và phải nghiêm túc thực hiện kiểm toán đầu tư mua sắm, trách nhiệm giải trình của các cơ sở GDĐH trước chủ sở hữu, trước cơ quan quản lý có thẩm quyền.
Đặc biệt, tôi muốn nhấn mạnh vai trò của Bộ GD&ĐT khi phải vừa chịu trách nhiệm quản lý theo quy định của pháp luật, vừa phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ về những nội dung trong quản lý Nhà nước của mình ra sao?”, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nói, đồng thời tin tưởng kết quả hội thảo sẽ góp phần cung cấp cơ sở, lý luận thực tiễn cho Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong việc thực hiện chức năng giám sát, và quyết định các chính sách phát triển GDĐH, hoàn thiện hành lang pháp lý cho phát triển GDĐH hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Hội thảo Giáo dục 2020. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Trước những yêu cầu mới của thời đại, GDĐH nước ta cần phải có sự chuyển biến mạnh mẽ, đổi mới sáng tạo. Trong đó, tự chủ đại học là điều kiện cần thiết để thực hiện các phương thức quản trị đại học tiên tiến nhằm cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục đại học đã ngày càng được hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý cho GDĐH phát triển phù hợp với chủ trương, định hướng đổi mới của Đảng và Nhà nước; đặc biệt là việc đẩy mạnh thực hiện tự chủ đối với các cơ sở GDĐH. Tuy nhiên, từ quy định chính sách đến thực tiễn thi hành cũng còn nhiều rào cản cần phải tháo gỡ, còn khoảng cách cần phải thu hẹp.
Từ thực tiễn đó, Hội thảo Giáo dục 2020 sẽ đề xuất các ý tưởng, giải pháp thúc đẩy thực hiện tự chủ đại học, tạo điều kiện cho giáo dục đại học phát triển, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế của đất nước.
Mục tiêu hội thảo nhằm tạo diễn đàn tập hợp các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, các chuyên gia, nhà giáo, nhà khoa học trong và ngoài nước để cùng trao đổi, thảo luận về thực trạng triển khai tự chủ trong GDĐH nhất là từ sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH được ban hành và có hiệu lực từ tháng 7/2019. Đây là một diễn đàn quan trọng gắn Quốc hội với cử tri, gắn việc hoạch định chính sách của Nhà nước với tiếng nói của các chủ thể liên quan trực tiếp.
Nội dung các bài tham luận tại hội thảo bám sát chủ đề của hội nghị với nhiều góc nhìn khác nhau về thể chế, cơ chế thực hiện tự chủ đại học; mối quan hệ giữa trường đại học với cơ quan quản lý có thẩm quyền cũng như giữa các thiết chế quyền lực trong nội bộ nhà trường; trách nhiệm giải trình của cơ sở GDĐH và đặc biệt là về vấn đề tài chính, sở hữu của cơ sở GDĐH công lập trong thực hiện tự chủ.
Với hình thức tổ chức trình bày tham luận có tương tác giữa các diễn giả và đại biểu tham dự (panel), ngoài phiên khai mạc và bế mạc, hội thảo được chia thành 3 phiên chính, gồm 1 phiên về các vấn đề chung và 2 phiên chuyên đề sâu về cơ chế tự chủ và về tự chủ tài chính trong GDĐH.
Nhật Nam