Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh – Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình MTGQ giai đoạn 2021-2025; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo 13 tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tham dự Hội thảo.
Hội thảo sẽ tập trung thảo luận các ý tưởng đột phá, giải pháp sáng tạo trong tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và trên cả nước nói chung.
Đồng bằng sông Cửu Long là một trong 6 vùng kinh tế-xã hội của Việt Nam, đóng góp hơn 31% GDP ngành nông nghiệp, hơn 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% trái cây, 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu của cả nước.
Dân số toàn vùng đạt trên 17 triệu người, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm 7,58%. Đặc biệt, đồng bào thiểu số trong vùng còn gặp nhiều khó khăn, 1,8% số hộ chưa được sử dụng điện, 2,5% số xã chưa có đường giao thông từ trung tâm xã đến trung tâm huyện; 5,8% xã có trạm y tế chưa đạt chuẩn quốc gia; tỉ lệ hộ nghèo còn 12,3%, cận nghèo 11,9%...
Thực hiện Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 17/10/2021 về phê duyệt Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: năm 2021-2025 và chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương xây dựng, trình ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình, cũng như tổ chức thực hiện hiệu quả việc lồng ghép nhiệm vụ, nguồn lực để bảo đảm mục tiêu của các Chương trình MTQG.
Đây là lần đầu tiên ở nước ta có Chương trình mục tiêu quốc gia dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, được Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm, chỉ đạo vô cùng sát sao và bố trí hơn 137.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2021 - 2025 để tập trung giải quyết những vấn đề cấp thiết nhất cho những địa bàn khó khăn nhất, của những dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù, đáp ứng mong mỏi bấy lâu nay của nhân dân cũng như đồng bào các dân tộc thiểu số.
Chỉ tính riêng quý IV năm 2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương đã ban hành hàng chục văn bản hướng dẫn và đôn đốc việc lập kế hoạch, chuẩn bị tổ chức thực hiện các dự án, tiểu dự án của Chương trình.
Đến nay các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện Chương trình về cơ bản đã và đang được gấp rút hoàn thành, tạo điều kiện để các bộ, ngành, địa phương triển khai ngay. Các địa phương đã tiến hành thành lập, kiện toàn lại Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.
Hội thảo lần này còn có ý nghĩa thiết thực trong bối cảnh năm 2022 là năm bản lề, tạo nền tảng để thực hiện các mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, là năm đầu thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tình hình quốc tế, khu vực có nhiều biến động khó lường.
Hải Minh