In bài viết

Tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế về phát triển đường sắt tốc độ cao

(Chinhphu.vn) - Từ 28 đến 30/3, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đến làm việc tại Bắc Kinh và Thượng Hải, Trung Quốc, nhằm tìm hiểu, nghiên cứu một số kinh nghiệm trong việc triển khai xây dựng hệ thống đường sắt tốc độ cao, xây dựng và phát triển mô hình khu thương mại tự do, trung tâm tài chính khu vực và quốc tế...

31/03/2024 19:24
Tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế về phát triển đường sắt tốc độ cao- Ảnh 1.

Đoàn công tác Bộ KH&ĐT làm việc với Tập đoàn Toa xe Trung Quốc (CRRC)

Sáng 29/3, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cùng đoàn công tác đã trực tiếp tham quan và trải nghiệm tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Kinh - Thượng Hải. Tuyến đường sắt này được xây dựng năm 2008 và hoàn thành năm 2011, dài hơn 1.300 km với tổng mức đầu tư hơn 33 tỷ USD, tốc độ chạy tàu khoảng 350 km/h.

Dự án đi qua 7 tỉnh phía đông Trung Quốc, đáp ứng nhu cầu đi lại giữa 2 thành phố lớn là Bắc Kinh và Thượng Hải. Thời gian di chuyển giữa 2 thành phố khoảng 4 giờ 20 phút, hàng năm phục vụ hơn 600 triệu lượt hành khách. Trung Quốc cũng đang trong quá trình xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao thứ hai nối Bắc Kinh và Thượng Hải vì tuyến hiện tại đã ngày càng quá tải.

Tiếp đó, ngày 30/3, đoàn công tác làm việc với Tập đoàn Toa xe Trung Quốc (CRRC). Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đã trao đổi với lãnh đạo CRRC về kinh nghiệm trong việc phát triển hệ thống đường sắt tốc độ cao, đặc biệt là phát triển ngành công nghiệp đường sắt, sản xuất máy móc, toa xe, cơ chế hợp tác, phát triển nguồn nhân lực.

Hiện nay, Trung Quốc sở hữu chiều dài đường sắt cao tốc dài nhất thế giới, trong đó các trục chính gồm 4 tuyến dọc, 4 tuyến ngang, tốc độ khoảng 250-350 km/h. Mạng lưới đường sắt cao tốc hiện đã lên tới gần 50 nghìn km đi qua 93% số thành phố trên 500 nghìn dân.

Trước đó, sáng 28/3, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã có cuộc trao đổi, làm việc với đồng chí Trịnh San Khiết, Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển Trung Quốc (NDRC).

Tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế về phát triển đường sắt tốc độ cao- Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển Trung Quốc Trịnh San Khiết

Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng đã trao đổi với đồng chí Trịnh San Khiết một số nội dung, phương hướng lớn nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai nước, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư; tăng cường hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và các lãnh đạo NDRC cũng đã thảo luận và chia sẻ một số kinh nghiệm quản lý, phát triển doanh nghiệp nhà nước trong một số khía như: Mô hình quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đã cổ phần hóa, quản lý nhà nước với các doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động; các biện pháp khuyến khích đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; vai trò của các doanh nghiệp nhà nước trong một số lĩnh vực cụ thể như năng lượng, hạ tầng, công nghệ, tài chính-ngân hàng...

Triển khai Kế hoạch cùng nhau thúc đẩy kết nối giữa khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” với sáng kiến “Vành đai và con đường”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia Trung Quốc phối hợp nghiên cứu, xây dựng Báo cáo chung về mở rộng phạm vi hợp tác "Hai hành lang, một vành đai" tới thành phố Trùng Khánh của Trung Quốc (hiện nay phạm vi hợp tác chỉ đến Côn Minh và Nam Ninh).

Trong đó, cần đánh giá kết quả hợp tác "Hai hành lang, một vành đai" giai đoạn 2016-2023; bối cảnh hợp tác với cơ hội và thách thức mới; sự cần thiết, tính khả thi của việc mở rộng phạm vi kết nối "Hai hành lang, Một vành đai" kéo dài đến Trùng Khánh; xác định các lĩnh vực kết nối trọng tâm và kiến nghị các giải pháp, định hướng chính sách kết nối giữa hai nước; các dự án, hoạt động ưu tiên.

Về thúc đẩy kết nối cơ sở hạ tầng, trong đó có đường sắt, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết phát triển hạ tầng giao thông là một trong 3 đột phá chiến lược của Việt Nam trong chiến lược phát triển đất nước.

Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang tập trung đầu tư xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc (tổng số đường bộ cao tốc của Việt Nam đến thời điểm hiện nay đạt khoảng 1.900 km. Chỉ trong 3 năm, Việt Nam đã hoàn thành bằng 1/2 số km đường cao tốc triển khai trong 10 năm trước đây. Dự kiến đến năm 2025 sẽ xây dựng hơn 3.000 km đường cao tốc và 5.000 km vào năm 2030), đường sắt đô thị và đang nghiên cứu triển khai tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam.

Trong khi đó, Trung Quốc là quốc gia có ngành công nghiệp đường sắt phát triển hàng đầu thế giới, do đó, Việt Nam mong muốn học tập kinh nghiệm về hình thành và phát triển ngành công nghiệp đường sắt, nhất là về phương diện công nghệ, kỹ thuật, huy động nguồn lực tài chính và kỹ năng quản lý.

Tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế về phát triển đường sắt tốc độ cao- Ảnh 3.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và đoàn công tác làm việc với đồng chí Vương Văn Đào, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc

Cũng trong chuyến công tác, sáng 28/3, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng có cuộc trao đổi, làm việc với đồng chí Vương Văn Đào, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ vui mừng khi đầu tư nước ngoài của Trung Quốc tại Việt Nam đã đạt được kết quả ấn tượng. Trung Quốc nhiều năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN, lớn thứ 6 trên thế giới của Trung Quốc.

Hiện nay, hai bên đã nhất trí kết nối đường sắt khổ tiêu chuẩn qua biên giới; tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Đồng Đăng - Hà Nội; Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng. Đây là hệ thống hạ tầng quan trọng để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam-Trung Quốc.

Về xây dựng khu thương mại tự do, khu phi thuế quan, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị phía Trung Quốc chia sẻ kinh nghiệm về các mô hình kinh tế mới: Khu thương mại tự do, Khu kinh tế mở, Khu phi thuế quan; tham khảo những chính sách đã ban hành...

Về đầu tư, Bộ trưởng nhấn mạnh, Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng hợp tác đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh như: Đổi mới sáng tạo, năng lượng tái tạo, đô thị thông minh, điện tử, công nghệ, công nghiệp phụ trợ... Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết đồng hành, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Trung Quốc để triển khai đầu tư, hoạt động các dự án thành công, hiệu quả, đôi bên cùng có lợi tại Việt Nam.

Bày tỏ vui mừng gặp lại Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tại Bắc Kinh, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào mong muốn hợp tác theo chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, cả trong các lĩnh vực mới và truyền thống. Phạm vi hợp tác không chỉ đầu tư, mà còn chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân viên, khai thác thị trường khác.

Tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế về phát triển đường sắt tốc độ cao- Ảnh 4.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: "Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng hợp tác đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh như: Đổi mới sáng tạo, năng lượng tái tạo, đô thị thông minh, điện tử, công nghệ, công nghiệp phụ trợ..."

Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc cho biết hiện nay, một số ngành sản xuất, thậm chí chuỗi sản xuất của Trung Quốc đã chuyển sang Việt Nam như dệt may, đồ gia dụng, đồ gỗ... Đầu tư của Trung Quốc sang Việt Nam tăng nhanh chóng, nhất là điện tử. Nhiều doanh nghiệp phụ trợ của Trung Quốc đã cung cấp sản phẩm cho các hãng điện tử lớn như Samsung, Apple. Trung Quốc cũng tăng cường đầu tư vào những lĩnh vực mới ở Việt Nam như năng lượng mặt trời.

Ông cho biết Trung Quốc sẽ tăng cường nhập khẩu hàng hoá Việt Nam, cân bằng cán cân thương mại. Trong tương lai, hai bên tăng cường đầu tư vào những lĩnh vực mới như phát triển xanh, năng lượng mới. Hai bên cũng có thể tăng cường đầu tư và kết nối phát triển xanh, kinh tế số.

Tại cuộc làm việc, hai bộ trưởng cũng trao đổi nhiều vấn đề mà hai bên cùng quan tâm, đặc biệt là kinh nghiệm hợp tác thương mại, đầu tư, kết nối hạ tầng./.

Minh Ngọc

Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Chính phủ giao triển khai các thủ tục để sớm hoàn thành thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao bắc-nam; phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải chủ động xây dựng phương án hợp tác với các nhà tài trợ nước ngoài để huy động nguồn vốn phù hợp cho dự án; cân đối bố trí kế hoạch vốn trung hạn và hàng năm đáp ứng nhu cầu triển khai dự án.

Chính phủ cũng giao các cơ quan hữu quan khẩn trương hoàn thiện đề án, trình Thường trực Chính phủ, trình Bộ Chính trị; khẩn trương hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư trong năm 2024.

Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo xây dựng Đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng là Phó Trưởng Ban chỉ đạo.