In bài viết

Tìm hướng đi mới cho Festival Huế

(Chinhphu.vn) - Qua 9 kỳ tổ chức, Festival Huế là thương hiệu có sức thu hút đối với không chỉ khách du lịch trong nước mà còn lan tỏa tới nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy vậy, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục để Huế thực sự trở thành thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.

12/12/2016 12:05

Hình ảnh tại lễ bế mạc Festival Huế 2016. Ảnh: VGP/Đông Quân

Còn nhiều bất cập

Festival Huế phát triển trên khái niệm mới về lễ hội, lấy mô hình Festival của các thành phố nổi tiếng trên thế giới vận dụng vào điều kiện, đặc điểm của Thừa Thiên-Huế làm hình mẫu tổ chức. Vì vậy, trong thực hiện vẫn còn những bất cập về cơ chế, điều kiện ngân sách, chưa tách bạch được yêu cầu phục vụ cộng đồng với yêu cầu hạch toán ngân sách.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, mục tiêu của Festival Huế nhắm đến là xây dựng Huế thành thành phố Festival của Việt Nam. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng Huế thành thành phố Festival là cơ hội vàng và cú hích quan trọng để Huế vươn vai, mạnh dạn tranh thủ thời cơ để bước vào một giai đoạn mới.

Tuy vậy, sau 9 kỳ tổ chức, hình ảnh Huế - Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam chỉ rõ nét vào mỗi kỳ Festival, với các hoạt động lễ hội, văn hóa, nghệ thuật, du lịch đa dạng, thu hút đông đảo công chúng và du khách. Sau mỗi kỳ Festival, Huế lại trở về trạng thái của một thành phố bình thường như nhiều năm trước đây. Vì vậy, tỉnh phải có những chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai các nhiệm vụ xây dựng thành phố Festival mà Chính phủ đã xác định.

“Qua mỗi kỳ tổ chức đều có đầu tư hình thành một số sản phẩm khá tốt, như đường đi bộ với những hoạt động nghệ thuật đường phố hấp dẫn, phố ẩm thực Huế, khu trình diễn làng nghề truyền thống... Nhưng sau Festival Huế, những địa điểm hoạt động văn hóa thú vị đó không còn được duy trì để tạo thêm những điểm nhấn của thành phố Festival. Ngược lại, hầu như mỗi kỳ đều phải làm lại những sản phẩm mới, không kế thừa và phát huy được thành quả của Festival Huế trong đời sống thường nhật”, ông Hoa nhấn mạnh.

Ngoài ra, cũng theo ông Hoa, mô hình một thành phố Festival với không gian văn hóa dành cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật cộng đồng, thể dục thể thao, du lịch văn hóa sinh thái và vui chơi giải trí vẫn còn nghèo nàn. Hệ thống các thiết chế văn hóa như nhà bảo tàng, nhà văn hóa, cơ sở biểu diễn nghệ thuật vẫn không khác gì so với gần 10 năm trước. Đội ngũ tổ chức sự kiện, tổng đạo diễn, chuyên viên sân khấu, âm thanh, ánh sáng, kỹ thuật biểu diễn... rất mỏng, có lĩnh vực gần như không có.

TS. Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên-Huế cho biết một số lễ hội trong Festival Huế được đầu tư dàn dựng khá tốn kém nhưng chưa tìm được hướng đi để duy trì phục vụ du lịch một cách bền vững. Có lễ hội cứ trình diễn xong lại thu về, bảo quản 2 năm sau tiếp tục dựng lại mà ít có sự nghiên cứu đổi mới, nâng cao. Vấn đề là phải phát huy như thế nào để khai thác các hàm lượng văn hóa của lễ hội nhằm tạo thành sản phẩm du lịch, đóng góp tích cực vào sự phát triển văn hóa.

Theo đánh giá, lượng khách du lịch đến với các kỳ Festival Huế chủ yếu vẫn là du khách trong nước, khách quốc tế có tăng nhưng không đáng kể. Công tác quảng bá Festival Huế vẫn là một điểm yếu do thực hiện muộn và bị động nên các doanh nghiệp du lịch khó cập nhật để chủ động đưa khách đến Huế. Do quảng bá chậm, các hãng lữ hành không dám mạo hiểm chào hàng với du khách khi chưa biết nội dung, thời gian, giá vé của các chương trình.

Festival Huế còn là cơ hội để giao lưu với các nền văn hóa đặc sắc trên thế giới. Ảnh: VGP/Đông Quân

Cần một chiến lược phát triển

Để Festival Huế tiếp tục hoàn thiện, theo TS. Phan Tiến Dũng, cần có một hội đồng nghiên cứu xác định việc tổ chức các hoạt động mang tính chiến lược. Các chương trình phải mang hàm lượng văn hóa cao, bảo đảm mục tiêu chính là góp phần tạo nên thương hiệu văn hóa Huế. Trong đó, ưu tiên các chương trình nhằm phát huy bối cảnh của không gian lịch sử và cảnh quan, tạo nét độc đáo riêng của Huế. Ông Dũng cho rằng Festival Huế phải ưu tiên phục vụ cộng đồng, phát triển phục vụ dịch vụ du lịch, phát huy tính sáng tạo của văn nghệ sĩ và người dân Huế. Văn hóa Huế cần phải được mở ra để tiếp thu những giá trị bên ngoài nhằm từng bước nâng cao chất lượng văn hóa.

Theo TS. Trần Đức Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng, mỗi kỳ Festival Huế cần có một slogan riêng, thể hiện một chủ đề riêng và nội dung hoạt động của Festival Huế sẽ xoay quanh chủ đề đó. Để làm được điều này, cần tổ chức các cuộc thi tuyển chọn ý tưởng và slogan cho từng kỳ Festival Huế. Chọn những ý tưởng hay và những slogan hay để đưa vào “ngân hàng” ý tưởng tổ chức Festival Huế cho tương lai.

Một số sinh hoạt mang tính chất dân gian như ở Phước Tích, cầu ngói Thanh Toàn... hiện nay chỉ mang tính hình thức, thụ động, không đem lại lợi ích thực sự cho người dân nên không được tiếp tục duy trì khi kết thúc Festival. Vì vậy, cần có chiến lược dài hơi hơn để giúp người dân địa phương duy trì, phát huy những hoạt động được công chúng và du khách hưởng ứng, trở thành những hoạt động thường xuyên chứ không chỉ trong dịp Festival.

Không gian Đại Nội cần duy trì các hoạt động trải nghiệm dành cho cộng đồng địa phương nhiều hơn để có thể tận dụng các trang thiết bị phục vụ Festival Huế, không gây lãng phí; đồng thời làm phong phú thêm các hoạt động phục vụ du khách. TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đề xuất nên có phương án tổ chức các hoạt động định kỳ, thường xuyên trong khu vực Đại Nội và do một bộ phận chuyên trách thực hiện để duy trì không gian sống động, hấp dẫn du khách, phát huy hơn nữa các giá trị đặc sắc của khu di sản và kế thừa được hiệu ứng của Festival Huế.

Còn PGS. TS Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Thừa Thiên-Huế kiến nghị, UBND tỉnh tổ chức nghiên cứu để đánh giá tổng kết 10 năm thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Đề án xây dựng thành phố Huế - thành phố Festival nhằm tìm ra mô hình phát triển trong thời gian tới.

Để Festival Huế thực sự trở thành một sự kiện văn hóa điển hình, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập văn hóa quốc tế, theo TS. Đỗ Bang, cần quan tâm chiến lược phát triển, mô hình tổ chức, sự chuyên nghiệp hóa, sự tham gia của người dân với tư cách là chủ nhân thực sự của Festival Huế, gắn kết di sản truyền thống với các yếu tố văn hóa nghệ thuật đương đại... Đây là các yêu cầu đặt ra khi tổ chức Festival Huế, đi chệch quỹ đạo hoặc xa rời bản sắc đã được định hình, sẽ đánh mất vị thế đã được tạo dựng.

Về thời gian tổ chức Festival Huế, đến nay các ý kiến vẫn chưa có sự thống nhất. Có người cho rằng chu kỳ của Festival 2 năm 1 lần, mỗi kỳ có 6 ngày hay 1 tuần là hợp lý. Ý kiến khác đề xuất nên giãn chu kỳ tổ chức Festival khoảng 3-4 năm/một lần để có sự chuẩn bị đầu tư hiệu quả. Theo TS. Trần Đức Anh Sơn, thời gian diễn ra Festival không nên dồn hết vào 9 ngày như đang làm mà có thể phân thành 2 hoặc 3 đợt trong năm, mỗi đợt kéo dài 3-4 ngày, gắn với một chủ đề nhỏ, như lễ hội, ẩm thực, mưa Huế, nhạc Huế, hội họa Huế, văn hóa Huế... với số lượng đoàn tham dự không quá nhiều, thuận tiện cho việc tổ chức và quan trọng là tạo điều kiện để cho Festival được diễn ra ở nhiều thời điểm trong năm. Như vậy mới đúng nghĩa là xây dựng Huế thành một thành phố Festival.

Còn nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng, nên tổ chức Festival Huế theo phương thức hình thành một khung chương trình chủ lực khoảng 3 ngày, để từ 3 ngày đó có thể nhân lên thành 6, thành 9, thành 12 hoặc có thể nhiều ngày hơn, như Festival Avignon của Pháp kéo dài 30 ngày mà không cần đầu tư thêm nhiều kinh phí. Ngược lại, việc tổ chức kéo dài sẽ tạo điều kiện để phát huy những chương trình đã đầu tư, tăng thêm nguồn thu, dễ bố trí thời gian biểu diễn cho các đoàn nghệ thuật nước ngoài và nhất là thuận tiện cho du khách. 

Đông Quân