In bài viết

Tìm ‘lời giải’ cho bài toán phòng chống ngộ độc thực phẩm

(Chinhphu.vn) – 5 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 36 vụ ngộ độc thực phẩm, giảm 4 vụ so với cùng kỳ 2023. Tuy nhiên, số mắc và đi viện tăng hơn 1.000 người. Theo Bộ Y tế, đây là vấn đề phải giải quyết từ gốc.

21/05/2024 11:19
Tìm ‘lời giải’ cho bài toán phòng chống ngộ độc thực phẩm- Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Bộ Y tế - Ảnh: VGP/HM

Số vụ ngộ độc giảm, số người mắc tăng hơn 1.000 người

Sau khi ghi nhận một số vụ ngộ độc thực phẩm với số ca mắc tập thể nhiều người xảy ra ở một số địa phương gần đây, ngày 21/5, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị toàn quốc tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm.

Tại Hội nghị, TS Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, trung bình trong 5 năm gần đây, mỗi năm cả nước ghi nhận khoảng 100 vụ ngộ độc, 23 trường hợp tử vong.

Riêng 5 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 36 vụ ngộ độc thực phẩm. Số vụ ngộ độc giảm so với cùng kỳ năm 2023, tuy nhiên số mắc tăng hơn 1.000 người. Điều này cho thấy, các vụ ngộ độc ghi nhận số mắc quy mô lớn, hàng trăm người mắc và nhập viện, điển hình như các vụ xảy ra ở Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Khánh Hoà…

Trong số 36 vụ ngộ độc ghi nhận trong đầu năm 2024, có 3 vụ ngộ độc thực phẩm ở bếp ăn tập thể trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, làm 518 người mắc, tăng 457 trường hợp so với cùng kỳ 2023. Số vụ ngộ độc và số mắc trong trường học giảm so với cùng kỳ.

Theo ông Nguyễn Hùng Long, nguyên nhân chủ yếu gây ra các vụ ngộ độc tập thể vừa qua chủ yếu do vi sinh vật.

Riêng những tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 11 vụ ngộ độc liên quan đến vi sinh vật, làm 1.241 người mắc, chiếm 30,6% tổng số vụ nhưng chiếm tới 58% tổng số ca mắc. Rất may mắn không ghi nhận trường hợp tử vong.

Cụ thể, một số vụ ngộ độc xảy ra gần đây khiến số mắc lớn như: tại Sóc Trăng, vụ ngộ độc xảy ra hồi tháng 1/2024 ở hộ kinh doanh bánh mỳ Thu Hà, làm 150 người bị nhiễm độc và đi viện. Nguyên nhân do vi sinh vật Salmonella trong thịt nguội.

Tại Khánh Hoà, vụ ngộ độc xảy ra tại quán cơm gà Trâm Anh tháng 3/2024, làm 369 người bị nhiễm độc và đi viện. Nguyên nhân do vi sinh vật Salmonella trong gà. Quán cơm này không thực hiện kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn theo quy định, không cung cấp được các hợp đồng và giấy tờ liên quan đến nguyên liệu thực phẩm…

Tìm ‘lời giải’ cho bài toán phòng chống ngộ độc thực phẩm- Ảnh 2.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/HM

Vụ ngộ độc tại tiệm bánh mỳ Cô Băng, Đồng Nai xảy ra cuối tháng 4/2024, làm 547 người mắc và đi viện. Nguyên nhân do vi sinh vật Salmonella trong thịt lợn đã qua chế biến, chả lụa. Tiệm bánh mỳ này cũng không có đăng ký kinh doanh, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm…

Giữa tháng 5/2024, xảy ra vụ ngộ độc tại bếp ăn tập thể Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam (Vĩnh Phúc), khiến 438 người mắc và đi viện. Nguyên nhân vụ ngộ độc vẫn đang chờ kết quả.

Mới đây nhất, tại Đồng Nai, vụ ngộ độc xảy ra tại bếp ăn tập thể công ty TNHH Dechang Việt Nam làm 95 người mắc và đi viện. Nguyên nhân do vi sinh vật Salmonella trong mỳ Quảng.

Thể chế đầy đủ nhưng triển khai có vấn đề

Cục An toàn thực phẩm chỉ rõ những nguyên nhân gây các vụ ngộ độc tập thể gần đây là do việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm của một bộ phận chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa đầy đủ, thường xuyên; do thời tiết nắng nóng, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh phát triển, nhất là vi khuẩn gây bệnh đường ruột; do ảnh hưởng của thị trường, điều kiện kinh tế xã hội; do lợi nhuận; thậm chí một số doanh nghiệp định mức khẩu phần ăn cho người lao động ở mức thấp, sử dụng nguyên liệu giá rẻ, không bảo đảm an toàn.

Bên cạnh đó, một số địa phương thiếu nhân lực, vật lực trong thực hiện công tác an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm.

Ngoài ra, còn do nhận thức và ý thức của một bộ phận người dân về bảo đảm an toàn thực phẩm phòng chống ngộ độc thực phẩm chưa tốt.

Tại Hội nghị, đại diện Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cũng thừa nhận rằng, có bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, khu chế xuất, giá suất ăn quy định cho người lao động chỉ từ 20-25k/suất, chưa kể sự chênh lệch giữa cơ sở đưa thực phẩm vào và một số đơn vị liên quan thì giá thành bữa ăn thực tế của người lao động quá thấp.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế chỉ ra rằng, rõ ràng trong một số vụ ngộ độc vừa rồi có quy định phải lưu mẫu và kiểm định nhưng cơ sở, địa phương không thực hiện; có quy định kiểm soát thực phẩm đầu vào nhưng có tình trạng cơ sở mua nguyên liệu không an toàn, trôi nổi bên ngoài, để cung cấp vào bếp ăn tập thể đó; cơ sở không có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, địa phương không kiểm tra, giám sát…

Điển hình là vụ việc ở Vĩnh Phúc mới đây. Tuy cơ sở cung cấp thực phẩm được cấp chứng nhận an toàn thực phẩm trước khi đưa thực phẩm vào nhà máy nhưng đơn vị cung cấp thực phẩm này đã đi thu gom thực phẩm trôi nổi ở chợ bên ngoài, sau đó đóng mác của cơ sở mình để đưa đồ vào nhà máy. 

"Rõ ràng thể chế đã đẩy đủ, nhưng việc triển khai có vấn đề, đặc biệt ở cơ sở, địa phương. Vấn đề này cần phải xử lý", ông Nguyễn Thanh Phong nhấn mạnh.

Hai vấn đề lớn trong bảo đảm an toàn thực phẩm

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, hiện nay có 2 vấn đề lớn liên quan đến vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm. Đó là thể chế và tổ chức thực hiện.

Các văn bản về an toàn thực phẩm của 3 Bộ: Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quy định trách nhiệm một số ngành hàng theo quy định.

Ban Bí thư đã có Chỉ thị 17/CT-TW năm 2022 về tăng cường công tác an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới; Chính phủ cũng liên tiếp có nhiều chỉ đạo về an toàn vệ sinh thực phẩm; các bộ, ban ngành và chính quyền địa phương đã vào cuộc…

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, thời gian qua vẫn xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm với số người mắc lớn. Vì vậy, vấn đề đặt ra là tại sao đã có nhiều chỉ đạo, thể chế mà vẫn để xảy ra nhiều vụ ngộ độc như vậy, vấn đề tổ chức thực hiện, triển khai như thế nào…

"Nếu thể chế chưa đủ thì các cơ sở, địa phương kiến nghị, đề xuất để cơ quan chức năng bổ sung, sửa đổi, thậm chí ban hành mới. Nếu tổ chức thực hiện ở cơ sở còn hạn chế thì phải làm nghiêm, kiên quyết tìm nguyên nhân để khắc phục tối đa, làm sao để hạn chế thấp nhất số vụ ngộ độc xảy ra, số người mắc ít nhất, không ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Hiền Minh