In bài viết

Tìm thuốc mới điều trị bệnh lao

(Chinhphu.vn) - Việt Nam xếp thứ 14/27 nước có tỷ lệ bệnh nhân lao kháng thuốc cao trên toàn cầu. Giải pháp căn bản cho thực trạng này là phải tìm ra được loại thuốc điều trị lao mới.

29/10/2014 12:53
Mỗi năm nước ta có 5.100 trường hợp mắc lao đa kháng thuốc. Ảnh: VGP/Thúy Hà

Vi trùng lao dễ kháng thuốc, nên điều trị lao cần dùng kết hợp nhiều thuốc, nếu chỉ dùng đơn thuần một loại thuốc lao sẽ không điều trị khỏi bệnh. Có 2 nhóm thuốc trị bệnh lao hiện nay là “thuốc kháng lao hàng 1” và “thuốc kháng lao hàng 2”.

Điều trị lao kháng thuốc đắt gấp 40 lần     

Kháng thuốc là khi vi trùng lao trong cơ thể kháng hoặc chống lại với một hay nhiều loại thuốc điều trị. Có bệnh nhân chỉ bị kháng thuốc ở mức độ ít nghiêm trọng, nhưng có bệnh nhân kháng thuốc mức độ nặng hơn gọi là “lao đa kháng thuốc”, và có bệnh nhân kháng thuốc mức độ nguy hiểm hơn nữa gọi là “lao siêu kháng thuốc”.

Tùy theo mức độ kháng thuốc mà các bác sĩ sẽ lựa chọn phác đồ điều trị khác nhau cho bệnh nhân.

Theo TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi Trung ương, mặc dù vẫn nằm trong số các nước có tỷ lệ người mắc lao cao nhất thế giới, nhưng bệnh lao ở nước ta đang có xu hướng giảm. Tuy nhiên, tốc độ giảm hiện nay còn quá chậm, chưa đạt yêu cầu.

Ước tính, mỗi năm nước ta có 130.000 bệnh nhân mới mắc lao, trong đó số bệnh nhân được phát hiện bệnh khoảng 100.000 người. Như vậy, khoảng 30.000 bệnh nhân còn lại chưa được phát hiện ngoài cộng đồng và không được điều trị bệnh theo đúng phác đồ.

Chính điều này làm tăng con số tử vong và cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng số bệnh nhân mắc lao kháng thuốc.

So sánh 2 lần điều tra kháng thuốc mới đây (2006-2007 và 2011-2012) cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân mắc lao kháng thuốc đã tăng từ 2,7% lên 4%.

Điều tra về tình hình kháng thuốc và nhạy cảm của vi khuẩn lao ở trong nước năm 2011-2012 cũng cho thấy, số bệnh nhân mắc lao đa kháng thuốc trong số trường hợp lao mới phát hiện (tức là chưa điều trị bao giờ) chiếm 4%.

Ước tính, mỗi năm nước ta có khoảng 5.100 trường hợp mắc lao đa kháng thuốc. Con số này không phải là nhỏ và gây nhiều khó khăn cho xã hội, ngành Y tế và bệnh nhân vì thời gian điều trị lao kháng thuốc hay lao đa kháng thuốc có thể kéo dài đến hàng năm.

Bên cạnh đó, thuốc điều trị lao kháng thuốc cũng đắt hơn 40 lần so với thuốc điều trị lao thông thường.

Ths.BS Vũ Thị Hạnh Nguyên, Phó Trưởng Khoa Lao hô hấp, BV Phổi Trung ương đưa ra dẫn chứng, thuốc điều trị lao thông thường sử dụng trong 1 phác đồ điều trị là khoảng 50-100USD, nhưng đối với trường hợp lao kháng thuốc thì riêng tiền thuốc đã gần 3.000 USD.

“Hiện nay chúng ta đang nhận được hỗ trợ của tổ chức cung ứng thuốc toàn cầu, nên số tiền thuốc điều trị lao kháng thuốc đã giảm còn 2.000 USD/phác đồ. Tuy nhiên, con số này vẫn còn rất cao so với mức sống của nhiều người bệnh hiện nay”, Ths.BS Nguyên chia sẻ.

Thuốc chống lao mới sẽ đem lại hy vọng sống cho hàng nghìn bệnh nhân lao kháng thuốc. Ảnh: VGP/Thúy Hà

Thuốc điều trị lao đã dùng quá nửa thế kỷ

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến lao kháng thuốc như: Do người bệnh không tuân thủ đúng phác đồ điều trị; do vi trùng lao dễ thay đổi cấu trúc để chống lại thuốc lao, do thuốc điều trị lao hiện nay đã được dùng quá lâu, do thầy thuốc…

Trong đó, nguyên nhân do thầy thuốc được chỉ ra là do bệnh nhân lao đang điều trị tại những cơ sở không dùng theo đúng phác đồ của chương trình phòng chống lao; do thầy thuốc chưa lựa chọn đúng phác đồ điều trị, sử dụng không đủ các thuốc cần thiết cho bệnh nhân, hoặc để bệnh nhân ngưng thuốc lao trong thời gian lâu nhằm điều trị các tác dụng phụ của thuốc, mà không theo dõi đầy đủ...

“Thậm chí, có những bác sĩ cho rằng, thuốc của Chương trình phòng chống lao không tốt, phải mua thuốc ngoài, mà thuốc ngoài do chính bác sĩ bán. Nếu việc này không được kiểm soát chặt thì chúng ta không bao giờ chống được bệnh lao”, TS Nhung cho biết.

Bên cạnh đó, thuốc chống lao hiện nay chưa được quản lý chặt chẽ. Mặc dù theo quy định bán thuốc chống lao phải có đơn, nhưng người bệnh vẫn dễ dàng mua trên thị trường và các cửa hàng bán thuốc lao cũng không có ai kiểm soát.

Đối với nguyên nhân gây lao kháng thuốc do thuốc chống lao hiện nay đã được sử dụng quá nửa thế kỷ (60 năm), TS Nhung nhận định, không thể không có kháng thuốc.

Câu chuyện này không chỉ xảy ra với Việt Nam mà xảy ra trên toàn cầu. Để có lời kết cho câu chuyện này, theo TS Nhung, chúng ta cần phải bảo vệ và sử dụng thuốc đang có phù hợp, có trách nhiệm, đặc biệt, phải tìm ra thuốc chống lao mới.

Theo lý giải của TS Nhung, hiện nay, mỗi năm nước ta có khoảng 5.100 trường hợp mắc lao đa kháng thuốc, trong đó có 5,6% bệnh nhân mắc lao siêu kháng thuốc (tức là thuốc điều trị lao hàng 2 không có tác dụng).

Những trường hợp này đồng nghĩa với nguy cơ tử vong cao, vì hiện tại, không còn khả năng nào chữa bệnh. Để cứu sống những bệnh nhân này, bắt buộc phải có thuốc mới.

Tháng 11 tới đây, được sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia đầu tiên sử dụng thuốc chống lao mới. Trước mắt, thuốc này sẽ được chỉ định cho khoảng 100 trường hợp mắc lao siêu kháng thuốc trên cả nước.

Khi đó, chúng ta có thể đạt được mục tiêu giảm số người chết do bệnh lao xuống dưới 18 người/ 100.000 người dân vào năm 2015 theo Chiến lược quốc gia phòng chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 mà Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt tháng 3/2014.

Tỷ lệ mắc lao trong độ tuổi lao động ở nước ta chiếm tới 60%. Đây là số người sản xuất ra của cải vật chất nhiều nhất cho xã hội nhưng lại là đối tượng mắc cao nhất. Điều đó lý giải vì sao bệnh lao luôn được xem là nhân tố “song hành” cùng đói nghèo.

Bệnh lao có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu tuân thủ đúng phác đồ điều trị.

Để chủ động phòng chống bệnh lao, các bậc phụ huynh cần cho trẻ (từ lúc sinh đến 12 tháng tuổi) tiêm đầy đủ vaccine ngừa lao.

Thúy Hà