Hồi 4 giờ ngày 4/1, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11,7 độ Vĩ Bắc; 111,8 độ Kinh Đông, cách đất liền các tỉnh Phú Yên-Ninh Thuận khoảng 300km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.
Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển Tây Tây Nam mỗi giờ đi được 20km và suy yếu thành một vùng áp thấp.
Đến 16 giờ ngày 04/01, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 11,3 độ Vĩ Bắc; 109,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Ninh Thuận-Bến Tre. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 ( tức là dưới 40km/giờ).
Phía Tây khu vực Giữa Biển Đông (bao gồm khu vực phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa) có mưa mưa rào và dông mạnh; gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Biển động. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Sáng 3/1, Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức họp ứng phó với cơn bão số 1 (bão Bolaven) do ông Trần Quang Hoài – Ủy viên thường trực Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai chủ trì.
Theo báo cáo nhanh ngày 3/1 của cơ quan thường trực BCH PCTT và TKCN Bộ Tư lệnh Biên phòng, Biên phòng các tỉnh, thành phố ven biển từ Đà Nẵng đến Kiên Giang đã phối hợp với địa phương, gia đình, chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm và hướng dẫn cho 47.190 phương tiện/246.019 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động di chuyển, phòng tránh hoặc thoát khỏi khu vực nguy hiểm.
Tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài - Ủy viên thường trực - Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai cho rằng đây là cơn bão với diễn biến nhanh, do đó cần có những chỉ đạo ứng phó khẩn trương. Đây là cũng dịp sau kết thúc các cơn bão 15, 16 và vào mùa thu hoạch, đánh bắt cá phục vụ dịp tết âm lịch của các ngư dân. Theo dự báo, cơn bão vào biển đông mạnh lên và có xu thế giảm đi khi vào bờ, tuy nhiên cần cần tránh các tư tưởng chủ quan.
Để ứng phó với cơn bão số 1, ông Trần Quang Hoài đề nghị: Đối với khu vực trên biển, yêu cầu các ngư dân, chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu thuyền thường xuyên theo dõi các thông tin về diễn biến của cơn bão để chủ động phòng tránh.
Đối với khu vực đất liền, tiếp tục theo dõi diễn biến của cơn bão và tình hình mưa để có biện pháp chỉ đạo điều hành đối với các hồ chứa, đối với khu vực ven biển, vùng thấp trũng.
Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo TW về PCTT tăng cường gửi các bản tin, tài liệu hướng dẫn cho các cơ quan phát thanh và truyền hình từ Trung ương đến các địa phương ở khu vực bị ảnh hưởng của bão nhằm phổ biến, tuyên truyền cho người dân để chủ động phòng tránh đặc biệt hướng dẫn tàu thuyền cách tránh trú bão, di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm và đảm bảo an toàn.
Tổng cục Thủy sản, Bộ tư lệnh bộ đội biên phòng phối hợp với địa phương kiểm đếm tàu thuyền, quản lý chặt chẽ việc ra khơi và giữ liên lạc thường xuyên với các tàu thuyền. Thường xuyên cập nhật thông tin, tình hình diễn biến của cơn bão để có chỉ đạo kịp thời.
Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn trung ương thường xuyên cung cấp, cập nhật các bản tin về tình hình, diễn biến bão.
Sẵn sàng các phương án ứng phó
* Hồi 22 giờ ngày 2/1, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai – Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã ban hành Công điện số 02/CĐ-TW chỉ đạo ứng phó ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão.
Công điện yêu cầu các bộ ngành, địa phương chỉ đạo thực hiện ngay một số nội dung: Thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo kịp thời cho các chủ phương tiện, thuyền trưởng các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão để chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi và giữ liên lạc thường xuyên với các tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của ATNĐ, bão để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra; tăng cường các lực lượng kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền, khu vực neo đậu quanh các đảo để đảm bảo an toàn cho phương tiện.
Rà soát các phương án đảm bảo an toàn cho người dân, khách du lịch trên các đảo.
Kiểm tra, rà soát sẵn sàng các phương án ứng phó đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều, công trình ven biển, tàu thuyền tại khu neo đậu, lồng bè nuôi trồng thủy hải sản.
Sẵn sàng lực lượng phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Duy trì chế độ trực ban 24/24...
* Trước đó, vào hồi 7h30 ngày 2/1, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã ban hành Công điện số 01/CĐ-TW gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Đà Nẵng đến Kiên Giang, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ: Quốc phòng, Giao thông Vận tải, Ngoại giao, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Hệ thống Đài Thông tin Duyên hải.
Nội dung Công điện nêu rõ: Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, nhất là khu vực vùng biển phía Nam có số lượng tàu, thuyền hoạt động rất lớn, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành chỉ đạo thực hiện một số nội dung.
Thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo kịp thời cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Vùng nguy hiểm trên biển được xác định tại các bản tin của cơ quan dự báo.
Tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi và giữ liên lạc thường xuyên với các tàu, thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Thông tin Duyên hải và các cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương và địa phương thường xuyên cập nhật diễn biến của áp thấp nhiệt đới, thông tin đến các cấp chính quyền và người dân; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về kiến thức và kỹ năng ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão tại địa phương, đặc biệt là tuyến cơ sở để công tác phòng tránh được chủ động, hiệu quả.
Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn./.