In bài viết

Tin ATNĐ và các chỉ đạo ứng phó

(Chinhphu.vn) – Dự báo áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) có thể mạnh lên thành bão, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai vừa ban hành công điện hỏa tốc chỉ đạo các bộ ngành, địa phương triển khai các biện pháp ứng phó.

04/06/2018 12:05
* Công điện hỏa tốc số 04/CĐ-TW     


Thông tin mới nhất từ Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, hồi 7 giờ ngày 4/6, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 110,7 độ Kinh Đông, trên khu vực vùng biển quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 8.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Bắc, mỗi giờ đi được 5-10km và có khả năng mạnh lên thành bão.

Đến 7 giờ ngày 5/6, vị trí tâm bão ở khoảng 17,5 độ Vĩ Bắc; 110,7 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam khoảng 130km về phía Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 80km tính từ vùng tâm bão. 

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới sau có khả năng mạnh lên thành bão, ở phía Tây khu vực Bắc và Giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có mưa dông mạnh; gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 10; biển động rất mạnh. Vùng biển ngoài khơi Trung Bộ, Nam Bộ, vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang và Vịnh Thái Lan có mưa rào và dông kèm lốc xoáy, gió giật mạnh.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới: (gió mạnh cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 14,5 đến 19,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 113,0 độ Kinh Đông.

Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5-10km. Đến 07 giờ ngày 06/6, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,2 độ vĩ Bắc, 110,6 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Nam đảo Hải Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 80km tính từ vùng tâm bão. 

Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Bắc, mỗi giờ đi được 5-10km.

Ngày 3/6, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã tổ chức cuộc họp giao ban để chủ động ứng phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão.

Tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Cường – Giám đốc trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương đã đưa ra những nhận định về tình hình, diễn biến của áp thấp nhiệt đới thì đây là một trong những tình huống thiên tai phức tạp, dự kiến bão sẽ chạy dọc biển, miền Trung lên miền Bắc, duy trì cách bờ 300-400km, trái với dự đoán ban đầu là vùng áp thấp phía Đông Philippine phát triển gây ảnh hưởng suy yếu áp thấp nhiệt đới trong biển Đông nước ta.

Theo báo cáo của Đại tá Trần Dương Kiên – Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về tình hình tầu thuyền thì hiện tại cũng đã triển khai công tác kiểm đếm và hướng dẫn tầu thuyền trên biển sớm vì đặc thù vùng biển này đang tập trung lượng lớn tầu thuyền đánh bắt thủy sản. Tùy tình hình thực tế của áp thấp nhiệt đới và bão để thực hiện việc kêu gọi tầu thuyền, vì vậy ông cũng đề nghị Trung tâm Khí tượng thủy văn trung ương theo dõi sát tình hình áp thấp nhiệt đới, tăng cường bản tin để chủ động trong chỉ đạo và triển khai nhiệm vụ.

Về công tác triền khai của lực lượng sẵn sàng ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, Trung tá Đỗ Huy Phương - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cũng đã báo cáo công tác chuẩn bị từ rất sớm. Ủy ban đã có những chỉ đạo rất tích cực từ ban đầu khi nhận được thông tin, lực lượng bộ đội khoảng 50.000 người đã sẵn sàng cả về nhân lực, vật lực để ứng phó với tình huống trước diễn biến của thiên tai.

Sau khi nghe báo cáo của các đơn vị, Phó Chánh Văn phòng thường trực – Phó Tổng cục Trưởng Nguyễn Trường Sơn đã nhận định, áp thấp nhiệt đới còn diễn biến khá phức tạp khi chạy dọc bờ biển nước ta từ miền Trung ra miền Bắc và khả năng mạnh lên thành bão.

Bên cạnh đó, ngoài khơi phía Đông Phillipine cũng đang hình thành một vùng áp thấp, khu vực áp thấp nhiệt đới di chuyển vào vùng đang có nhiều tầu thuyền đánh bắt hải sản.

Vì vậy, Phó Chánh văn phòng đã yêu cầu Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương theo dõi chặt chẽ, thông tin thường xuyên và tăng cường các bản tin dự báo sớm về áp thấp nhiệt đới và bão để phục vụ công tác chỉ đạo và điều hành.

Ngoài ra, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Cục Kiểm ngư phối hợp nắm bắt tình hình tầu thuyền, hướng dẫn tầu thuyền thoát ra khỏi vùng nguy hiểm, thường xuyên thông tin về bờ. Bộ Ngoại giao có công hàm gửi nước bạn khi cần tạo điều kiện cho tầu thuyền tránh trú.

Sẵn sàng ứng phó

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn vừa ban hành Công điện hỏa tốc số 04/CĐ-TW gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau; Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai các Bộ: NNPTNT, Ngoại giao, Công an, Quốc phòng, Giao thông vận tải, Công Thương chỉ đạo chủ động ứng phó với diễn biến của ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão trong 24 giờ tới.

Theo đó, Ban Chỉ đạo Trung ương yêu cầu theo dõi  chặt chẽ diễn biến của ATNĐ trên các phương tiện thông tin; thông báo, hướng dẫn cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển để thoát ra hoặc không đi vào vùng nguy hiểm.

Tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền để đảm bảo an toàn về người và tài sản.

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời ứng phó khi có yêu cầu.

Các Bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và các địa phương có phương án đảm bảo an toàn cho khách du lịch, duy trì thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo phòng, chống, sẵn sàng giúp đỡ địa phương khi có yêu cầu.

Bộ Ngoại giao chủ động làm việc với các nước trong khu vực để có biện pháp hỗ trợ cho ngư dân và tàu thuyền tránh trú bão khi cần thiết.

Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

* Để chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới, Cục Cứu hộ - Cứu nạn (Bộ Tổ Tham mưu) có điện gửi Bộ Tư lệnh Quân khu (3, 4, 5), Quân chủng Hải quân, Phòng không - Không quân; Bộ đội Biên phòng; BTL Cảnh sát biển đề nghị:

Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ đạo Biên phòng các tỉnh, thành ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau theo dõi, nắm chắc diễn biến, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới; phối hợp với chính quyền địa phương và gia đình chủ tàu thông báo cho các chủ phương tiện đang hoạt động trên biển biết diễn biến, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động di chuyển phòng tránh hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm (vùng nguy hiểm trong 12 đến 24 giờ tới từ vĩ tuyến 7,0 đến 14,5 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 110,0 đến 115,0 độ Kinh Đông). Duy trì thông tin liên lạc thường xuyên, sẵn sàng xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra.

Bộ Tư lệnh Quân khu 3, 4, 5; Quân chủng Hải quân, PK-KQ; Cảnh sát biển cập nhật thường xuyên diễn biến của vùng áp thấp nhiệt đới; duy trì nghiêm chế độ ứng trực, nắm chắc tình hình; sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó và cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống.

Các đơn vị tổ chức triển khai thực hiện và báo cáo về Bộ Tổng Tham mưu (qua Cục Cứu hộ - Cứu nạn) để Bộ theo dõi, chỉ đạo./.